1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tính toán của chính quyền Trump khi đe dọa tấn công Syria

(Dân trí) - Chính quyền Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ phát lệnh tấn công Syria nếu phát hiện Damascus sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường. Tuy vậy, các chuyên gia nghi ngờ liệu mục đích thực sự của Washington có phải nhằm cứu giúp dân thường Syria hay không.

Hai tàu chiến Mỹ trên Địa Trung Hải ngày 7/4/207 đã dội 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria. (Ảnh: AFP)
Hai tàu chiến Mỹ trên Địa Trung Hải ngày 7/4/207 đã dội 59 tên lửa hành trình Tomahawk vào căn cứ không quân Shayrat của Syria. (Ảnh: AFP)

Mỹ và các đồng minh gần đây cảnh báo sẽ tiến hành các cuộc tấn công nhằm vào các lực lượng chính quyền Syria nếu phát hiện vũ khí hóa học được sử dụng tại tỉnh Idlib - thành trì cuối cùng của các phiến quân tại Syria. Thời báo phố Wall đưa tin các cuộc tấn công này có thể nhắm mục tiêu vào các lực lượng của Nga và Iran tại Idlib.

Trả lời phỏng vấn của đài Sputnik (Nga), James O’Neill, một luật sư tại Australia, nhấn mạnh rằng Mỹ và các nước phương Tây không có cơ sở pháp lý khi phát động các cuộc tấn công vào Syria. Ông James nhận định tình hình hiện nay ở Syria “cực kỳ nguy hiểm”.

“Tôi nghĩ tình hình cực kỳ nguy hiểm, không chỉ bởi những lời đe dọa tấn công nhằm vào các lực lượng Syria mà thực tế họ (phương Tây) không hề có căn cứ pháp lý khi làm vậy, mà còn bởi những nguy cơ nghiêm trọng nếu họ đối đầu với các lực lượng của Nga và Iran. Nga và Iran đã tuyên bố rõ ràng rằng họ sẽ không ngồi yên khi các lực lượng của họ bị tấn công và các binh sĩ của họ có thể bị thiệt mạng bởi các cuộc không kích của Mỹ”, ông James nói.

Theo luật sư James, tình hình càng trở nên nghiêm trọng khi những lời đe dọa tấn công do Mỹ và các nước phương Tây đưa ra dựa trên cáo buộc rằng chính quyền Syria sẽ “lại” sử dụng vũ khí hóa học, mặc dù những vụ việc tương tự từng xảy ra trước đây cho thấy các cáo buộc này hoàn toàn là giả mạo.

“Đó là những vụ tấn công hóa học do chính các nhóm khủng bố dàn dựng với mục đích cụ thể là tạo cớ để Mỹ, Anh, Pháp và bây giờ là cả Đức, can thiệp (vào Syria). Do vậy, tôi nghĩ tình hình hiện nay cực kỳ nguy hiểm”, ông James nhận định.

Trẻ em Syria được sơ tán sau các cuộc không kích (Ảnh: Sputnik)
Trẻ em Syria được sơ tán sau các cuộc không kích (Ảnh: Sputnik)

Theo Sputnik, có một số quan điểm hiện nay cho rằng Mỹ có ý định kéo dài cuộc chiến tại Syria. Luật sư James cho rằng chính Washington sẽ được “hưởng lợi” từ điều đó.

“Họ đã tuyên bố rõ ràng trong những ngày gần đây rằng họ chưa có ý định rời khỏi Syria. Họ đã đưa ra cảnh báo về việc các lực lượng của họ có thể bị tấn công, họ đã cho thấy rằng khi các nhóm phiến quân bị các lực lượng của Nga và các đồng minh Syria, Iran và Hezbollah tấn công, họ sẽ vào cuộc để bảo vệ những nhóm này. Vì thế tôi nghĩ người Mỹ không có ý định rời đi, họ luôn nuôi ý định ở lại. Mặc dù ý định đó mới bắt đầu rõ ràng trong những ngày gần đây, tuy nhiên không có ai bất ngờ vì điều đó”, luật sư James nhấn mạnh.

