1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc ngang nhiên đưa vũ khí tới đảo nhân tạo: Không bất ngờ

(Dân trí) - Một cựu tướng lĩnh quân đội Trung Quốc bình luận rằng không có gì bất ngờ khi Bắc Kinh triển khai pháo di động trên các địa điểm mà Bắc Kinh cải tạo ở Biển Đông.

Các tàu thuyền của Trung Quốc tại một khu vực bồi đắp trái phép ở Biển Đông. (Ảnh:
Các tàu thuyền của Trung Quốc tại một khu vực bồi đắp trái phép ở Biển Đông. (Ảnh: US Navy)

Lầu Năm Góc mới đây xác nhận Trung Quốc đã triển khai 2 hệ thống pháo trên một trong những đảo nhân tạo ở Biển Đông, một động thái chưa có tiền lệ, cho thấy Bắc Kinh đang tham vọng mở rộng tầm với quân sự tại vùng biển tranh chấp.

Việc Lầu Năm Góc công bố thông tin trên đã làm gia tăng sức nóng cho cuộc chiến ngôn từ giữa Mỹ và Trung Quốc về Biển Đông. Nó cũng diễn ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter tuyên bố sẽ tiếp tục điều tàu và máy bay quân sự tới các khu vực tranh chấp tại quần đảo Trường Sa.

Các vũ khí hạng nặng, dù không gây ra mối đe dọa an ninh, đã làm gia tăng mối lo ngại của Washington rằng Trung Quốc đang theo đuổi chương trình xây đảo nhân tạo quy mô lớn phục vụ mục đích quân sự.

"Chúng tôi khẳng định rằng chúng tôi các đã xác định một trong những đảo nhân tạo của Trung Quốc", phát ngôn viên Lầu Năm Góc Steven Warren nói.

Thiếu tướng quân đội Trung Quốc đã nghỉ hưu Xu Guangyu cho rằng việc Bắc Kinh triển khai pháo di động hoặc các thiết bị quân sự khác trên các đảo nhân tạo là "bình thường và có thể dự đoán được".

"Pháo là các vũ khí phòng vệ, và Trung Quốc không bao giờ giấu giếm chuyện các đảo được xây dựng phục vụ mục đích dân sự và quân sự", ông Xu nói.

Ông Xu cũng dự đoán rằng Trung Quốc có thể bố trí các hệ thống định vị vệ tinh, hải đăng và các cơ sở do thám trên các đảo nhân tạo.

"Mỹ muốn đẩy cao các căng thẳng ở Biển Đông vì nước này muốn tăng cường sự hiện diện ở châu Á-Thái Bình Dương, như đã được chỉ ra trong chính sách xoay trục sang châu Á, củng cố vai trò của Washington với tư cách là bên gìn giữ hòa bình và cung cấp vũ khí", ông Xu nói, liên hệ tới cam kết của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Carter về khoản hỗ trợ 425 triệu USD nhằm trợ giúp xây dựng năng lực an ninh hàng hải trong khu vục.
 
Trung Quốc ngang nhiên đưa vũ khí tới đảo nhân tạo: Không bất ngờ

Đô đốc Tôn Kiến Quốc trò chuyện với Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Ash Carter tại Đối thoại Shangri-La ngày 30/5. (Ảnh: AFP)

Nhà quan sát quân sự Antony Wong Dong tại Macao nhận định Trung Quốc củng cố các đảo ở Biển Đông nhằm răn đe quân sự các nước khác cũng có tuyên bố chủ quyền, đặc biệt là đường băng dài 3 km trên đảo Chữ Thập.

"Đường băng đủ dài để đón các máy bay vận tải quân sự Y-20 tiên tiến của quân đội Trung Quốc. Chúng tôi có thể dự đoán rằng một hệ thống tên lửa cũng sẽ được triển khai", ông Antony nói.

Nhưng vẻ bề ngoài Trung Quốc lại cố gắng trấn an các láng giềng. Trưởng đoàn Trung Quốc tại Đối thoại Shangri-La, Đô đốc Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng tham mưu trưởng quân đội Trung Quốc - đã có 13 cuộc gặp song phương với những người đồng cấp. Ông Tôn đã gặp các đại diện từ Nhật Bản, NATO, Liên minh châu Âu, Việt Nam và các nước khác. Ông Tôn dự kiến cũng gặp những người đồng cấp từ Indonesia và Hàn Quốc vào hôm nay.

Phát ngôn viên Bộ quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân ngày 29/5 cho hay cả Bắc Kinh và Tokyo đều hi vọng ký kết một biên bản ghi nhớ nhằm thiết lập một cơ chế liên lạc cho hải quân và không quân hai nước.

An Bình
Theo SCMP