1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Ukraine đối mặt nhiều thách thức sau chiến thắng tại quốc hội

(Dân trí) - Những loạt rocket rền vang tại các thành trì của phe ly khai tại Donetsk, chỉ một ngày sau khi cuộc bầu cử quốc hội tại Ukraine kết thúc với chiến thắng của các nghị sỹ thân phương Tây, phần nào cho thấy những thách thức chết người vẫn đang chờ đợi ông Poroshenko.

Với vẻ hân hoan thấy rõ, ông Poroshenko đã gọi màn biểu dương sức mạnh của những người theo đường lối ôn hòa, trong cuộc bầu cử quốc hội tại Ukraine hôm Chủ nhật là một dấu hiệu cho thấy những người Ukraine chán ghét chiến tranh đang ủng hộ “những lực lượng chính trị hậu thuẫn kế hoạch hòa bình của Tổng thống”.

Chiến thắng tại quốc hội không giúp ông Petro Poroshenko giải quyết mọi khó khăn
Chiến thắng tại quốc hội không giúp ông Petro Poroshenko giải quyết mọi khó khăn

Nhà lãnh đạo được phương Tây hậu thuẫn này có lý do để vui mừng. Cử tri Ukraine đã quay lưng lại với các đảng phái theo tư tưởng hiếu chiến, vốn vẫn yêu cầu phải giành được chiến thắng quân sự, và phản đối đề xuất của ông Poroshenko về quyền tự trị hạn chế cho phe ly khai, để đổi lại việc chấm dứt 6 tháng đổ máu, vốn khiến 3700 người thiệt mạng.

Cựu “ông trùm” ngành sô cô la tuyên bố rằng, những lá phiếu giành được từ các đảng phái thân Nga cho thấy “sự ủng hộ mạnh mẽ và không thể đảo ngược đối với con đường hướng tới châu Âu của Ukraine”.

Nhưng những người thuôc phe của ông Poroshenko, vốn đang phởn phơ với chiến thắng, dường như chưa nhận thấy một điều rằng, chính các quốc gia EU, vốn lệ thuộc nhiều vào nguồn khí đốt và dầu mỏ của Nga, giờ đang cố gắng tránh khiến Mátxcơva thêm giận dữ.

Một số quốc gia EU thậm chí còn ngụ ý rằng, các cuộc đàm phán về quyền thành viên trực tiếp cho Kiev vào lúc này là quá sớm – một quan điểm phần nào tương đồng với ý kiến của Kremlin, vốn vẫn xem Ukraine như một phần trong địa hạt lịch sử của mình.

Bên cạnh đó, ông Poroshenko cũng đang gần như bất lực trên thực địa. Nhà lãnh đạo Ukraine đã không thể làm gì nhiều ngoài việc bày tỏ sự giận dữ trước kế hoạch của những người ly khai, được vũ trang tốt và đầy tự tin, trong việc tiến hành bầu cử chọn ra nhà lãnh đạo của riêng họ vào Chủ nhật này.

“Poroshenko và chính phủ của ông ấy sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc hoàn thành nhiệm vụ gia nhập châu Âu”, Yuriy Romanenko, đến từ viện nghiên cứu chính trị Stratagema của Kiev cho biết. “Chiến tranh cũng sẽ tiếp diễn trong một thời gian dài. Sự bế tắc sẽ còn kéo dài vài năm nữa”.

Xoa dịu các tay súng

Nhà kinh tế học Christian Schulz của ngân hàng Đức Berenberg Bank cho biết, chính phủ mới của ông Poroshenko sẽ phải khởi động bằng cách “đàm phán về những thỏa hiệp không mấy được chờ đợi với các phần tử ly khai”, để khiến họ có một lý do nào đó đủ thuyết phục trong việc hạ vũ khí.

Chặng đường để Ukraine gia nhập EU còn rất gian nan
Chặng đường để Ukraine gia nhập EU còn rất gian nan

Schulz cho rằng, khả năng điều hành kém của những người Ukraine dân tộc chủ nghĩa cấp tiến đang phần nào giúp ích cho ông Poroshenko. Nhưng ông cũng chỉ ra rằng, quan điểm không rõ ràng của Nga và nỗi lo sợ Mátxcơva đang kích động một cuộc “xung đột đóng băng” tại khu vực trung tâm công nghiệp then chốt ở miền Đông, có thể khiến Ukraine tiếp tục nghèo đói và bất ổn trong tương lai gần.

