1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc bạo chi cho quốc phòng nhưng vẫn lộ nhiều điểm yếu?

(Dân trí) - Với lực lượng quân đội lớn nhất thế giới, Trung Quốc vượt xa Nhật Bản về số lượng binh sỹ, tàu chiến, máy bay cũng như chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên những hạn chế, yếu kém về huấn luyện, kinh nghiệm tác chiến khiến họ bị đánh giá thấp hơn Nhật.

Thời gian qua, hai cường quốc châu Á này đã có nhiều tranh cãi qua lại liên quan đến tranh chấp lãnh thổ và các bất đồng lịch sử, với những căng thẳng tiếp tục lộ rõ trong những chuyến thăm liên tiếp của Bộ trưởng quốc phòng Mỹ Chuck Hagel tới hai nước vừa qua.

Trung Quốc đã không ngừng tăng mạnh đầu tư hiện đại hóa quân đội
Trung Quốc đã không ngừng tăng mạnh đầu tư hiện đại hóa quân đội

Việc Bắc Kinh tiếp tục gia tăng ngân sách quốc phòng ở mức 2 con số như công bố hồi tháng trước sẽ chỉ giúp họ tăng ưu thế về mặt số lượng, nhưng Nhật Bản lại có lợi thế về mặt công nghệ, huấn luyện, cùng những khí tài chủ chốt nằm trong “chiếc ô an ninh” của Mỹ.

Ông Hagel đã tái khẳng định sự ủng hộ của Washington dành cho Tokyo trong khi chỉ trích Bắc Kinh trong các cuộc trao đổi gai góc với các tướng lĩnh hàng đầu của Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA)

Trung Quốc, về phần mình, khẳng định với ông Hagel rằng chủ quyền đối với quần đảo trên biển Hoa Đông, vốn là trung tâm tranh chấp với Nhật, là không thể đàm phán, và họ sẽ “không nhượng bộ”.

Dù có những tuyên bố cứng rắn như vậy, các nhà phân tích cho rằng những nhà chiến lược cấp cao nhất của Trung Quốc hiểu rằng xung đột vũ trang, dù vô tình hay hữu ý, không phải điều có lợi cho họ, và có thể làm chệch hướng chiến dịch mở rộng ảnh hưởng trong khu vực và trên thế giới trong dài hạn.

“Những chỉ huy cấp cao của Trung Quốc phải rất thận trọng và kỹ lưỡng khi triển khai bất kỳ chiến dịch quân sự nào”, Arthur Ding, một chuyên gia về PLA tại đại học quốc gia Chengchi Đài Loan khẳng định.

Ngay cả khi không được hưởng lợi từ liên minh an ninh với Mỹ, Nhật hiện cũng có những cơ sở huấn luyện và trang thiết bị tốt hơn, ông Ding nói, cho dù tình hình trong dài hạn có thể khó đoán định.

“Hiện tại Nhật Bản đang mạnh hơn”, ông Ding phát biểu với AFP

Ngay cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hối thúc quân đội - vốn đang đối mặt với nạn tham nhũng và nhiều quan chức cấp cao bị điều tra - nâng cao năng lực “chiến thắng trên mặt trận”.

Khoảng cách xa vời vợi

Những tranh cãi xoay quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà Nhật đang quản lý còn Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, đã nóng lên kể từ khi Tokyo quốc hữu hóa nhóm đảo này năm 2012. Các tàu và máy bay phi quân sự của hai nước thường tuần tra khu vực này.

Tương quan lực lượng quân sự Trung - Nhật
Tương quan lực lượng quân sự Trung - Nhật

Nhưng trong một vụ căng thẳng hồi đầu năm ngoái, Nhật đã cáo buộc một tàu khu trục Trung Quốc chĩa radar điều khiển hỏa lực vào các tàu hải quân Nhật, làm dấy lên lo ngại về xung đột.

