1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Trái ngọt đầu mùa của cái bắt tay Nga-Triều

Xuất khẩu của Triều Tiên sang Nga đã tăng 31,9% trong năm 2014 so với năm trước, đạt 10,17 triệu USD.

Theo báo cáo của Cơ quan Xúc tiến Đầu tư Thương mại Hàn Quốc công bố ngày 18/3, xuất khẩu dệt may của Triều Tiên sang Nga đạt 4,7 triệu USD, chiếm 46,2% tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu. Tiếp theo là máy móc (1,6 triệu USD), nhạc cụ (1,37 triệu USD) và thiết bị điện (670.000 USD).

Năm 2014, Triều Tiên cũng xuất khẩu xe ôtô sang Nga với tổng giá trị đạt 250.000 USD, gấp 2-3 lần so với năm trước, trong khi xuất khẩu các thiết bị quang học tăng hơn 60 lần, đạt 190.000 USD.

Những thông tin trên có thể coi là trái ngọt đầu tiên từ cái bắt tay chặt của Triều Tiên với Nga trên con đường "thoát Trung" của quốc gia này.
 
Công nhân một công ty may xuất khẩu của Triều Tiên

Công nhân một công ty may xuất khẩu của Triều Tiên

Theo ông Cho Bong-hyun, chuyên gia cấp cao thuộc Ngân hàng Công nghiệp Hàn Quốc (IBK) tại Seoul, Bình Nhưỡng đã và đang phấn đấu để tăng cường hợp tác kinh tế với Moscow, mặc dù nó sẽ phải mất thời gian để Triều Tiên đa dạng hóa thị trường thương mại của mình do phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc trong quá khứ.

Mới đây nhất, Triều Tiên và Nga đã chọn năm 2015 là năm hữu nghị giữa hai nước. Theo tuyên bố của hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA), hai nước sẽ thắt chặt quan hệ song phương bao gồm nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế, văn hóa.

Kể từ khi lên cầm quyền, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un đã đẩy nhanh quá trình "thoát Trung" và tích cực cải thiện quan hệ với các nước, đặc biệt là Nga. Bản thân Triều Tiên cũng được nhiều từ "tình bạn lợi ích" này. Năm ngoái, Nga đã xoá 10 tỷ USD trong tổng số 11 tỷ USD Triều Tiên đang nợ, đồng thời Moscow tuyên bố 1 tỷ USD còn lại sẽ được tái đầu tư vào Bình Nhưỡng.

Các nhà đầu tư ở Nga cũng đồng ý rót 25 tỉ USD vào dự án cải thiện hệ thống đường sắt của Triều Tiên. Đổi lại, Nga được quyền khai thác khoáng sản tại đây.

Ngoài ra, các công ty Nga sẽ triển khai kế hoạch xây dựng mạng lưới điện cho Triều Tiên, trong lúc hai bên vẫn hợp tác phát triển cảng Rason, dành cho việc xuất khẩu than của Nga.

Trong khi đó, theo báo cáo của phía Hàn Quốc, năm 2014, hơn 90% xuất khẩu của Triều Tiên vẫn bị ràng buộc với Trung Quốc. Tuy nhiên, thương mại song phương giữa Triều Tiên và Trung Quốc đã giảm 2,4% từ năm 2013 xuống còn 6,39 tỷ USD trong năm 2014, đánh dấu sự suy giảm thường niên lần đầu tiên kể từ năm 2009.

Theo Minh Thái (tổng hợp)
Đất Việt