1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tình báo Thụy Điển: Không có tín hiệu cầu cứu của Nga trong vụ lùng tàu lạ

(Dân trí) - Một nguồn tin trong Cơ quan tình báo tín hiệu Thụy Điển (SIGINT) cho hay không có cuộc gọi cấp cứu nào của Nga, sau cuộc truy lùng tàu ngầm quy mô lớn của quân đội Thụy Điển, vốn tiêu tốn 2,8 triệu USD chỉ trong 1 tuần.

Tàu hải quân Thụy Điển tham gia tìm kiếm tàu ngầm lạ.
Tàu hải quân Thụy Điển tham gia tìm kiếm tàu ngầm lạ.

Các báo cáo về một cuộc gọi cầu cứu của Nga và một bức ảnh mờ nhạt là bằng chứng để Thụy Điển triển khai hải quân hôm 17/10, trong khi truyền thông đưa tin rằng một tàu ngầm được cho là của Nga đang xâm nhập vùng biển ngoài khơi Stockholm.

Bằng chứng được Thụy Điển đưa ra là tình báo quân sự nước này đã chặn được một cuộc gọi cầu cứu giữa một tàu ngầm và căn cứu tại Kaliningrad.

Nhưng nhật báo Dagens Nyheter mới đây trích dẫn một nguồn tin từ Cơ quan tình báo tín hiệu Thụy Điển (SIGINT) thừa nhận rằng không có cuộc gọi bị nạn nào.

Theo tờ báo, SIGINT không biết gì về các cuộc gọi khẩn cấp và cũng không phát hiện liên lạc với Kaliningrad vào thời điểm đó.

"Cuộc gọi cầu cứu là không xảy ra, thông tin này là không chính xác", tờ báo trích dẫn một nguồn tin cho hay.

Chiến dịch của hải quân Thụy Điển, làm gợi nhớ thời Chiến tranh Lạnh, khi các tàu chiến Thụy Điển tuần tra Biển Baltic để tìm kiếm các tàu ngầm Liên Xô.

Trong cuộc tìm kiếm, nhiều người đã nhớ lại vụ việc năm 1981, khi một tàu ngầm Nga bị mắc kẹt gần Karlskrona, một căn cứ quan trọng của hải quân Thụy Điển.

Nga đã phủ nhận chuyện điều tàu ngầm tới do thám Thụy Điển hoặc một tàu ngầm nước này gặp trục trặc trong vùng biển Thụy Điển. Các nguồn tin trong quân đội Nga cho rằng bắt nguồn từ việc phát hiện một tàu ngầm Na Uy tham gia một cuộc tập trận của NATO tại Biển Baltic.

Các nỗ lực của hải quân Thụy Điển nhằm tìm kiếm tàu ngầm lạ đã tiêu tốn 2,2 triệu euro (2,8 triệu USD) trong một tuần.

Chiến dịch này là lớn nhất trong nhiều thập niên tại một quốc gia nơi chi tiêu quân sự chiếm 1% GDP và bị cắt giảm đều đặn trong các năm do khó khăn kinh tế tại châu Âu.

Theo dự thảo ngân sách mới nhất được công bố sau chiến dịch quân sự trên, Thụy Điển có kế hoạch tăng chi tiêu quân sự lên 93,7 triệu USD vào năm 2015.

An Bình
Theo RT