1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc khiến các nước trong khu vực phải tích lũy vũ khí phòng thủ

(Dân trí) - Các động thái bành trướng của Trung Quốc tại Biển Đông đang đẩy các nước trong khu vực hướng đến việc mua vũ khí hạng nặng và máy bay quân sự của Mỹ, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Dov Zakheim tuyên bố.

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Dov Zakheim. (Ảnh:

Cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Dov Zakheim. (Ảnh:RT)

Trang tin Sputnik (Nga) ngày 27/6 dẫn lời ông  Zakheim nói: “Chúng tôi đang bán mọi thứ từ máy bay chiến đấu đến tên lửa cho các quốc gia Đông Á. Những động thái gần đây của Trung Quốc khiến các nước láng giềng lo lắng. Vì vậy, các nước trên khắp khu vực đang tiến hành tích lũy (vũ khí) quân sự”.

Báo Nga cho biết cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ đưa ra thông báo trên nhưng không nêu rõ số lượng vũ khí bán cho các nước Đông Á. 

Cựu thứ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, cách làm nhằm tạo “sự đã rồi “của Trung Quốc ở Biển Đông đã đẩy các nước trong khu vực vào thế phòng thủ. Ông cũng nhấn mạnh những hành động đòi chủ quyền phi lý gây căng thẳng trong khu vực là động lực đằng sau các quyết định của các nước Đông Á mua vũ khí Mỹ.

Theo truyền thông Mỹ, Lầu Năm Góc hồi tháng 5 năm nay thông qua kế hoạch bán 17 máy bay V-22 Osprey có giá 3 tỉ USD cho Nhật Bản. Các quan chức Mỹ cũng đã ký phê chuẩn 2 hợp đồng bán tên lửa gắn trên máy bay cho Indonesia và Malaysia. 

Trong khuôn khổ các hợp đồng này, Indonesia mua 30 tên lửa Sidewinder và 20 tên lửa huấn luyện với giá 47 triệu USD, Malaysia mua 10 tên lửa AIM-120 AMRAAM giá 21 triệu USD.

Giới phân tích cho rằng cho rằng việc bán vũ khí cho các nước là một phần trong chiến lược xoay trục nhằm đối phó với Trung Quốc của Mỹ.

Trung Quốc ngang ngược tuyên bố chủ quyền với hầu hết diện tích Biển Đông và đang tiến hành xây dựng phi pháp tại các rạn san hô trên biển. Mỹ đã tuyên bố lợi ích của mình trong việc bảo đảm an ninh và tự do hàng hải quốc tế tại Biển Đông, đồng thời bày tỏ lo ngại về tự do hàng hải của các tàu chiến Mỹ tại khu vực này.

 Thứ trưởng Ngoại giao Antony Blinken ngày 26/6 cho rằng, dự án cải tạo quy mô lớn của Bắc Kinh ở Biển Đông "là mối đe dọa đến hòa bình và ổn định". 

Ông Blinken nói Mỹ không có quan điểm cụ thể về các tuyên bố chủ quyền cụ thể nào ở vùng biển tranh chấp, nhưng quan tâm mạnh mẽ đến cách thức các nước theo đuổi các tuyên bố đó và vấn đề bảo đảm tự do hàng hải trên Biển Đông.

Trong một diễn biến có liên quan, giới khoa học quốc tế ngày càng lo ngại về hoạt động cải tạo đảo phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông gây hậu quả nghiêm trọng đến môi trường tại đây.

Các chuyên gia cho biết Việc Trung Quốc nạo vét cát và san hô để bồi đắp các bãi đá thành các đảo nhân đạo đã phá hủy hệ thống san hô tại đây, đồng thời, tác động xấu đến đa dạng sinh học.
 
Thoa Phạm 
Theo Sputnik