Khi được hỏi về “động cơ chính” của Mỹ khi can thiệp quân sự vào Syria, ông James đã liệt kê một loạt vấn đề từ kiểm soát các mỏ dầu cho tới kiềm chế ảnh hưởng của Nga.

“Dầu mỏ là động cơ chính, bao gồm việc kiểm soát các mỏ dầu, ngoài ra mục đích của họ còn là ngăn chặn tầm ảnh hưởng của Iran trong khu vực, kiềm chế tầm ảnh hưởng ngày càng tăng của Nga trong khu vực, đối phó với vai trò của Syria như một đối tác rất quan trọng và tiềm năng trong Sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, trong đó có một số tuyến đường sẽ chạy từ Syria tới châu Âu. Đó là sự tổng hòa của tất cả các động cơ vốn dựa trên các lợi ích của Mỹ”, luật sư James O’Neill nhấn mạnh.

Động cơ vũ khí hóa học

Những em nhỏ thở bằng bình oxy sau một vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma gần thủ đô Damascus của Syria hôm 7/4 (Ảnh: Getty)
Những em nhỏ thở bằng bình oxy sau một vụ tấn công được cho là bằng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma gần thủ đô Damascus của Syria hôm 7/4 (Ảnh: Getty)

Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố Mỹ có thể sẽ tấn công quân sự Syria nếu phát hiện chính quyền Damascus sử dụng vũ khí hóa học nhằm vào dân thường. Tuy nhiên theo nhà phân tích Alex Lockie của trang tin Business Insider, việc cứu giúp người dân Syria, những người đang phải hứng chịu các đợt ném bom liên tiếp từ các lực lượng quân sự, không phải là mục đích thực sự của Washington.

Vũ khí hóa học là nỗi kinh hoàng trong các cuộc giao tranh. Những dân thường trú ẩn bên dưới các căn hầm hoặc các boong-ke có thể chết nếu tiếp xúc với loại vũ khí này. Không giống các loại bom thông thường có thể nổ tung một máy bay hay tàu chiến, vũ khí hóa học ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của con người.

Mặc dù nguy hiểm như vậy nhưng các vụ tấn công bằng vũ khí hóa học chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong số lượng dân thường thiệt mạng tại Syria. Ngay cả khi chính quyền Trump thành công trong việc loại bỏ hoàn toàn vũ khí hóa học tại Syria, số thương vong của dân thường tại nước này cũng sẽ vẫn không giảm.

Nhà phân tích Alex Lockie cho rằng chính quyền Trump tấn công Syria không phải để bảo vệ dân thường Syria, mà nhằm gửi thông điệp tới Nga.

Nếu quân đội Mỹ thực sự muốn xóa sổ tận gốc vũ khí hóa học mà họ nghi ngờ đang nằm trong tay của chính quyền Syria, Washington có thể xác định chính xác đơn vị không quân nào thuộc lực lượng quân đội Syria đã phát tán vũ khí hóa học. Sau đó, Mỹ có thể tìm ra nơi các đơn vị này đồn trú và hủy diệt ngay trong đêm để “dằn mặt”.

Tuy nhiên, trong các cuộc không kích hồi tháng 4 năm ngoái và tháng 4 năm nay nhằm vào Syria, quân đội Mỹ chỉ nhắm mục tiêu tới các đường băng quân sự và các cơ sở nghiên cứu hoàn toàn có khả năng phục hồi được sau khi bị tấn công tại Syria. Khi không kích Syria, Mỹ dường như cố ý chọn những địa điểm không làm tổn hại tới các lực lượng của Nga để tránh leo thang căng thẳng và tạo nguy cơ đối đầu trực diện giữa hai lực lượng quân sự hàng đầu thế giới.

Mục đích của các cuộc không kích là nhằm phát đi một thông điệp tới Nga, rằng Mỹ sẽ không dễ dàng bị loại ra khỏi “ván cờ” Syria. Đây cũng là cách để Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo, dù là ít ỏi, của mình trong cuộc khủng hoảng tại Syria, đồng thời duy trì ảnh hưởng còn sót lại khi cuộc chiến tại Syria sắp đến hồi kết.

Thành Đạt

Tổng hợp