1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Triều Tiên: Giao lộ quyền lực của bốn cường quốc

Triều Tiên muốn ép Mỹ phải nhượng bộ bằng cách làm gia tăng các quan ngại về khả năng xảy ra chiến tranh.

Triều Tiên: Giao lộ quyền lực của bốn cường quốc

Tên lửa Triều Tiên xuất hiện trong cuộc diễu hành mừng 100 năm ngày sinh nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành năm 2012.

Trước thềm Lễ kỷ niệm 101 năm ngày sinh của nhà lãnh đạo sáng lập CHDCND Triều Tiên Kim Il Sung (Kim Nhật Thành), (15/4/1912-15/4/2013), có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đã chuẩn bị cho một hoặc một số hành động nhằm thực thi sách lược “bên miệng hố chiến tranh” của mình, bằng cách làm gia tăng các quan ngại về khả năng xảy ra chiến tranh, Triều Tiên muốn ép Mỹ phải nhượng bộ.
 
Dự đoán các động thái củaTriều Tiên

Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên bắt đầu gia tăng mạnh mẽ kể từ sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ thứ 3 ngày 12/2. Gần một tháng sau đó, ngày 7/3, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 2094 về việc tăng cường trừng phạt đối với Triều Tiên.

Để phản đối nghị quyết này và các cuộc tập trận chung sau đó giữa Mỹ và Hàn Quốc, Bình Nhưỡng đã đơn phương hủy bỏ Hiệp định Đình chiến ký với Seoul vào cuối cuộc Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953; cắt đứt các đường dây nóng giữa hai miền; đe dọa tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam, thậm chí là “phủ đầu hạt nhân” nhằm vào các lực lượng thù địch.

Gần đây nhất, Bình Nhưỡng đã khuyến cáo các đại sứ quán cân nhắc khả năng rút khỏi nước này trong trường hợp xảy ra chiến tranh, cảnh báo khách du lịch đến Hàn Quốc rời khỏi đây và đóng cửa khu công nghiệp Kaesong – biểu tượng duy nhất về sự hợp tác kinh tế giữa hai miền.

Theo nhận định của giới chức Mỹ, nếu nhà lãnh đạo Kim Jong-un vẫn thực hiện những chiến lược như trước đây, Bình Nhưỡng sẽ phóng thử một hoặc hai tên lửa vào khoảng ngày 15/4.

Tuy nhiên, giới chức Mỹ cũng không loại trừ khả năng thay vì phóng tên lửa, Triều Tiên sẽ có những cuộc  tấn công quân sự nhỏ, hạn chế.  

Trong khi đó, một quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc đề nghị giấu tên cho biết Triều Tiên có khả năng thực hiện nhiều vụ phóng tên lửa một lúc, bao gồm tên lửa Scud, tên lửa tầm trung Rodong và có thể là loại tên lửa tầm trung Munsudan mới được di chuyển tới bờ biển phía Đông nước này.     

Giao lộ quyền lực của  bốn siêu cường

Trong bối cảnh Triều Tiên có khả năng khép lại hàng loạt những lời đe dọa của mình bằng một hành động khiêu khích quân sự, Mỹ đã cùng đồng minh Hàn Quốc vạch ra những kế hoạch an ninh mới, đồng thời tăng sức ép để Trung Quốc hành động kiềm chế đồng minh nhiều hơn.

Kế hoạch an ninh mới lần đầu tiên được nhắc tới trên tờ "Thời báo New York" hôm 8/4 nhằm đảm bảo với Hàn Quốc rằng nước này có thể phản ứng bằng quân sự đối với bất kể động thái khiêu khích mới nào.    

Hãng tin Reuters dẫn lời các quan chức dấu tên của Mỹ cho biết, Washington đang điều chỉnh cách tiếp cận đối với Triều Tiên, bao gồm cả việc sửa đổi những quy tắc can thiệp nhằm đáp trả bất kể cuộc tấn công nào một cách mạnh mẽ hơn trước đây nhưng theo hướng tránh đẩy tình hình biến thành một cuộc chiến tranh tổng lực.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama nói: "Chúng tôi đang điều chỉnh các chiến lược và cách tiếp cận đối với cách hành xử của nhà lãnh đạo Kim Jong-un".

Các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc sẽ không hành động nếu tên lửa của Bình Nhưỡng rơi vào vùng biển đúng như họ dự đoán. Tuy nhiên, một quan chức khác trong chính quyền Mỹ nói rằng các lực lượng này sẽ sẵn sàng bắn hạ tên lửa nếu nó gây ra mối đe dọa tới Hàn Quốc, Nhật Bản hay đảo Guam. Kế hoạch này có rất nhiều rủi ro.

Ở một vị trí đặc biệt, bán đảo Triều Tiên còn là một giao lộ quyền lực của bốn cường quốc là Trung Quốc, Nga, Nhật và Mỹ. Mọi căng thẳng tại đây đều có thể mang đến hậu quả nặng nề cho thế giới. Vì vậy, ngay cả khi căng thẳng dâng cao trên bán đảo Triều Tiên và Mỹ phải điều chỉnh chiến lược cho phù hợp, vẫn không có dấu hiệu nào cho thấy chính quyền Obama sẽ từ bỏ hoàn toàn cách tiếp cận "kiên nhẫn chiến lược".

Cùng với việc điều chỉnh chiến lược đối phó với Triều Tiên, Mỹ cũng muốn Trung Quốc - đồng minh thân cận nhất của Triều Tiên - hành động nhiều hơn nữa. Các quan chức Mỹ hiểu rằng Trung Quốc chỉ muốn gây sức ép đối với Triều Tiên ở mức có giới hạn vì Bắc Kinh lo ngại nếu có sự cố lớn, làn sóng di cư ồ ạt sẽ thành đại họa đối với nước này.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong chuyến công du Châu Á để bàn về cách đối phó với những lời đe dọa chiến tranh của Triều Tiên cũng cho rằng, Trung Quốc nắm giữ vai trò then chốt trong tiến trình này.

Có vẻ như ban lãnh đạo mới ở Trung Quốc cũng xuôi theo ý kiến của Washington. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: “Chúng tôi muốn hòa giải, không muốn căng thẳng. Chúng tôi muốn đối thoại, không muốn đối đầu. Xung đột ở bán đảo Triều Tiên không phục vụ cho lợi ích của bất cứ bên nào. Trung Quốc có quyết tâm bảo vệ cho hòa bình và ổn định của bán đảo Triều Tiên và vùng Đông Bắc Á”.

Tuy nhiên, với việc phô trương sức mạnh ở Hàn Quốc và những khu vực gần đó, Mỹ đã gửi đi một thông điệp tới Trung Quốc rằng Washington sẽ tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực nếu tình hình không được cải thiện. Đấy là điều mà Trung Quốc luôn phản đối./.

Theo Bùi Hùng
VOV