1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tổng thống Trump "mất điểm" sau 2 phép thử quan trọng?

(Dân trí) - Căng thẳng leo thang với Triều Tiên và vụ đụng độ chết người tại bang Virginia là những phép thử quan trọng với Tổng thống thứ 45 của Mỹ, Donald Trump. Cách thức mà ông Trump xử lý các vụ việc này khiến nhiều người không ngạc nhiên, chí ít là những người theo dõi ông lâu nay.

Sau 7 tháng nhậm chức, những thách thức chính mà Tổng thống Mỹ Donal Trump phải đối mặt phần lớn đều do ông tạo ra. Các trợ lý của ông đã bất đồng và để rò rỉ thông tin cho báo chí. Những chính sách quan trọng như lệnh cấm nhập cư hay cấm người chuyển giới vào quân đội có vẻ được viết ra một cách tùy hứng. Dự luật chăm sóc sức khỏe mới bị Thượng viện bác bỏ khỏi chương trình nghị sự của quốc hội là do khâu chuẩn bị chưa tốt.

Tuy nhiên, những trở ngại kiểu này luôn xảy ra đối với mọi chính quyền và hầu hết có thể dự đoán được. Bản lĩnh cần thiết của một tổng thống Mỹ là năng lực phản ứng và xử lý các vấn đề không thể lường trước. Và trong tuần qua, Trump gặp phải hai thách thức như vậy.

Hỏa lực và cơn thịnh nộ


Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Khi Triều Tiên thử nghiệm thành công một tên lửa đạn đạo liên lục địa và được cho là đã thu nhỏ thành công đầu đạn hạt nhân, ông Trump phản ứng bằng lời lẽ quyết liệt hơn những người tiền nhiệm. Ông tuyên bố: Ông Kim Jong-un sẽ phải đối mặt với hỏa lực và cơn thịnh nộ mà thế giới chưa từng thấy” hay quân đội Mỹ “khóa mục tiêu” và chuẩn bị tấn công Triều Tiên nếu cần thiết.

Giới chính trị Mỹ lập tức có phản ứng sau bình luận trên, đa phần là chỉ trích. Thượng nghị sĩ John McCain, ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa năm 2008, nói: "Tôi không đồng tình với tuyên bố ​​như vậy. Nói được thì phải làm được. Các nhà lãnh đạo lớn sẽ không buông lời hăm doạ trừ khi họ muốn hành động, và tôi không chắc tổng thống Trump sẵn sàng làm vậy".

Nghị sĩ Chuck Schumer của cho rằng đó là cách nói "liều lĩnh", gợi nhớ đến kiểu phát ngôn gây hấn của ông Trump, vốn rất phổ biến thời kỳ vận động tranh cử.

Khi chưa trở thành tổng thống, ông Trump không ít lần bị công kích vì những phát biểu khiến các chính trị gia Mỹ “nhăn mặt”. Năm ngoái, ứng viên tổng thống năm 2012 Mitt Romney từng công khai so sánh tính khí ông Trump “không giống một nhà lãnh đạo ổn định và chu đáo”.

Cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton khi đó cũng bày tỏ quan điểm: “Sẽ ra sao nếu ông ấy không chỉ phát ngôn khiêu khích trên tài khoản Twitter của mình lúc nóng giận, mà còn làm thế với kho vũ khí của Mỹ? Chúng ta có muốn ông ấy phản ứng như vậy với mọi lời chỉ trích, dù là nhỏ nhất hay không”?

Cuộc biểu tình bạo lực ở Charlottesville


Đám đông biểu tình chống phong trào da trắng cực đoan tại bang Virginia (Ảnh: Reuters)

Đám đông biểu tình chống phong trào da trắng cực đoan tại bang Virginia (Ảnh: Reuters)

Thử thách thứ hai đến với Trump vào cuối tuần qua, khi một tuần hành mang hơi hướng phân biệt chủng tộc ở thành phố Charlottesville, Virginia, trở thành thảm kịch khi một chiếc xe lao thẳng vào đám đông đang di chuyển một cách ôn hòa.