“Mátxcơva đã tuyên bố rằng họ sẽ chấp nhận kết quả bầu cử quốc hội – nhưng cũng cả với kết quả cuộc bầu cử tại các khu vực Donetsk và Lugansk vào ngày 2/11 này”, nhà kinh tế Đức cảnh báo.

Cơ quan tư vấn Capital Economic tại London thì cho biết thêm rằng, những lãnh đạo ly khai nói tiếng Nga sẽ không dễ gì chấp nhận việc quốc hội ủng hộ quan điểm hướng về châu Âu, vốn là mục tiêu do những đối thủ không đội trời chung của họ ở khu vực phía Tây theo đuổi. “Việc các chính trị gia thân phương Tây đắc cử khó có khả năng xoa dịu những người ly khai ở miền Đông”, Capital Economic khẳng định.

Thuyết phục EU

Không chỉ gặp khó khăn trong việc ổn định tình hình trong nước, ông Poroshenko cũng sẽ không dễ dàng gì trong việc thuyết phục các lãnh đạo châu Âu. Trong ngày thứ Hai, nhiều nhà lãnh đạo đã thay nhau cam kết hợp tác với ban lãnh đạo mới của Ukraine.

Tuy nhiên không ít quan chức hàng đầu Kiev đã phải lặng lẽ lầm bầm rằng, những lời hứa hẹn đó vẫn chưa chuyển thành hành động, để giúp Kiev thoát ra khỏi tầm với của Mátxcơva.

Đầu năm nay, Ukraine đã ký một thỏa thuận lịch sử về mối quan hệ đối tác chặt chẽ hơn với EU. Chính việc đột ngột từ chối thỏa thuận này đã khiến người tiền nhiệm của ông Poroshenko bị phế truất, và khơi mào cho cuộc khủng hoảng hiện tại.

Nhưng ngay cả các chính phủ châu Âu – vốn đang mắc kẹt trong các khó khăn kinh tế, thậm chí gần suy thoái – đã quan ngại về ảnh hưởng chính trị của làn sóng lao động giá rẻ từ các quốc gia Đông Âu nghèo khó hơn, tự do di chuyển vào thị trường lao động nước mình, khiến tình hình việc làm thêm khó khăn.

Ukraine đến nay cũng đã nhiều lần không thể thực hiện những cam kết của mình trong việc ngăn chặn tình trạng tham nhũng, đang làm kiệt quệ ngân sách một quốc gia vốn lệ thuộc vào nguồn hỗ trợ từ nước ngoài, và khiến chính phủ Kiev không thể hoạch định những kế hoạch dài hạn.

Ông Poroshenko đã cam kết sẽ dẹp bỏ những trợ cấp có từ thời Liên Xô cũ, và khuyết khích cạnh tranh giữa các doanh nghiệp tư nhân, để đưa Ukraine gần hơn tới các tiêu chuẩn của phương Tây và sẵn sàng gia nhập EU.

Capital Economic tin tưởng rằng “với việc giành đa số ghế tại quốc hội, các nhà cải cách Ukraine sẽ có được “đèn xanh” để tiếp tục thực thi các chủ trương như giảm trợ cấp năng lượng, và hướng tới một chính sách tiền tệ theo định hướng lạm phát”.

Tuy nhiên, các nhà phân tích khác lại cho rằng, chính phủ và quốc hội Ukraine có vẻ đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài thất vọng quá lâu và không dễ đem niềm tin trở lại. “Việc liệu Ukraine có thể vượt lên khỏi quá khứ thường xuyên thông thể thực thi các chính sách kinh tế cùng những cải cách rộng rãi hơn hay không vẫn còn là một câu hỏi lớn”, ngân hàng đầu tư VTB Capital của Nga khẳng định.

Thanh Tùng
Theo AFP