1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trung Quốc chưa thể quyết số phận Chu Vĩnh Khang vì chia rẽ?

(Dân trí) - Kỳ họp toàn thể lần thứ 4 của trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc đã kết thúc, mà không đề cập gì tới số phận của cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang. Theo giới phân tích đây dường như là chỉ dấu của sự chia rẽ.

Cựu ủy viên thường
vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra
Cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị Chu Vĩnh Khang đang bị điều tra

Trước khi phiên họp toàn thể trên diễn ra, giới quan sát đã rất chờ đợi ở kỳ họp lần này, trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc sẽ đưa ra những thông báo về số phận ông Chu Vĩnh Khang, cũng như những thay đổi nhân sự trong quân ủy trung ương.

Tuy nhiên đến nay kỳ họp đã kết thúc mà cả hai quyết định trên đều không được công bố.

“Sự vắng bóng này cho thấy giới lãnh đạo hàng đầu Trung Quốc cần có thêm thời gian chuẩn bị cho phiên xét xử, dựa trên “pháp quyền””, nhà bình luận chính trị tại Hồng Kông Johnny Lau Yui-siu nhận định. “Với những vụ việc trước đây, Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương sẽ phải chuyển vụ việc của ông Chu sang cơ quan tố tụng không lâu sau khi ông ta bị khai trừ đảng”.

Ông Lau cho rằng những cải cách của Chủ tịch Tập Cận Bình đang phải đối diện với “sự phản kháng mạnh mẽ” trong nội bộ đảng Cộng Sản nước này. “Đó là lý do vì sao nhiều chương trình cải cách pháp luật ông Tập dự định triển khai, ví dụ như thành lập các tòa án hành chính, và giải tán Ủy ban chính pháp cũng đều không có trong thông cáo”.

Hồi cuối tháng 7 vừa qua, quyết định chính thức điều tra đối với ông Chu, 71 tuổi, đã được thông báo. Dù vậy gần 3 tháng sau, công chúng Trung Quốc vẫn không thể biết liệu vụ việc sẽ được xử lý ra sao. Vị cựu ủy viên thường vụ Bộ chính trị, người từng đứng đầu cơ quan an ninh trong nước của Trung Quốc chính là quan chức cấp cao nhất phải đối mặt với điều tra tham nhũng kể từ Cách mạng văn hóa.

Từng có những lý do mạnh mẽ để tin rằng thông báo về vụ việc của ông Chu sẽ được đưa ra tại phiên họp toàn thể này.

“Pháp quyền” chính là đề tài chính của kỳ họp kéo dài 4 ngày của các lãnh đạo cấp cao này, và trước đây, những kỳ họp như vậy luôn là nơi các vụ việc liên quan đến những quan chức cấp cao được xử lý.

Tại kỳ họp toàn thể lần 7 năm 2012, trung ương đảng Trung Quốc từng tuyên bố khai trừ đảng đối với cựu Bí thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai. Do đó, có rất nhiều tin đồn về việc số phận ông Chu cũng sẽ bị định đoạt tại kỳ họp này.

Tuy nhiên, ông Zhang Ming, một giảng viên khoa học chính trị tại đại học Renmin cho biết ông không ngạc nhiên về việc này.

“Ông Chu không phải là thành viên của trung ương đảng, do đó theo lẽ thường, quyết định khai trừ một đảng viên không nên được đưa ra tại phiên họp toàn thể”, vốn dành để thảo luận các vấn đề giữa các thành viên trung ương đảng, Zhang nói.

Nhưng, tại kỳ họp vừa qua, đã có 4 thuộc cấp cũ của ông Chu đã bị khai trừ đảng, gồm nguyên thứ trưởng Bộ công an Lý Đông Sinh, nguyên lãnh đạo cơ quan giám sát tài sản nhà nước và chủ tịch Tổng công ty dầu khí Trung Quốc (CNPC) Tưởng Khiết Mẫn, và cựu Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Trung Quốc Vương Vĩnh Xuân cùng phó bí thư tỉnh Tứ Xuyên Li Chuncheng.

“Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung tương có khả năng sẽ ra thông báo về trường hợp của ông Chu”, ông Zhang nhận định.

Trong khi đó, nhiều nhà quan sát cũng thất vọng trước việc hội nghị không đề cập đến việc các tướng lĩnh của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc gồm Liu Yuan và Zhang Youxia không được cất nhắc vào các vị trí cao hơn trong Quân ủy trung ương.

Thanh Tùng
Theo SCMP