1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc đẩy mạnh chống tham nhũng trong lĩnh vực truyền thông

Đúng như dự báo của một số quan chức phụ trách chống tham nhũng, năm 2015, Trung Quốc đã đẩy mạnh rà soát và tiến hành “thanh lọc” giới truyền thông trong nước.

Điển hình trong số các vụ thanh lọc phải kể đến việc bắt giữ hai quan chức có tiếng trong ngành truyền thông Trung Quốc gây xôn xao dư luận mới đây.

Dùng “quyền lực báo chí” để tống tiền

Tân Hoa xã ngày 28-8 đưa tin, ông Liêu Hồng (Liao Hong), Giám đốc trang điện tử People.cn (website của tờ Nhân dân Nhật báo) và nguyên là Tổng biên tập tờ Nhân dân Nhật báo điện tử, cùng Phó giám đốc Trần Trí Hà đã bị bắt giữ để phục vụ công tác điều tra. Theo nguồn tin trên, hai quan chức này bị tình nghi nhận hối lộ và lợi dụng chức vụ để tống tiền.

Trong một tuyên bố đăng trên website chính thức, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao Trung Quốc xác nhận, ông Liêu Hồng và bà Trần Trí Hà đang phải chịu “những biện pháp cưỡng chế”. Đây là thuật ngữ thường được sử dụng ám chỉ việc bị bắt buộc triệu tập, kiểm soát và bắt giữ.

Trung Quốc đẩy mạnh chống tham nhũng trong lĩnh vực truyền thông - 1

Ông Liêu Hồng, Giám đốc trang điện tử People.cn. (Ảnh: En.people.cn)

Ông Liêu Hồng, 52 tuổi, là một trong những người sáng lập Nhân dân Nhật báo điện tử và đã làm việc cho Nhân dân Nhật báo gần 20 năm kể từ khi tốt nghiệp Trường Đại học Công nghệ Bắc Kinh. Ông này đã từng đoạt giải thưởng báo chí Trung Quốc năm 2009.

Lần gần đây nhất, ông Liêu xuất hiện trước công chúng là vào ngày 20-8, khi tới TP Thâm Quyến (tỉnh Quảng Đông) để phát biểu tại một diễn đàn truyền thông về sự hội nhập giữa báo chí truyền thống và điện tử.

Theo một số nguồn tin, ông Liêu Hồng bị cáo buộc sử dụng “quyền lực báo chí” để tống tiền các doanh nghiệp. Cáo buộc được đưa ra hồi đầu năm nay khi có thông tin cho rằng, ông Liêu từng ủng hộ việc đăng một bộ phim tài liệu gây tranh cãi về tình trạng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc.

Vụ bắt giữ ông Liêu khiến nhiều người liên tưởng tới vụ bê bối của Giám đốc Công ty truyền thông Thế kỷ 21 Trần Hạo. Cách đây không lâu, Trung Quốc cũng đã khởi tố một vụ tham nhũng trong ngành báo chí, trong đó có Giám đốc Công ty truyền thông Thế kỷ 21.

Các bị cáo bị cáo buộc đe dọa các doanh nghiệp trả tiền để viết bài quảng cáo hoặc “tiền bảo hộ” để che giấu các thông tin tiêu cực, nếu không sẽ phanh phui những “mảng tối”, gây khó khăn cho hoạt động của các tổ chức này.

Cuộc chiến chống tham nhũng quyết liệt của Chủ tịch Tập Cận Bình

Việc hai lãnh đạo của Nhân dân Nhật báo điện tử bị bắt giữ chỉ là một trong số nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng trong ngành truyền thông.

Hồi tháng 5, ông Từ Huy, một Phó tổng biên tập khác của People.cn cũng bị điều tra vì đe dọa tống tiền doanh nghiệp. Trong khi đó, hẳn nhiều người cũng chưa thể quên việc hàng loạt quan chức của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng từng bị bắt giữ vì tình nghi tham nhũng hồi năm 2014.

Một nhân viên từng làm việc tại CCTV2 cho biết, tầm ảnh hưởng và tỷ suất người xem cao của CCTV đã tạo cơ hội cho nạn hối lộ nở rộ tại đài này. Nhiều đối tượng đã chi tiền mua chuộc nhân viên cấp cao của CCTV để một nhãn hiệu hay một nhân vật được giới thiệu trên truyền hình quốc gia hoặc ngăn chặn việc đưa tin các vụ tai tiếng.

Phát biểu về vấn đề này, bà Lý Thu Phương, người đứng đầu đơn vị thuộc Ủy ban Thanh tra kỷ luật Trung ương Trung Quốc (CCDI) tại Cục Quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản, phát thanh, điện ảnh và truyền hình Trung Quốc cho biết, đơn vị bà đã nghiên cứu các “luật bất thành văn” của các quan chức tham nhũng trong ngành công nghiệp này và phát hiện nhiều ổ tham nhũng thông qua việc mua các bộ phim truyền hình, tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật quy mô lớn hoặc liên kết bao che cho doanh nghiệp.

Theo bà Lý, năm 2014, có 49 quan chức trong lĩnh vực này bị điều tra tham nhũng và đây là con số cao nhất trong 5 năm qua. Chỉ tính riêng các kênh truyền thông tài chính-kinh doanh, đã có 8 giám đốc điều hành, chủ nhiệm và giám đốc chương trình bị bắt để phục vụ công tác điều tra tham nhũng.

Thời báo Bắc Kinh cho biết, 6 quan chức đài truyền hình tỉnh An Huy sa lưới kể từ tháng 10-2014. Một quan chức phụ trách việc kiểm duyệt các bộ phim truyền hình của các nhà sản xuất Trung Quốc lãnh án 10 năm rưỡi tù giam vì tội nhận hối lộ 300 nghìn nhân dân tệ.

Khi chiến dịch chống tham nhũng quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình được triển khai, nhiều người dân Trung Quốc cảm thấy mừng rỡ hơn bao giờ hết.

Theo ước tính của các trang web phân tích và thống kê nước ngoài, chỉ số tham nhũng của Trung Quốc tổng cộng chiếm khoảng 7% GDP. Sự vui mừng càng tăng khi ngay cả những quan chức cao cấp nhất tưởng chừng không thể đụng đến cũng bị sa lưới.

Sau hàng loạt quan chức cao cấp bị “sờ gáy”, đến lượt các quan chức cấp trung và cấp thấp, trong đó có nhiều lãnh đạo và nhân viên trong ngành truyền thông nước này, cũng bị đưa vào tầm ngắm.

Theo công bố của CCDI, trong 6 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng Trung Quốc đã mở 12.600 cuộc điều tra nhằm vào các quan chức cấp thấp. Điều này một lần nữa thể hiện quyết tâm của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình trong chiến dịch đấu tranh quét sạch tệ nạn này ra khỏi xã hội Trung Quốc.

Theo Hà Lan

Quân đội Nhân dân

Trung Quốc đẩy mạnh chống tham nhũng trong lĩnh vực truyền thông - 2