Theo bản báo cáo cán cân quân sự 2014 của Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, xuất bản hồi tháng 2, Trung Quốc đang vượt xa Nhật về quân số ở mọi lực lượng. Năm ngoái, họ có xấp xỉ 2,3 triệu binh sỹ thường trực, so với con số 247.150 của Nhật.

Trung Quốc cũng dẫn trước với khoảng cách xa vời vợi về số máy bay chiến đấu, với tương quan 2.525 chiếc so với 630 chiếc của Nhật. Số lượng xe tăng chiến trường của Trung Quốc là 6840 chiếc so với 777 chiếc của Nhật, trong khi tương quan về tàu ngầm chiến thuật là 66 so với 18.

Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc năm ngoái là 112,2 tỷ USD, trong khi Nhật chỉ phân bổ 51 tỷ USD, bản báo cáo viết.

“PLA đã triển khai một chương trình hiện đại hóa nhờ sự phát triển nhanh về kinh tế của nước này, và đã vượt qua các lực lượng vũ trang của những nước ít phát triển hơn ở châu Á”, báo cáo khẳng định.

Dù vậy, viện này khẳng định Trung Quốc có những hạn chế, bao gồm thiếu kinh nghiệm chiến đấu, hoài nghi về công tác huấn luyện và tinh thần chiến đấu, cùng điểm yếu trong công tác chỉ huy và kiểm soát, tác chiến chống tàu ngầm và nhiều mặt khác.

Binh pháp Tôn Tử

Tokyo và Washington, từng là kẻ thù trong thời chiến, đã phát triển mối quan hệ quân sự chặt chẽ kể từ sau thất bại của Nhật trong Thế chiến II, và Mỹ có nghĩa vụ phải bảo vệ đồng minh của mình nếu Tokyo bị tấn công.

Nhật có lợi thế lớn khi được Mỹ hậu thuẫn
Nhật có lợi thế lớn khi được Mỹ hậu thuẫn

Quân đội Mỹ hiện duy trì gần 50.000 binh sỹ tại Nhật, trên những căn cứ chiến lược, bao gồm căn cứ trên phía Nam đảo Okinawa, chỉ cách khu vực quần đảo tranh chấp một đoạn bay ngắn.

Kazuhisa Ogawa, một nhà phân tích quân sự có tiếng của Nhật cho rằng năng lực của Nhật không thể được nhìn nhận tách rời khỏi Mỹ. “Quân đội Nhật không được tổ chức để đứng một mình”, Ogawa nói.

“Nhật đang đối diện với quân đội Trung Quốc cùng với các lực lượng Mỹ, do đó, sẽ thật không hợp lý khi so sánh năng lực của quân đội Nhật và Trung Quốc mà không có sự hiện diện của Mỹ”, chuyên gia này khẳng định với hãng tin AFP.

Cho dù đảng Cộng Sản Trung Quốc và truyền thông nhà nước nước này thường công kích Nhật trong tranh chấp chủ quyền, và cáo buộc Tokyo về chủ nghĩa quân sự mới cũng như sự phủ nhận các tội ác thời chiến tại Trung Quốc, những tuyên bố từ các quan chức hàng đầu vẫn tỏ ra thận trọng.

Trong cuộc trao đổi với ông Hagel, Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn đề xuất Trung Quốc sẽ không có hành động tấn công phủ đầu tại đảo tranh chấp.

Nhưng ông Ogawa cho rằng Bắc Kinh đã có một chiến lược rõ ràng dù họ không muốn khơi mào một cuộc xung đột vũ trang.

“Trung Quốc đang điều các tàu phi quân sự tới khu vực đó”, để khẳng định các tuyên bố chủ quyền, đánh giá phản ứng của Nhật và Mỹ, cũng cho như các yếu tố dân tộc chủ nghĩa trong nước thấy họ đang phô trương sức mạnh, chuyên gia này khẳng định.

“Chính sách của Trung Quốc là chiến thắng một cuộc chiến mà không cần chiến trường, đi theo đường lối của Binh pháp Tôn Tử”.

Thanh Tùng
Theo AFP