1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc thừa nhận Covid-19 lộ “nhiều mắt xích yếu” của hệ thống y tế

(Dân trí) - Thủ tướng Lý Khắc Cường đã hiếm hoi thừa nhận rằng dịch Covid-19 bộc lộ “nhiều mắt xích yếu” trong hệ thống y tế, giữa lúc Bắc Kinh hứng chịu các chỉ trích về cách ứng phó ban đầu với dịch bệnh.

Trung Quốc thừa nhận Covid-19 lộ “nhiều mắt xích yếu” của hệ thống y tế - 1

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Thủ tướng Lý Khắc Cường (Ảnh: AFP)

“Người dân có các ý kiến và đề xuất rất đáng quan tâm. Chúng ta phải nỗ lực để cải thiện công việc, thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả và nỗ lực hết sức để đáp ứng các kỳ vọng của người dân”, ông Lý Khắc Cường phát biểu trước trước quốc hội ngày 22/5.

Thủ tướng Lý Khắc Cường đã cam kết giữ vững nguyên tắc rằng “mạng sống là điều quan trọng nhất” và cải tiến hệ thống y tế công. Ông cũng hứa cải tiến hệ thống kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh, cải tiến các hệ thống cảnh báo sớm và báo cáo bệnh truyền nhiễm, đảm bảo thông tin được công bố một cách kịp thời, công khai và minh bạch.

Ngoài ra, ông Lý Khắc Cường còn cam kết tăng cường đầu tư vào việc nghiên cứu và phát triển các loại vắc xin và phương pháp điều trị, cũng như xây dựng thêm các cơ sở y tế.

Sau khi đại dịch SARS bùng phát vào năm 2013, Bắc Kinh kết luận rằng sự minh bạch cao hơn có thể đã giúp chống lại đại dịch và kể từ đó đã đầu tư mạnh mẽ vào việc xây dựng một hệ thống báo cáo tiên tiến đối với các bệnh truyền nhiễm để ngăn chặn các vụ che giấu thông tin trong tương lai.

Nhưng sau sự bùng phát của đại dịch Covid-19, chính phủ đã buộc phải thừa nhận rằng vẫn còn nhiều việc phải làm để cải tiến sự ứng phó của Trung Quốc đối với các đại dịch lớn và đáp ứng các kỳ vọng của người dân.

Các bình luận của ông Lý Khắc Cường diễn ra trong bối cảnh Trung Quốc đang đối mặt với sự chỉ trích ngày càng gia tăng ở trong nước cũng như nước ngoài về cách ứng phó với dịch Covid-19 ở giai đoạn đầu.

Ông Lý Khắc Cường thừa nhận, đại dịch Covid-19 là vấn đề y tế công lây lan nhanh nhất, rộng nhất và thách thức nhất mà Trung Quốc từng đối mặt để từ năm 1949 khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa được thành lập. Cho tới nay, đại dịch đã khiến hơn 82.000 người mắc bệnh và hơn 4.600 người tử vong tại Trung Quốc kể từ khi dịch bệnh khởi phát tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 12 năm ngoái.

Bài học về sự minh bạch và công khai

Các bác sĩ ở tuyến đầu tại Vũ Hán đã bắt đầu cảnh báo về một căn bệnh viêm phổi bí ẩn hồi tháng 12/2019, nhưng các cuộc điều tra chính thức chỉ bắt đầu vào cuối tháng đó, và một số nhân viên y tế thậm chí bị kỷ luật vì đã cảnh báo các đồng nghiệp.

Giới chức Trung Quốc chỉ công bố căn bệnh bí ẩn là bệnh truyền nhiễm vào ngày 20/1, làm dấy lên những câu hỏi về việc liệu hệ thống cảnh báo sớm và báo cáo trực tiếp đã hoạt động hiệu quả hay chưa.

Trong khi đó, giới chức tại Vũ Hán và Hồ Bắc đã tiến hành một loạt các cuộc họp chính trị trong thời gian từ 6-17/1, giai đoạn khi không có ca Covid-19 mới nào được thông báo - và các sự kiện khác, trong đó một bữa tiệc lớn trước dịp năm mới âm lịch, vẫn được tổ chức như thường.

“Minh bạch và công khai là một trong những bài học mà chúng ta học được từ cách xử lý đại dịch SARS và chúng ta không được quên đau thương dù vết thương đã lành”, bà Yang Gonghuan, cựu phó giám đốc Trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh Trung Quốc, nói.

“Chúng ta phải đầu tư cho một hệ thống cảnh báo sớm và báo cáo trực tiếp. Nếu nó không hoạt động hiệu quả ở giai đoạn đầu của sự bùng phát dịch bệnh, phải có một cuộc điều tra để tìm ra ai phải chịu trách nhiệm, qua đó chúng ta có thể tiếp tục cải tiến hệ thống”, bà Yang nói.

Liu Guoen, giám đốc Trung tâm nghiên cứu kinh tế y tế thuộc Đại học Bắc Kinh, cho rằng cần xem xét cách thức quản lý hệ thống cảnh báo trên thay vì chỉ cải tiến công nghệ.

“Hệ thống báo cáo trực tiếp hiện nay đã tiên tiến về mặt công nghệ, nhưng cơ chế chịu trách nhiệm và kỷ luật vẫn chưa rõ ràng, vốn ảnh hưởng tới cách thức hệ thống hoạt động”, ông Liu nói. “Sự quản lý tập trung đã phải trả giá và đó là lúc chúng ta không thể chống đỡ nổi khi một đại dịch truyền nhiễm xảy ra”, ông Liu nói thêm.

Theo ông Liu, cần thành lập một cơ thế để mỗi cấp chính quyền phải ý thức rõ về cách nhiệm của họ và có thể thông báo về các vụ bùng phát mà không có sự can thiệp hành chính hay lo sợ bị trừng phạt.

Bà Yang cho rằng, sự thay đổi như vậy đòi hỏi có sự coi trọng lớn hơn đối với sự minh bạch và cởi mở trong “môi trường rộng hơn”.

“Cách thức lý tưởng là tuân thủ tất cả các khía cạnh của luật pháp về phòng chống các bệnh truyền nhiễm, để việc không minh bạch và công khai phải bị trừng phạt theo pháp luật”, bà Yang nói.

An Bình

Theo SCMP