1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc sắm tên lửa S-400 để “dọa” Đài Loan và Nhật?

(Dân trí) - Với tầm bắn 400 km, có thể phá hủy từ tên lửa đạn đạo tới chiến đấu cơ tàng hình hay máy bay không người lái, Trung Quốc có thể bao phủ toàn bộ không phận đảo Đài Loan và một phần khu vực đảo Senkaku/Điếu Ngư với tên lửa S-400 mua từ Nga.

Hệ thống tên lửa S-400 (Ảnh:

Hệ thống tên lửa S-400 (Ảnh: Tass)
 
Sau thời gian dài đồn đoán, thứ Hai (13/4) vừa qua, giám đốc điều hành tập đoàn xuất khẩu vũ khí quốc doanh Rosoboronexport của Nga đã chính thức xác nhận việc Trung Quốc ký hợp đồng và trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên sở hữu tên lửa phòng không S-400 mới nhất do Nga chế tạo.

“Tôi sẽ không tiết lộ các chi tiết của hợp đồng, nhưng đúng vậy, Trung Quốc đã trở thành người đầu tiên mua hệ thống phòng không hiện đại này của Nga. Điều này một lần nữa khẳng định tầm chiến lược của mối quan hệ giữa hai nước”, ông Anatoly Isaikin phát biểu với tờ Kommersant của Nga.

S-400 bao phủ không phận Đài Loan và biển Hoa Đông

Tin đồn về việc Mátxcơva chấp thuận bán S-400 cho Bắc Kinh đã xuất hiện từ lâu, và đến tháng 9 năm ngoái, hai bên được tin là đã “chốt hạ” thương vụ trị giá 3 tỷ USD, mà theo đó Nga sẽ cung cấp ít nhất 6 tiểu đoàn S-400.

Vì sao Trung Quốc quyết tâm trở thành khách hàng đầu tiên có được S-400, bất chấp thời gian đàm phán được tin là kéo dài từ 2010, và chi phí đầu tư là không nhỏ?

S-400 là biến thể dựa trên phiên bản tên lửa phòng không S-300 cũng do Nga sản xuất, nhưng có uy lực vượt trội. Tầm bao phủ của hệ thống tên lửa mới này lên tới 400km, gấp đôi người tiền nhiệm. Hơn thế nữa, S-400 có thể hạ mục tiêu ở độ cao tới 30km, đủ khả năng để hạ các chiến đấu cơ tàng hình tối tân F-35 mà Mỹ đang đưa vào biên chế và chuẩn bị xuất khẩu.

Mỗi tiểu đoàn S-400 được trang bị 8 ống phóng, một trung tâm điểu khiển, radar và 16 tên lửa dự phòng. Hệ thống có thể phát hiện đồng thời 36 mục tiêu ở cự ly 600km và loại tên lửa tầm bắn xa nhất 40N6 có thể phá hủy mục tiêu cách xa 400km.

Với uy lực như trên, S-400 được tin là vượt trội so với mọi hệ thống phòng không Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) hiện có. Nếu được triển khai tại khu vực tỉnh Phúc Kiến, toàn bộ đảo Đài Loan và khu vực không phận bên trên đảo Senkaku/Điếu Ngư của Nhật tại biển Hoa Đông đều nằm trong tầm bắn của S-400.

Trong một bài phỏng vấn với trang Defense News cuối năm ngoái, nguyên thành viên Hội đồng an ninh Đài Loan York Chen từng nhận định: “Khi S-400 phối hợp với các chiến đấu cơ hoạt động trên đất liền và trên biển của Trung Quốc, họ sẽ ngày càng tự tin hơn trong việc giành thế thượng phong trên không phận Đài Loan, do đó sẽ vô hiệu hóa bất kỳ phương án kháng cự nào của không quân Đài Loan, đồng thời răn đe khả năng can thiệp của Mỹ”.

Nếu xung đột giữa hai bờ eo biển Đài Loan nổ ra, S-400 có thể bắn hạ các chiến đấu cơ của Đài Loan, sau khi các căn cứ không quân và đường băng đã bị các tên lửa đất đối đất của PLA cày nát. Hiện Trung Quốc được tin là đang chĩa 1.300 tên lửa tầm ngắn sang bên kia eo biển Đài Loan.

Trong trường hợp Mỹ hay Nhật có ý định điều động chiến đấu cơ tới Đài Loan ứng cứu, S-400 cũng đủ vươn xa và đánh chặn.