Trên mạng xã hội và thông cáo báo chí, Tổng thống Mỹ đã từ chối bày tỏ thái độ trực tiếp với các nhóm cực đoan. Những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng đã hô khẩu hiệu chống lại các nhóm thiểu số, người Do Thái và người đồng tính trong cuộc tuần hành.

"Chúng ta lên án một cách mạnh mẽ nhất tất cả những biểu hiện hận thù, bạo lực và mù quáng", Trump nói. Ông nói thêm, là vấn đề đó "đã diễn ra trong một thời gian dài ở đất nước này. Không phải do Donald Trump, không phải do Barack Obama".

Phát biểu này cũng lập tức bị la ó từ những người chỉ trích.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Colorado Cory Gardner và Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio đã công khai chỉ trích ông Trump trên mạng xã hội Twitter: “Đất nước cần nghe tổng thống tuyên bố rõ ràng về những gì xảy ra tại Charlottesville, đó là sự khủng bố từ những kẻ tôn sùng thuyết da trắng thượng đẳng”.

Ngay cả trang mạng chính trị bảo thủ Drudge Report từng ủng hộ ông Trump nhiệt liệt hồi tranh cử cũng bày tỏ thất vọng với sự né tránh của Trump bằng tựa đề “Làm cho nước Mỹ thù ghét trở lại” (Make America hate again).

Dấu hiệu từ chiến dịch tranh cử

Ông Trump cũng gặp phải sự chỉ trích tương tự trong chiến dịch tranh cử.

Tháng 2/2016, Trump ban đầu đã từ chối bác bỏ sự ủng hộ của tổ chức phân biệt chủng tộc khét tiếng Ku Klux Klan (KKK) cũng như của chính trị gia phe Cộng hòa David Duke, cựu lãnh đạo KKK.

"Nếu ông Trump không thể lên án một tổ chức cực đoan như KKK, chúng tôi không thể tin tưởng ông ấy sẽ đứng lên nhân danh nước Mỹ để đối phó với Nga, Iran hay nhóm khủng bố ISIS", Thượng nghị sĩ da màu Tim Scott phát biểu.

Một tuần sau, ông Trump mới đưa ra tuyên bố lên án chính thức. Nhưng như thế đã là quá muộn và sự chậm chễ đã ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của ông.

Trở lại sự kiện ở thành phố Charlottesville, Nhà Trắng đưa ra một tuyên bố không ký tên vào Chủ Nhật, rằng "tất nhiên" Tổng thống chỉ trích tổ chức KKK và những người ủng hộ nó. Nhưng rõ ràng tốc độ phản ứng này vẫn hết sức chậm chạp. Nhìn chung là phát biểu của Tổng thống giống một "tín hiệu" cho những người ủng hộ thuyết da trắng thượng đẳng. "Rất tốt", một người đăng bình luận trên tờ báo cực đoan Neo-Nazi Daily Stormer. "Ông ấy không công kích gì chúng ta và chỉ nói là đất nước nên đoàn kết", người này viết.

Cách thức ông Trump xử lý vấn đề Triều Tiên và vụ Charlottesville thực ra đã được định hình bằng các phát ngôn và hành động của ông trong 2 năm qua. Với những người mong muốn ông thay đổi khi trở thành tổng thống Mỹ thì tuần vừa rồi tiếp tục là một sự thất vọng. Còn với những ai ủng hộ Trump, họ càng có cơ sở để tin rằng mình đã lựa chọn đúng nhân vật có thể đối ngoại cứng rắn và đối nội một cách "ba phải".

Tổng thống Trump đã bị thử thách, và những phản ứng của ông cho thấy nước Mỹ đang bị chia rẽ hơn bao giờ hết.

Đỗ Anh

Theo BBC