1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Trật tự ở châu Á: Ai sẽ bảo vệ?

Tham vọng thay đổi trật tự ở châu Á không còn là điều bí mật. Từ sách lược "một vành đai, một con đường" đến sáng kiến Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), tất cả đều phục vụ cho mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh là trở thành nhân tố điều phối trung tâm của châu Á đương đại.

Trật tự trong quan hệ quốc tế ở khu vực châu Á đang ngày càng bất ổn

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Các quốc gia láng giềng biết điều này, nhưng các cường quốc khác trong khu vực vẫn làm quá ít để phối hợp hạn chế sự bá quyền của Trung Quốc.

Nỗ lực chưa đủ

Các thế lực lớn khác vốn đã sớm có những chiến lược hướng trọng tâm vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đáng chú ý là chiến lược "xoay trục" sang châu Á của Mỹ từ năm 2012 và việc Ấn Độ nâng tầm chính sách "hướng Đông" thành chiến lược "Hành động phía Đông" khi Thủ tướng Narendra Modi tái đắc cử năm 2014. Nhưng tính đến nay, sự hiện diện của các cường quốc này ở châu Á vẫn còn khá mờ nhạt.

Ngay đến cả hiệp định Thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) - được đánh giá là con bài chiến lược mới để Washington tăng cường ảnh hưởng ở châu Á, không chỉ đẩy Trung Quốc mà còn đẩy luôn các đồng minh lớn khác của Mỹ như Ấn Độ hay Hàn Quốc ra ngoài cuộc chơi kinh tế ở châu Á - Thái Bình Dương.

Đó không phải là vấn đề duy nhất của TPP. Sẽ còn cả một quá trình dài để thỏa thuận này được các cơ quan lập pháp của 12 quốc gia thành viên cân nhắc, điều chỉnh và phê chuẩn. Càng trì hoãn lâu thì tác động xuyên quốc gia của thỏa thuận này càng bị thu hẹp và suy yếu.

Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), với sự tham gia của Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc,Nhật Bản, Australia, New Zealand - là 6 quốc gia ký hiệp định thương mại song phương với Mỹ, có khả năng làm suy giảm ảnh hưởng của TPP trong khu vực nếu đi vào thực hiện.

Trong khi đó, sáng kiến "một vành đai, một con đường" được xem là giúp tăng cường đòn bẩy tài chính của Trung Quốc đối với các quốc gia khác thông qua thương mại và đầu tư, trong khi vẫn có thể duy trì và tăng cường tác động vào hiện trạng hàng hải trong khu vực, thậm chí là vươn tầm ảnh hưởng sang cả Ấn Độ Dương.

Chỉ cần Chủ tịch Tập Cận Bình có thể đạt được một nửa mục tiêu đã đặt ra cho sáng kiến này, toàn bộ cấu trúc địa chính trị châu Á sẽ bị ảnh hưởng sâu sắc.

Lá cờ đầu: Ấn - Nhật

Trong bối cảnh này, châu Á đang đối mặt với một tương lai không hề vững chắc. Để đảm bảo sự ổn định về địa chính trị, lợi ích của các thế lực lớn trong khu vực phải được cân bằng.

Nhưng khi mà Bắc Kinh vẫn kiên trì theo đuổi các quyết sách chính trị, kinh tế và quân sự táo bạo như họ đã làm trong những năm qua, việc các cường quốc thương lượng để tiến hành cân bằng lợi ích trong khu vực sẽ gặp khó khăn.

Thực tế, không một thế lực đơn lẻ nào - kể cả Mỹ - có thể khiến Bắc Kinh hành xử một cách ôn hòa hơn. Để đảm bảo ổn định sự cân bằng sức mạnh trong khu vực, các quốc gia có cùng chí hướng này nên đoàn kết với nhau để duy trì một trật tự dựa trên thông lệ và luật pháp quốc tế được thừa nhận rộng rãi trong nhiều thập kỷ qua.

