1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc tạo mạng lưới nhà báo nước ngoài để "tiếp thị" hình ảnh

(Dân trí) - Bắc Kinh được cho là đang phát động chiến dịch truyền thông toàn cầu để nâng cao hình ảnh bằng cách tổ chức các chuyến đi cho các nhà báo quốc tế tới Trung Quốc.

Trung Quốc tạo mạng lưới nhà báo nước ngoài để tiếp thị hình ảnh - 1

Binh sĩ Trung Quốc cầm biển hướng dẫn các nhà báo trong chuyến đi kỷ niệm 70 năm quốc khánh Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Các nhà trẻ, chợ đồ thủ công, công ty công nghệ cao, đập thủy điện… là những nơi các nhà báo quốc tế được đưa tới khi họ tham gia các chuyến đi tới Trung Quốc. Tất cả các chuyến đi này đều do Trung Quốc đài thọ.

Theo khẩu hiệu của Chủ tịch Tập Cận Bình, động lực phía sau lời mời các nhà báo nước ngoài tham gia chuyến đi tới Trung Quốc, là để họ “kể câu chuyện tốt đẹp về Trung Quốc” với thế giới bên ngoài.

Trước đây, những câu chuyện tốt đẹp về Trung Quốc thường được truyền tải thông qua bộ máy tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc trên các kênh truyền thông nhà nước.

Tuy nhiên, cuộc khảo sát của Liên đoàn Báo chí Quốc tế cho thấy, Bắc Kinh ngày càng đẩy mạnh việc “mượn” tiếng nói của các nhà báo quốc tế để kể những câu chuyện tích cực về Trung Quốc. Các nhà báo sẽ truyền tải những thông điệp này bằng chính ngôn ngữ của họ, trên những trang báo của đất nước họ.

Tại một cuộc thảo luận bàn tròn ở Myanmar, toàn bộ các nhà báo có mặt đều đã tham gia các chuyến đi được đài thọ chi phí tới Trung Quốc. Thậm chí có người từng đi tới 9 lần. Điều này cho thấy chiến dịch truyền bá thông tin toàn cầu của Trung Quốc được xây dựng bài bản và công phu như thế nào.

Một nửa số nhà báo trong số các nhà báo từ 58 quốc gia tham gia khảo sát nói rằng họ đã tham gia các chuyến đi tới Trung Quốc. Hơn 120 nhà báo Mỹ và ít nhất 28 nhà báo Australia đã tham gia các chuyến đi như vậy.

“Chiến lược của Trung Quốc được gọi là “mượn một con thuyền để vươn ra đại dương””, báo cáo của Liên đoàn Báo chí Quốc tế cho biết.

Theo Guardian, phần lớn các bài báo được đăng tải đều mang thông tin tích cực. Một số nhà báo cho biết họ ngạc nhiên trước sự hiện đại và phát triển về công nghệ của Trung Quốc, trong khi một số khác nói rằng họ đã ký các thỏa thuận, trong đó cam kết sẽ không viết những điều tiêu cực về Trung Quốc.

Cuộc khảo sát cho thấy Trung Quốc chủ yếu nhắm tới nhà báo từ các nước đang phát triển, đặc biệt là những nước đã tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường - một dự án cơ sở hạ tầng quy mô toàn cầu của Bắc Kinh. Trung Quốc đã đưa các nhà báo Hồi giáo tới các trại cải tạo ở Tân Cương, nơi đang giữ 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ.

Trung Quốc gọi các trại cải tạo này là các cơ sở đào tạo nhằm giáo dục những người dễ bị lôi kéo thành các phần tử khủng bố cực đoan, đồng thời bác bỏ chỉ trích rằng Bắc Kinh đang “giam giữ” người Duy Ngô Nhĩ. Việc đưa các nhà báo nước ngoài tới Tân Cương là một phần trong nỗ lực của Trung Quốc nhằm đẩy lùi cáo buộc của các nước phương Tây rằng Bắc Kinh đang vi phạm nhân quyền với người Hồi giáo.

Trong nhiều trường hợp, các nhà báo sẽ đưa tin theo đúng tuyên bố chính thức của Trung Quốc. “Họ đều viết về vẻ đẹp của Tân Cương hay những câu chuyện nhất định với nội dung ca ngợi Trung Quốc vì trấn áp các phần tử khủng bố”, một nhà báo Philippines cho biết.

