1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc tăng cường tận dụng công nghệ quân sự của Ukraine

(Dân trí) - Trung Quốc hiện là khách hàng lớn nhất của ngành công nghiệp quân sự Ukraine và có thể sớm trở thành đối tác công nghệ quân sự số 1 của quốc gia Liên Xô cũ, theo trang tin Duowei của người Trung Quốc ở hải ngoại.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc là một tàu cũ mua lại của Ukaine.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc là một tàu cũ mua lại của Ukaine.
 
Năm 2013 đã đánh dấu 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ukraine và mối quan hệ này góp phần đáng kể trong việc phát triển quân sự của Trung Quốc trong giai đoạn này.

Ukraine cho tới nay đã xuất khẩu khoảng 30 loại công nghệ quân sự sang Trung Quốc, trong đó có các công nghệ liên quan tới tàu sân bay và các loại tàu lớn, máy bay huấn luyện siêu âm, các động cơ xe tăng và tên lửa không đối không.

Trung Quốc đã bắt đầu hợp tác với Ukraine sau khi liên bang Xô Viết sụp đổ năm 1991. Nhiều nhà nghiên cứu cấp quốc gia của Ukraine đã được các nước như Mỹ, Đức, Israel, Singapore chào mời tới làm việc. Ví dụ, Hàn Quốc được cho là từng sẵn sàng trả lương cho các chuyên gia nước ngoài từ 1.500-4.000 USD, ngoài thị thực và đi lại miễn phí, để thu hút các nhân tài.

Trung Quốc cũng tham gia việc thu hút các chuyên gia, sử dụng các cách thức tương tự như của Hàn Quốc và thậm chí còn thành công hơn trong việc thu hút các chuyên gia hàng đầu do có mối quan hệ vững mạnh với Liên Xô.

Do Trung Quốc tụt hậu về công nghệ vào thời điểm đó nên các trao đổi ban đầu ở mức thấp và quy mô nhỏ. Chuyên gia hải quân Trung Quốc Li Jie cho hay các trao đổi song phương đã trở nên khó khăn sau năm 1993, khi các chuyên gia của Liên Xô cũ kín tiếng hơn và đưa ra mức giá cao hơn nếu muốn chia sẻ công nghệ.

Cựu Thủ tướng Trung Quốc Lý Bằng sau đó đã phát động một chương trình nhằm thu hút nhiều chuyên gia của Liên Xô cũ, trong đó có việc trao các giải thưởng “hữu nghị” đặc biệt cho các chuyên gia nước ngoài về sự đóng góp về khoa học đối với Trung Quốc.

Hồi năm 2002, một báo cáo từ Trung tâm nghiên cứu phát triển thuộc Hội đồng nhà nước Trung Quốc cho biết kể từ năm 1992 Trung Quốc đã sử dụng hơn 10.000 chuyên gia và hơn 2.000 dự án kỹ thuật từ Nga và các quốc gia Liên Xô cũ. Một báo cáo năm 2006 khẳng định kể từ năm 2006, hơn 2.000 nhà khoa học và các chuyên gia từ Ukraine đã được mời tới Trung Quốc.

Ngoài tàu sân bay Varyag, vốn được Trung Quốc mua lại để cải tạo thành tàu sân bay đầu tiên của nước này, Bắc Kinh cũng hợp tác với Ukraine về các động cơ DN/DA-80 cho tàu khu trục Aegis của Trung Quốc, động cơ 6TD-2E cho xe tăng Al-Khalid được Trung Quốc phát triển cho Pakistan, và các động cơ AI-222 trong các máy bay huấn luyện tiên tiến L-15, cũng như công nghệ tên lửa dẫn đường.

Vào tháng 6/2006, Trung Quốc đã cử một phái đoàn quân sự lớn tới Ukraine để thảo luận về khả năng hỗ trợ huấn luyện các thủy thủ tàu sân bay Trung Quốc, báo chí Ukraine từng đưa tin. Các kỹ sư, phi công, các chuyên gia kỹ thuật hàng hải Trung Quốc kể từ đó đã có các chuyến thăm thường xuyên tới Trung tâm huấn luyện bay và thử nghiệm nghiên cứu tại Nitka trên bán đảo Crimea.

An Bình
Theo Want China Times