Chính điều này sẽ thuyết phục Bắc Kinh buộc phải tôn trọng các quy tắc xử sự quốc tế, bao gồm cả việc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình chứ không tiến hành quân sự hóa các vấn đề tranh chấp trong khu vực.

Nếu không có sự hợp tác như vậy, tham vọng bá quyền của Bắc Kinh sẽ chỉ bị hạn chế bởi các tác nhân trong nước như sự sa sút của nền kinh tế, cuộc khủng hoảng về ô nhiễm môi trường hay sự gia tăng của bất mãn xã hội.

Vậy những quốc gia nào nên đi đầu trong việc kiềm chế tham vọng của Trung Quốc? Khi mà nước Mỹ đang bị phân tán bởi các thách thức chiến lược ở khu vực khác trên thế giới - chưa kể đến chiến dịch tranh cử Tổng thống trong nước, thì các thế lực khác ở châu Á như Ấn Độ - với một nền kinh tế đang lên và Nhật Bản - với những sách lược chính trị quyết đoán, sẽ là ứng cử viên tốt nhất để thực hiện công việc này.

Cả hai cường quốc này đều hiểu rõ sự cần thiết của việc duy trì sự cân bằng và ổn định giữa các thế lực trong khu vực cũng như tôn trọng nguyên trạng lãnh thổ và bảo vệ quyền tự do hàng hải. Hơn nữa, họ cũng đã chứng minh khát vọng chung của mình để duy trì trật tự châu Á hiện có:

Năm 2014, khi đến thăm Thủ tướng Nhật Shinzo Abe ở Tokyo, người đồng cấp Ấn Độ Narenda Modi đã lên tiếng chỉ trích "tư tưởng bành trướng của thế kỷ XVIII" mà Trung Quốc theo đuổi, nhất là khi Bắc Kinh tăng cường thâm nhập vào vùng biển Ấn Độ Dương cũng như các xung đột biên giới hai nước.

Trong năm 2015, Nhật Bản và Ấn Độ đã cùng lên tiếng yêu cầu tất cả các quốc gia "tránh hành xử đơn phương" trong vấn đề Biển Đông, khi mà Bắc Kinh tiến hành cải tạo đảo trái phép ở khu vực đang có tranh chấp.

Rõ ràng cả Nhật Bản và Ấn Độ đều nhận thức được tham vọng của Trung Quốc mà nếu được hiện thực hóa sẽ tác động mạnh mẽ đến trật tự khu vực và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của họ.

Tuy nhiên, cả hai cường quốc đã thất bại trong những chính sách phối hợp gần đây khi việc cùng đầu tư vào Myanmar và Sri Lanka không làm giảm áp lực của Trung Quốc tại vùng Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Cả hai quốc gia này cần sớm rút ra bài học và đưa ra các chiến lược cạnh tranh kinh tế khác hiệu quả hơn nếu không muốn bị nền kinh tế hàng đầu thế giới của Bắc Kinh đè bẹp.

Bên cạnh đó, các cuộc tập trận chung giữa các cường quốc này vẫn tỏ ra hiệu quả trong việc tăng cường hợp tác quân sự và củng cố ổn định hàng hải trong khu vực, tiêu biểu như cuộc tập trận trên biển thường niên Malabar của Mỹ - Ấn - Nhật.

Nhưng nếu muốn các quốc gia nhỏ hơn trong khu vực có thể đóng góp nhiều hơn vào công cuộc duy trì hòa bình, ổn định tại châu Á, các cường quốc - cũng là các nền kinh tế lớn, nên quan tâm đến việc thúc đẩy các dự án địa kinh tế tại đây.

Việc tăng cường hợp tác kinh tế và đẩy mạnh đầu tư với các quốc gia xung quanh châu Á - Thái Bình Dương không chỉ giúp các thế lực tầm trung và nhỏ trong khu vực tăng cường sức mạnh kinh tế - quốc phòng mà còn giảm đi sự phụ thuộc vào nền kinh tế khổng lồ đang ngày càng phình to của Bắc Kinh.

Theo Minh Tuấn

ế giới và Việt Nam