Hình ảnh của các nhà báo nước ngoài có thể được sử dụng cho mục đích tuyên truyền nội bộ. 12 nhà báo từng tới thăm các trại cải tạo ở Tân Cương vào tháng 1/2019 đều xuất hiện trên các bảng tin của truyền hình quốc gia Trung Quốc, chiếu cảnh họ tươi cười khi phỏng vấn những người trong trại.

Chiến lược tái định hình môi trường tin tức toàn cầu

Báo cáo của Liên đoàn Báo chí Quốc tế kết luận thông qua các chuyến đi nghiên cứu, kiểm soát hạ tầng truyền thông và truyền tải nội dung ủng hộ Bắc Kinh, Trung Quốc đang “vận hành chiến dịch toàn diện, dài hạn để tái định hình môi trường tin tức toàn cầu bằng các câu chuyện toàn cầu có lợi cho Trung Quốc”.

Trên quy mô toàn cầu, Trung Quốc đều hỗ trợ cho các tổ chức và liên đoàn báo chí tại các nước, với sự tham gia của các đại sứ quán Trung Quốc. Đó có thể là một bộ máy tính và máy ghi âm cho liên đoàn báo chí tại Cộng hòa Guinea-Bissau - một nước nhỏ ở Tây Phi, hoặc một phòng thu hiện đại được xây dựng bằng nguồn vốn của Trung Quốc cho Tập đoàn Phát thanh Kenya.

Sự tham gia của Trung Quốc vào các hoạt động truyền thông ở nước ngoài đang gia tăng nhanh chóng. Hiện có nhiều chương trình đồng sản xuất, đồng hợp tác, kênh truyền hình và phát thanh do Trung Quốc bảo trợ, thậm chí một số hãng tin được Trung Quốc rót kinh phí như báo Pauk Phaw tại Myanmar. Các công ty Trung Quốc cũng đang sử dụng các ứng dụng và trình duyệt để thu hút các độc giả qua mạng.

Tại Philippines, nhiều nhà báo nước này được đào tạo tại Trung Quốc sau khi Văn phòng Hoạt động Truyền thông Tổng thống Philippines ký bản ghi nhớ chung với Cơ quan Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc.

Một nhà báo Philippines giấu tên đã nhấn mạnh tác động của Trung Quốc đối với việc đưa tin của họ: “Cách các nhà báo (Philippines) viết về những câu chuyện  phản chiếu cách Tân Hoa Xã, hoặc truyền thông nhà nước Trung Quốc, viết những câu chuyện của họ. Đó nhìn chung là những bài viết tuyên truyền”.

Việc kiểm soát và tác động lên truyền thông đã trở thành vấn đề trong tranh cãi ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc.

Reuters đưa tin, trong tuần này Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo liệt 4 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc vào danh sách các “phái bộ nước ngoài”, tương đương với các cơ sở ngoại giao của Bắc Kinh ở nước ngoài. Hồi tháng 2, Mỹ cũng thông báo siết chặt 5 cơ quan truyền thông nhà nước Trung Quốc và đối xử với các cơ quan này tương tự đại sứ quán.

Mỹ cáo buộc các cơ quan truyền thông đóng vai trò như công cụ tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc, do vậy phải đăng ký hoạt động giống như các cơ sở ngoại giao. Theo quy định, các cơ quan truyền thông Trung Quốc lọt vào danh sách kiểm soát của Mỹ sẽ phải thông báo toàn bộ thông tin chi tiết về nhân sự cũng như giao dịch bất động sản tại Mỹ.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngay lập tức có động thái đáp trả, chỉ trích động thái của Mỹ là “bằng chứng cho thấy sự chèn ép chính trị của Mỹ đối với truyền thông Trung Quốc”. Bắc Kinh từng cảnh báo cấp mới thị thực cho các nhà báo Mỹ đang làm việc tại Trung Quốc.

Hồi tháng 3, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã cắt giảm số nhân viên tại các cơ quan truyền thông Trung Quốc ở Mỹ từ 160 người xuống còn 100 người. Đáp lại, Bắc Kinh cũng thu hồi thẻ nhà báo của các phóng viên thường trú làm việc cho New York Times, Wall Street Journal và Washington Post.

Thành Đạt

Tổng hợp