“Với tầm bắn cực kỳ xa và năng lực tác chiến điện tử hiệu quả, S-400 là một hệ thống có tính xoay chuyển cục diện, thách thức năng lực quân sự hiện tại ở tầm tác chiến”, Paul Giarra, chủ tịch của hãng tư vấn quốc phòng Global Strategies & Transformation nhận định.

“S-400 có khả năng “biến một hệ thống phòng thủ thành một hệ thống tấn công, và mở rộng chiếc ô A2/AD (chống tiếp cận/chống xâm nhập) của Trung Quốc sang lãnh thổ của các đồng minh với Mỹ, cũng như các khu vực ngoài khơi xa”.

Nếu S-400 được triển khai tới tỉnh Sơn Đông, PLA có thể nhắm tới mọi máy bay trên khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật. “Đó sẽ là một năng lực bất đối xứng nữa, cùng với các tên lửa đạn đạo chống hạm, sẽ giúp tăng cường tiềm lực của Trung Quốc trong các cuộc xung đột tại Đông Á”, Vasiliy Kashin, một chuyên gia về quân sự Trung Quốc tại Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ ở Mátxcơva nhận định.

Trung Quốc từ lâu vẫn tuyên bố chủ quyền với khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật đang kiểm soát. Một yếu tố khác khiến PLA có thể đưa S-400 ra sát bờ biển phía Đông đó là việc nước này đã tuyên bố Vùng nhận dạng phòng không tại Hoa Đông hồi tháng 11/2013. Với S-400, PLA có thêm công cụ để áp đặt vùng nhận dạng này.

Chiến đấu cơ F-35 tối tân của Mỹ sẽ thành “đồ cổ” trước S-400?

Không giống hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ, vốn được tung hô ồn ào nhưng thực chất lại không hiệu quả trên chiến trường, S-400 được thiết kế để tao thành một “Mái vòm thép” thực sự. Với vận tốc tên lửa lên tới 17.000 km/h, nhanh hơn mọi loại chiến đấu cơ hiện có trên thế giới, S-400 là tin dữ đối với mẫu chiến đấu cơ tàng hình F-35 mà Mỹ chuẩn bị xuất khẩu.

Khi cho ra đời F-35, hãng Lockheed-Martin khẳng định mẫu chiến đấu cơ này sở hữu hệ thống điện tử hiện đại có thể gây nhiễu bất kỳ loại radar điều khiển hỏa lực nào.

Tuy nhiên, S-400 “có nhiều đặc điểm được thiết kế riêng để vượt qua các biện pháp áp chế của đối phương và công nghệ tàng hình, ví dụ như hệ thống radar lớn hơn, mạnh hơn có thể kháng cự hoạt động gây nhiễu. Hệ thống cũng có 3 biến thể tên lửa với tầm bắn khác nhau để tạo ra những tầng phòng thủ đan xen”, Ivan Oelrich, một nhà phân tích quân sự độc lập khẳng định với tờ The Diplomat.

Bên cạnh đó, khác với các chiến đấu cơ thông thường có lớp vỏ hợp kim nhôm, F-35 được làm từ vật liệu tổng hợp để hấp thụ sóng radar. Tuy vậy, để có mỗi giờ bay tàng hình, F-35 cần từ 9-12 giờ nhân công bảo dưỡng lớp vỏ.

Trong điều kiện bay chiến đấu, tránh né radar mạnh của S-400, mức độ xuống cấp của lớp vỏ này còn nhanh hơn và số giờ bảo dưỡng càng tăng thêm. Đó là lí do vì sao, tại căn cứ không quân Eglin ở Florida, mỗi chiếc F-35 cần tới 17 thợ máy bảo trì.

Những người ủng hộ chương trình chiến đấu cơ F-35 khẳng định máy bay này có thể tạo ra các tần số, gây “bối rối” và vô hiệu hóa S-400. Tuy nhiên, việc hải quân Mỹ đang sắm thêm 22 máy bay Growler chuyên gây nhiễu điện tử cho thấy khả năng gây nhiễu của F-35 chưa đáng tin cậy, khiến các chiến đấu cơ được quảng cáo rầm rộ này, nếu được triển khai tới Đông Á, dễ trở thành mồi ngon cho S-400.

Thanh Tùng
Theo Defense, Diplomat,Wantchinatimes