1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trung Quốc âm thầm lập mạng lưới liên minh ngoại giao

(Dân trí) - Khi ASEAN không ra được tuyên bố chung do bất đồng về tranh chấp Biển Đông, Bắc Kinh đã âm thầm ăn mừng như một thành công của chiến lược chính sách ngoại giao mới trong bối cảnh Trung Quốc tìm cách lợi dụng các đồng minh then chốt để thúc đẩy lợi ích riêng.

 
Tàu hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận. (Ảnh: Xinhua)
Tàu hải quân Trung Quốc trong một cuộc tập trận. (Ảnh: Xinhua)

Campuchia, chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, đã ngăn chặn một nỗ lực của Philippines và Việt Nam nhằm đề cập tới các tranh chấp gần đây với Trung Quốc tại Biển Đông vào tuyên bố chung của hội nghị của khối ở Phnom Phenh hồi tháng trước.

“Chúng tôi phối hợp rất tốt với Campuchia trong trường hợp đó và… ngăn chặn một vụ việc có thể bất lợi cho Trung Quốc”, Chen Xiangyang, một chuyên gia chính sách ngoại giao tại Viện các quan hệ quốc tế đương đại của Trung Quốc, cho hay.

Các nhà phân tích cho rằng việc Campuchia ngả theo ý của Trung Quốc đã lờ mờ cho thấy những điều sẽ xảy ra khi Bắc Kinh tìm cách xây dựng các liên minh chính sách ngoại giao mà từ lâu nước này muốn tránh. E ngại bởi những liên minh như vậy kể từ khi liên minh với Liên Xô sụp đổ năm 1961, Trung Quốc đã quyết định vào năm 1982, khi nước này bắt đầu thực hiện cải cách mở, rằng Bắc Kinh sẽ theo đuổi một chính sách chặt chẽ là không liên kết. Nhưng sau cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, phong trào “Mùa xuân Ả-rập” và việc Mỹ thúc đẩy sự hiện diện tại châu Á, chính sách này này ngày càng bị thách thức ở trong nước.

“Tình hình ở sân sau của Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp, và có cảm giác mọi thứ đang vượt ra khỏi tầm kiểm soát”, ông Chen nhận định. “Khi sức mạnh của Trung Quốc tăng lên, chúng ta sẽ cần nhiều bạn bè hơn. Nếu không chúng ta có nguy cơ bị cô lập”.

Một số học giả Trung Quốc tin rằng Bắc Kinh đã bắt đầu thay đổi đường lối không liên kết bấy lâu nay.

Trung Quốc phân biệt rõ giữa “quan hệ chiến lược” và “quan hệ đặc biệt”. Trung Quốc từ lâu đã theo đuổi một số ít các quan hệ đặc biệt, trong đó có hiệp ước hữu nghị với Triều Tiên; mối quan hệ thân thiết với Pakistan, bao gồm việc hợp tác quân sự và chống khủng bố; và quan hệ đối tác mạnh mẽ với Campuchia.

Trung Quốc cũng tăng cường quan hệ với các nước như Iran và Sudan, nhưng các chuyên gia chính sách ngoại giao cho rằng các mối quan hệ này chủ yếu được thắt chặt bởi các lợi ích kinh tế như đảm bảo nguồn năng lượng và sẽ không bao giờ trở thành một phần của hệ thống liên minh ngoại giao của Trung Quốc.

Nhưng Bắc Kinh lại đang thăm dò nhằm mở rộng và thúc đẩy các mối liên kết tại châu Á thành những mối quan hệ vốn có thể giúp xây dựng các khối cho một liên minh. Các nhà phân tích đã chú ý tới vai trò của Trung Quốc như một nhà viện trợ và đầu tư lớn tại Campuchia và sự hợp tác ngày càng gia tăng của Phnom Penh với Bắc Kinh.

Mối quan hệ giữa Trung Quốc với Nga đang trải qua một thay đổi lớn. Các nhà ngoại giao Trung Quốc nói rằng cuộc khủng hoảng đang leo thang tại Syria đã đẩy 2 nước xích lại gần nhau. Bắc Kinh và Mátxcơva đã cùng 3 lần bỏ phiếu phủ quyết các nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về Syria.

Một số chuyên gia cố vấn cho Bắc Kinh cũng cho rằng Trung Quốc nên hành động nhiều hơn để xây dựng các liên minh đặc biệt với các nước khác trong khối BRICS- Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi - quanh những chủ đề nhất định nơi các thị trường lớn, đang nổi có các lợi ích chung. Nhưng theo nhiều chuyên gia chính sách đối ngoại của Trung Quốc, những thử nghiệm như vậy là xa vời so với những gì mà Bắc Kinh cần.

Yan Xuetong, người đứng đầu Viện quan hệ quốc tế hiện đại tại Đại học Thanh Hoa (Tsinghua) và là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất chính sách không liên kết của Trung Quốc, nhận định rằng Bắc Kinh phải hoàn toàn từ bỏ chính sách này và thay bằng một mạng lưới các liên minh quân sự từ Triều Tiên tới Sri Lanka.

“Chúng ta sống một trật thế giới bị các liên minh quân sự của Mỹ thống trị. Trung Quốc không mang tới cho các nước láng giềng sự đảm bảo an ninh, vì thế khi Trung Quốc mạnh lên, những lo ngại sẽ xuất hiện trong các nước này”, ông Yang nói.

Một số học giả Trung Quốc tin rằng nước này đã có sẵn các khối cho một hệ thống liên minh rộng lớn. Tổ chức hợp tác Thượng Hải, một tổ chức được Bắc Kinh đồng sáng lập với sự tham gia của Nga và vài quốc gia Trung Á, có thể là một phần của hệ thống đó, bên cạnh Triều Tiên, Myanmar, Campuchia, Pakistan, Bangladesh và Sri Lanka.

Những ý tưởng đó có nguy cơ làm gia tăng những phiền toái, đặc biệt là tại Ấn Độ, quốc gia từ lâu vốn lo ngại về sự bao vây chiến lược bởi Trung Quốc. Bắc Kinh đã nhiều lần bác bỏ những ý định như vậy. Nhưng Pakistan và Sri Lanka có các cảng lớn có thể được sử dụng cho mục đích quân sự và viễn cảnh rằng hải quân Trung Quốc có thể được tiếp cận thường xuyên với các cảng này càng làm gia tăng những lo ngại.

Các nhà phân tích Trung Quốc tin rằng những dấu hiệu mở cửa đối với một số quốc gia khép kín mà Bắc Kinh coi là bạn có thể đẩy nhanh tiến trình xây dựng một mạng lưới liên minh.

Nhà lãnh đạo mới của Triều Tiên, Kim Jong-un, đã thiết lập một nhóm cải cách kinh tế trong đảng Lao động cầm quyền hồi tháng trước, làm nảy sinh những kỳ vọng rằng ông có thể bắt đầu công cuộc cải cách kinh tế theo mô hình của Trung Quốc.

“Cả Myanmar và Triều Tiên đang tìm kiếm cải cách và mở cửa”, ông Yan nói. “Họ đang đi theo đường hướng của Trung Quốc. Điều đó có thể khiến các nước này càng thích hợp hơn khi trở thành các đồng minh thực sự của chúng tôi”.

An Bình
Theo Financial Times

Dòng sự kiện: Căng thẳng Biển Đông