1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc phát hiện nhiều kiểu lừa đảo ăn theo cúm H7N9

(Dân trí) – Tranh thủ tâm lý lo sợ của công chúng trước vi-rút cúm gia cầm H7N9, nhiều kẻ lừa đảo tại Trung Quốc đang tung ra những chiêu mới để trục lợi bất chính.

Một bệnh nhân H7N9 tại tỉnh Chiết Giang
Một bệnh nhân H7N9 tại tỉnh Chiết Giang

Thông tin vừa được cơ quan công an tỉnh Giang Tô của nước này công bố. Tờ Want China Times dẫn nguồn tin của báo giới Trung Quốc cho biết, sở công an tỉnh Giang Tô ở phía Đông Trung Quốc vừa công bố danh sách 7 loại hình lừa đảo ăn theo vi-rút cúm H7N9 đã bị phát hiện tại tỉnh này. 

Một trong số đó là tình trạng những kẻ lừa đảo mạo danh nhân viên của các cơ quan nhà nước để thông báo tới một số gia đình rằng con của họ đã bị phát hiện nhiễm cúm gia cầm H7N9 và bị cách ly trong bệnh viện. Sau đó những kẻ này yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào một tài khoản để chi trả chi phí điều trị.

Thậm chí ngay cả các trường học cũng nhận được điện thoại từ những kẻ lừa đảo, giả danh là quan chức ngành giáo dục yêu cầu trường mua các tài liệu hướng dẫn phòng ngừa cúm H7N9. 

Những kẻ khác thì đưa ra những thông báo giả mạo tại các bến tàu, xe yêu cầu các hành khách phải “kiểm tra sức khỏe” trước khi lên tàu, xe. Trong quá trình “kiểm tra”, nạn nhân sẽ bị đánh lạc hướng và trộm cắp đồ đạc, hành lý.

Một số người khác thì bị lừa quyên góp tiền cho một tổ chức “Chữ thập đỏ” hoặc bị dụ mua các sản phẩm được quảng cáo là giúp khử trùng môi trường và diệt vi-rút H7N9. Tuy nhiên thực tế các loại thuốc này đều là hàng giả. 

Trong khi đó theo hãng tin Tân Hoa Xã, tính đến ngày 10/4, Trung Quốc đã ghi nhận 33 ca nhiễm cúm H7N9, tăng 5 ca so với ngày 9/4. Tổng số bệnh nhân tử vong là 9 người. Tình hình dịch bệnh dường như đang lan rộng khi trong ngày hôm qua, thêm 14 mẫu gia cầm tại các tỉnh miền Đông nước này bị phát hiện dương tính với vi-rút H7N9.

Trong đó, theo thông báo của Bộ nông nghiệp Trung Quốc, có 11 mẫu gà của tỉnh Giang Tô, 2 mẫu vịt của tỉnh Chiết Giang và 1 mẫu vịt của tỉnh An Huy bị phát hiện dương tính. 

Kế hoạch nghiên cứu và sản xuất vắc xin ngừa cúm H7N9 đã được Bộ Khoa học và công nghệ cùng Ủy ban quốc gia về y tế và kế hoạch hóa gia đình Trung Quốc triển khai nhưng cũng phải mất 7 tháng nữa mới có vắc xin thành phẩm.

Thanh Tùng
Tổng hợp