1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc tái kích hoạt cỗ máy xuất khẩu giữa dịch bệnh và thương chiến

Đức Hoàng

(Dân trí) - Xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng mạnh trở lại giữa bối cảnh đại dịch trước đó đã làm đình trệ nền kinh tế cũng như Bắc Kinh phải hứng các biện pháp thuế quan của Mỹ trong cuộc chiến tranh thương mại.

Trung Quốc tái kích hoạt cỗ máy xuất khẩu giữa dịch bệnh và thương chiến - 1

Bên trong một nhà máy ở Quảng Đông, Trung Quốc (Ảnh: New York Times)

Năm 2020 được dự đoán là năm mà cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị đình trệ. Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành hàng loạt biện pháp thuế quan lên hàng hóa Trung Quốc. Các quốc gia như Nhật Bản và Pháp thúc đẩy các công ty chuyển dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Đại dịch đã gây ảnh hưởng tới các nhà máy Trung Quốc vào cuối tháng 1. Mặc dù vậy, các công ty Trung Quốc vẫn đang trỗi dậy trở lại.

Sau khi tái mở cửa vào cuối tháng 2 và đầu tháng 3, các nhà máy Trung Quốc bắt đầu đẩy mạnh xuất khẩu. Vào tháng 7, xuất khẩu tăng vọt ở mức cao thứ 2 trong lịch sử, gần chạm mốc kỷ lục hồi cuối tháng 12 năm ngoái. Trung Quốc đã giành được thị phần lớn hơn trên các thị trường toàn cầu trong mùa hè năm nay so với nhiều nước khác, đồng thời đạt được ưu thế về thương mại và có thể duy trì cho tới khi thế giới bắt đầu khôi phục sau đại dịch.

Theo New York Times, Trung Quốc đang cho thấy cỗ máy xuất khẩu của họ là không thể bị chặn lại bởi dịch Covid-19 hay chính quyền ông Trump. Khả năng hồi phục nhanh không chỉ nằm ở yếu tố giá nhân công rẻ, lao động có trình độ và hệ thống cơ sở hạ tầng hiệu quả mà còn nằm ở chỗ hệ thống ngân hàng nước này đã cung cấp nhiều khoản vay cho các doanh nghiệp để ứng phó đại dịch.

Đại dịch cũng giúp Trung Quốc nâng cao vị thế so với các quốc gia xuất khẩu khác khi họ sản xuất ra thứ mà các bệnh viện và hộ gia đình trên thế giới đang cần lúc này như thiết bị bảo hộ cá nhân, sản phẩm tiêu dùng và đồ điện tử.

Vào cùng thời điểm, nhu cầu cho những hàng hóa giá trị lớn mà Mỹ và châu Âu thường xuất khẩu như máy bay đã giảm đi. Thêm vào đó, nhu cầu với mặt hàng mà nhiều nước đang phát triển xuất khẩu, đặc biệt là dầu mỏ cũng đi xuống.

Nhiều gia đình trên thế giới hiện vẫn đang mắc kẹt tại nhà vì lệnh phong tỏa ngăn dịch. Họ mua mọi thứ từ màn hình máy tính, hệ thống âm thanh, dụng cụ cầm tay - rất nhiều thứ được sản xuất ở Trung Quốc.

Cỗ máy xuất khẩu của Trung Quốc được cho đã làm khó nỗ lực cắt giảm thâm hụt thương mại của chính quyền Trump. Ông Trump chỉ ra rằng tình trạng thâm hụt là bằng chứng cho thấy hành vi thương mại của Trung Quốc làm tổn thương tới Mỹ và đã cam đoan sẽ mạnh tay hơn với Bắc Kinh.

Cuối tháng 1, Trung Quốc cam kết sẽ tăng nhập khẩu từ Mỹ như một phần nỗ lực để xử lý cuộc thương chiến. Tuy nhiên, lượng hàng Trung Quốc nhập từ Mỹ lại giảm trên thực tế.

Cam kết trên không làm thay đổi mức thuế quan mà Mỹ áp lên hầu hết sản phẩm Trung Quốc, vào khoảng 25%. Tuy nhiên, mức thuế này được xem là không làm ảnh hưởng tới việc nhiều người Mỹ vẫn mua hàng Trung Quốc vì thuế chỉ được thu trên giá trị bán buôn của sản phẩm khi được đưa tới Mỹ.

Một số nhà sản xuất Trung Quốc nói rằng dù bị áp thuế 25% nhưng họ vẫn có khả năng sản xuất được hàng hóa với chi phí thấp hơn ở Mỹ.

Lợi thế về chi phí đã đã giúp Trung Quốc đạt được thị phần xuất khẩu gần 20% từ tháng 4 - tháng 6 năm nay, tăng từ 12,8% năm 2018 và 13,1% năm 2019, theo nhà kinh tế Rajiv Biswas từ công ty tư vấn IHS Markit (Anh).

Trung Quốc tái kích hoạt cỗ máy xuất khẩu giữa dịch bệnh và thương chiến - 2

Trung Quốc có nhiều yếu tố thuận lợi để  hồi phục việc xuất khẩu giữa đại dịch (Ảnh: New York Times)

Ngoài ra, các chuyên gia nói với New York Times rằng xuất khẩu của Trung Quốc được cho đã hưởng lợi từ việc đồng nhân dân tệ dường như được duy trì ở mức yếu. Thêm vào đó, giới quan sát cho rằng lợi thế của Trung Quốc không chỉ dừng lại ở yếu tố trên. Họ có một lượng lao động dồi dào, văn hóa làm việc nhiều giờ mỗi ngày. Các nhà sản xuất không bị hạn chế bởi các luật lệ liên quan tới bảo vệ môi trường như nhiều nước khác.

Robert Gwynne, một chuyên gia xuất khẩu ở Quảng Đông, nói rằng để phục hồi khả năng cạnh tranh với Trung Quốc sẽ là một nhiệm vụ không nhanh và dễ dàng với Mỹ và các nước khác.

Mặt khác, giới quan sát cho rằng vị thế của Trung Quốc trong hệ thống sản xuất toàn cầu có thể bị ảnh hưởng bởi những sự thay đổi địa chính trị, ví dụ như việc các quốc gia yêu cầu công ty chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc. Mỹ và Nhật Bản đang bắt đầu làm như vậy. Nhiều nước châu Âu như Pháp cũng có động thái tương tự. Các công ty lớn có khả năng thiết lập chuỗi cung ứng mới ở nơi khác như Apple của Mỹ cũng đang xem xét các phương án thay thế.

Tuy nhiên, đại dịch đã ảnh hưởng tới các chuyến bay và làm chậm hệ thống vận tải. Điều này ít nhất đã tạm thời giúp Trung Quốc trước những nỗ lực chuyển nhà máy sản xuất của các công ty. Nhiều công ty đa quốc gia đã cắt giảm đầu tư khi nhu cầu toàn cầu chậm lại, dẫn tới việc họ chưa chi tiền để thiết lập hoạt động sản xuất mới ở nơi khác.

“Giữa lúc thế giới suy thoái, các công ty sẽ không đưa hệ thống sản xuất tới nơi khác trừ khi họ phải đối mặt với rào cản thương mại. Họ thà đóng cửa cơ sở cũ còn hơn là mở cơ sở mới”, Chủ tịch phòng Thương mại châu Âu ở Trung Quốc Joerg Wuttke nhận định.