1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc thử máy bay chiến đấu trên tàu sân bay

(Dân trí) - Báo chí Trung Quốc vừa đưa tin quân đội Trung Quốc hôm qua tiến hành thử máy bay chiến đấu trên chiếc tàu sân bay đầu tiên của nước này, vừa được cho chạy thử trên biển từ hôm 10/8.

 
Trung Quốc thử máy bay chiến đấu trên tàu sân bay - 1
Trước đó, đài phát thanh Trung Quốc đưa tin Trung Quốc đã huấn luyện phi công máy bay chiến đấu trên tàu sân bay này

Theo tờ báo chính thức của Trung Quốc Global Times, trong cuộc thử nghiệm này, các máy bay chiến đấu phản lực tập tiếp cận, hạ cánh và cất cánh ngay lập tức trên chiếc tàu sân bay.

“Trước đó, Cơ quan an toàn hàng hải tỉnh Liêu Ninh đã ra thông báo giới hạn việc lưu thông trên biển và liên lạc bằng sóng trong khu vực ngoài khơi tỉnh này”, tờ báo viết.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã từ chối xác nhận việc tổ chức các cuộc thao dượt nói trên. Các giới chức Trung Quốc luôn khẳng định tàu sân bay “chỉ là phương tiện để nghiên cứu và tập luyện”, hơn nữa, phải mất nhiều năm, tàu này mới đi vào hoạt động hoàn toàn.

Tuy nhiên, Mỹ và Nhật Bản là những nước đầu tiên lên tiếng bày tỏ mối quan ngại về chiếc tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc, yêu cầu Bắc Kinh giải thích vì sao nước này lại cần một con tàu như thế. Tokyo lưu ý rằng các tàu sân bay thường được sử dụng vào mục đích tấn công.

Theo các chuyên gia độc lập, qua việc cho chạy thử chiếc tàu sân bay (Varyag) mua lại của Ukraine từ năm 1998, Bắc Kinh muốn gây một tác động tâm lý lên các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản.

“Do không phải là cây kim sợi chỉ để có thể được che đậy một cách dễ dàng, chiếc tàu sân bay khổng lồ trên thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế”, tờ Le Monte của Pháp viết.

“Những lời trấn an dài dòng của Trung Quốc có lẽ chưa đủ để làm thế giới hết lo ngại, bởi việc hạ thủy Varyag diễn ra trong giai đoạn Trung Quốc tuyên bố xây dựng một lực lượng hải quân xứng tầm”.

Theo Le Monde, chính sách quốc phòng của Trung Quốc còn quá mập mờ, nhất là liên quan đến “quyền lợi cốt lõi” mà Trung Quốc yêu sách trên vùng biển lân cận và nhiều vùng lãnh hải đang trong vòng tranh chấp.

Trà Giang
Theo AFP, CRI