1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc lôi kéo Đài Loan chung tay “bảo vệ” yêu sách chủ quyền ở Biển Đông

Giới quan sát cho rằng, đây là dấu hiệu của sự thỏa thuận chính trị hiếm hoi trong quan hệ vốn rất nhạy cảm giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Trung Quốc lôi kéo Đài Loan chung tay “bảo vệ” yêu sách chủ quyền ở Biển Đông

Cả Trung Quốc và Đài Loan đều vin vào "đường chữ U" mơ hồ, phi lý và phi pháp để đòi hỏi chủ quyền vô lý với hầu như toàn bộ Biển Đông.

Trong bối cảnh “đường chữ U” (hay còn gọi là đường lưỡi bò, đường đứt khúc) - cơ sở để cả Trung Quốc và Đài Loan yêu sách chủ quyền với gần như toàn bộ Biển Đông đang đứng trước những thách thức pháp lý rất lớn từ phía Philippines và bị cộng đồng quốc tế chỉ trích là mơ hồ và bất hợp pháp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 8/7 đã kêu gọi người Trung Quốc ở hai bên eo biển Đài Loan chung tay “bảo vệ” cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ quốc gia” của họ ở Biển Đông.

Trung Quốc và Đài Loan chia sẻ yêu sách đối với hầu như toàn bộ Biển Đông dựa trên cái gọi là “đường chữ U”  - một di sản của cuộc nội chiến ở Trung Quốc, khi phe Quốc dân Đảng do Tưởng Giới Thạch đứng đầu bị lực lượng Đảng Cộng sản đánh bại và buộc phải tháo chạy khỏi Trung Quốc đại lục sang đảo Đài Loan gây dựng một chế độ mới, tự xưng là “Cộng hòa Trung Hoa” vào năm 1949.

Trong khi đó, Bắc Kinh vẫn coi Đài Loan là một tỉnh ly khai và chưa bao giờ từ bỏ ý định thống nhất, đưa hòn đảo này về dưới sự kiểm soát của mình. Trung Quốc đồng thời cũng đòi hỏi các nước khác trên thế giới phải tôn trọng nguyên tắc “Một Trung Quốc” trong mọi lĩnh vực quan hệ với Đài Loan.

Đối với việc Bộ Ngoại giao Đài Loan vừa tái khẳng định yêu sách chủ quyền của mình trên Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh hôm 8/7 đã có bình luận rằng, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chính phủ Quốc dân Đảng của Trung Quốc đã thực hiện “những nỗ lực tích cực” để bảo vệ cái gọi là “chủ quyền quốc gia” ở Biển Đông.

Bà Hoa còn nói thêm rằng, đó cũng là những gì mà chính phủ Cộng sản của Bắc Kinh đã và đang làm.

“Trong tình hình hiện nay, người Trung Quốc ở cả hai bên eo biển Đài Loan đều có trách nhiệm và nghĩa vụ duy trì “chủ quyền lãnh thổ quốc gia” và các quyền hàng hải”, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói.

Giới quan sát cho rằng, đây là dấu hiệu của sự thỏa thuận chính trị hiếm hoi trong quan hệ vốn rất nhạy cảm giữa Trung Quốc và Đài Loan.

Mặc dù Đài Loan và Trung Quốc đã ký kết một loạt hiệp định kinh tế mang tính bước ngoặt kể từ khi nhà lãnh đạo Mã Anh Cửu lên nắm quyền ở Đài Loan vào năm 2008.

Tuy nhiên, riêng về vấn đề Biển Đông, nhiều nhà phân tích cho rằng, Đài Loan có xu hướng không đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp Biển Đông, bất kể hai bên có mối quan hệ lịch sử và đều đang chật vật đi tìm những bằng chứng chứng minh tính hợp pháp của “đường chữ U”.

Lý do là bởi Đài Loan cần phải duy trì quan hệ tốt với Mỹ - đồng minh kiêm “bảo kê” lớn nhất cho sự tồn tại của mình, khi mà Washington là một trong những tiếng nói phê phán mạnh mẽ nhất chính sách của Bắc Kinh trong các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, cũng như biển Hoa Đông.

Mặt khác, bản thân Đài Loan cũng hết sức cảnh giác với tham vọng của Trung Quốc, đặc biệt khi Trung Quốc tiến hành bồi đắp, đảo hóa phi pháp một loạt đá, rạn san hô ở quần đảo Trường Sa và không che giấu mục đích quân sự của các dự án này. Đài Loan cũng đã theo dõi kỹ càng các động thái của Bắc Kinh với lo ngại rằng, một ngày nào đó, đảo Ba Bình - đảo lớn nhất trong quần đảo Trường Sa (của Việt Nam) mà Đài Bắc đang chiếm giữ (trái phép) cũng sẽ bị “người anh em” Trung Quốc thôn tính.
Theo Linh Phương
PetroTimes