1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc "cấm cửa" 4 nhà sản xuất thịt bò Australia sau lùm xùm Covid-19

(Dân trí) - Bắc Kinh dừng nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà cung cấp của Australia chỉ vài tuần sau khi Trung Quốc cảnh báo người tiêu dùng nước này có thể tẩy chay Canberra vì kêu gọi mở cuộc điều tra về Covid-19.

Trung Quốc cấm cửa 4 nhà sản xuất thịt bò Australia sau lùm xùm Covid-19 - 1

Những người bán thịt tại khu chợ ở Thẩm Dương, Trung Quốc. (Ảnh: AFP)

Bộ trưởng Thương mại Australia Simon Birmingham hôm nay 12/5 thông báo 4 nhà sản xuất thịt bò lớn của Australia gồm Kilcoy Pastoral, JBS’s Beef City, Dinmore Plants và Northern Cooperative Meat đã bị cấm xuất khẩu thịt bò sang Trung Quốc do vi phạm các lỗi “kỹ thuật nhỏ” liên quan tới yêu cầu về chứng nhận nhãn mác và y tế của Trung Quốc.

“Hàng nghìn việc làm liên quan tới các cơ sở chế biến thịt. Nhiều nông dân trông cậy vào các cơ sở này để bán gia súc của họ”, ông Birmingham nói với các phóng viên tại Canberra.

Bộ trưởng Thương mại Australia nói rằng việc Trung Quốc dừng nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà cung cấp trên là điều “đáng thất vọng”. Tuy nhiên, ông Birmingham phủ nhận đây là động thái trả đũa của Trung Quốc sau khi Australia kêu gọi mở một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của Covid-19.

“Chúng tôi quan ngại rằng quyết định đình chỉ dường như dựa trên các vấn đề về kỹ thuật, trong đó một số trường hợp đã xảy ra từ cách đây hơn 1 năm. Chúng tôi sẽ làm việc với cả doanh nghiệp và các nhà chức trách ở Australia cũng như Trung Quốc để tìm ra giải pháp cho phép các doanh nghiệp nối lại hoạt động bình thường trong thời gian sớm nhất có thể”, Bộ trưởng Birmingham cho biết thêm.

4 nhà sản xuất thịt bò trên chiếm khoảng 35% tổng lượng thịt bò xuất khẩu của Australia sang Trung Quốc. Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Australia, chiếm khoảng 38% trong kim ngạch xuất khẩu năm 2019.

Nhu cầu sử dụng thịt bò Australia tại Trung Quốc tăng vọt trong năm 2019, do tầng lớp trung lưu ngày càng phát triển mạnh và người tiêu dùng Trung Quốc chuyển sang ăn thịt bò khi thịt lợn trở nên khan hiếm sau dịch cúm lợn. Australia là nhà cung cấp thịt bò lớn thứ 3 của Trung Quốc trong năm 2019, sau Brazil và Argentina.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian nói với các phóng viên rằng, cơ quan hải quan Trung Quốc “liên tục” phát hiện trường hợp các công ty Australia vi phạm quy định về kiểm dịch và kiểm tra. Theo đó, ông Zhao cho biết việc dừng nhập khẩu thịt bò từ 4 nhà sản xuất Australia nhằm “đảm bảo sự an toàn và sức khỏe của người tiêu dùng Trung Quốc”.

“Hải quan Trung Quốc đã thông báo cho các cơ quan liên quan của Australia và yêu cầu họ điều tra đầy đủ lý do dẫn đến vấn đề này cũng như cách khắc phục”, ông Zhao nói trong cuộc họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định quyết định dừng nhập khẩu thịt bò từ Australia không liên quan tới tranh cãi giữa hai nước gần đây về Covid-19.

Ngoại trưởng Australia Marise Payne ngày 19/4 kêu gọi mở một cuộc điều tra quốc tế nhằm “xác định nguồn gốc của virus corona chủng mới, cách ứng phó cũng như sự minh bạch của thông tin được chia sẻ”. Bà Payne cũng bày tỏ quan ngại về tính minh bạch của Trung Quốc trong việc xử lý Covid-19.

Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 29/4 khẳng định lời kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc Covid-19 là “hợp lý” và không nhằm vào bất cứ quốc gia nào, bao gồm Trung Quốc.

Đáp lại, Đại sứ Trung Quốc tại Australia Cheng Jingye cho biết các mặt hàng rượu và thịt bò của Australia có thể bị “tổn thương” trước làn sóng tẩy chay của người Trung Quốc. Ngoài ra, ông Cheng nói rằng khách du lịch Trung Quốc có thể sẽ suy nghĩ lại về việc tới Australia và các phụ huynh Trung Quốc có thể sẽ cân nhắc việc cho con học tập tại Australia.

Trước đây, giới chức Trung Quốc từng có tiền lệ phát động cái gọi là “ngoại giao tẩy chay”, trong đó những tranh cãi về chính trị được gắn liền với phản ứng của người tiêu dùng tại đại lục.

Tại Australia, mối đe dọa tẩy chay từng phủ bóng lên chính quyền của cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull hồi năm 2017, khi đạo luật chống sự can thiệp từ bên ngoài, được cho là nhắm tới Trung Quốc, khiến quan hệ song phương trở nên căng thẳng.

Thành Đạt

Theo CNA