1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tiêu chuẩn của NATO: Patriot thì được, Iskander-M không

Trong khi liên tiếp chỉ trích Nga triển khai Iskander-M thì NATO không ngần ngại công khai kế hoạch đưa hệ thống tên lửa Patriot áp sát Nga.

NATO phản ứng

Hôm 9/5, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã chỉ trích hoạt động tăng cường quân sự của Nga tại Baltic, đặc biệt là việc Moskva triển khai hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M tại Kaliningrad - nơi được coi là trái tim của châu Âu.

Mỹ cho rằng việc Nga triển khai các tên lửa đạn đạo Iskander-M ở gần biên giới các nước Baltic là "việc làm mất ổn định" khu vực. Phát biểu trước truyền thông khi đang có mặt tại Lithuania, Bộ trưởng Mattis cáo buộc: "Bất kỳ hoạt động tăng cường nào như vậy đều gây mất ổn định."

Ngay trước đó, NATO cũng đã có phản ứng đầu tiên của mình sau khi Nga úp mở việc triển khai cố định hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander-M tại Kaliningrad.

Hệ thống Iskander-M tại Kaliningrad.
Hệ thống Iskander-M tại Kaliningrad.

Tuyên bố với hãng thông tấn Sputnik của Nga, Phó Tổng Thư ký của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bà Rose Gottemoeller cho biết, phương Tây coi việc Nga triển khai tên lửa đạn đạo tại Kaliningrad là mối đe dọa thực sự đối với an ninh của mình.

"Không ai tranh luận với thực tế vùng Kaliningrad là lãnh thổ của Nga. Nhưng việc triển khai các hệ thống tên lửa Iskander là một bằng chứng về xu hướng quân sự hóa và tăng cường kiểm soát… vùng không phận. Nhiều thành viên trong Liên minh là láng giềng của Nga coi đó là một mối đe dọa đối với an ninh của nước mình", bà Gottemoeller nói.

Không chỉ phản đối Iskander-M, phương Tây còn yêu cầu Nga rút ngay lập tức vũ khí đó khỏi vùng lãnh thổ hải ngoại này. Tuy nhiên, khi trả lời trước truyền thông quốc tế, Thư ký báo chí Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov tuyên bố, Nga không thể đưa các tên lửa Iskander-M ra khỏi tỉnh Kaliningrad trong khi các tên lửa của NATO vẫn còn hiện diện tại Đông Âu.

"Không thể đơn giản thu dọn những tên lửa này ra khỏi Kaliningrad, tôi không biết liệu những kế hoạch xây dựng tổ hợp phòng thủ tên lửa chống Nga ở lục địa châu Âu có được hủy bỏ hay không", ông Peskov nhấn mạnh.

Tuyên bố của ông Peskov được coi là lời khẳng định rằng sẽ không có chuyện Nga rút tên lửa đạn đạo Iskander-M. Theo nhận định của nhiều chuyên gia quân sự, việc Mỹ và NATO phản ứng trước Iskander-M là bởi sự nguy hiểm của vũ khí này. Đặc biệt, tên lửa đạn đạo này có thể mang cả đầu đạn thông thường cũng như đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn 500 km.

Như vậy, từ St, Peterburg, tên lửa có thể tiêu diệt các mục tiêu ở Cận Baltic và phía Đông Ba Lan, nếu triển khai từ lãnh thổ Belarus – sẽ tiêu diệt các mục tiêu ở vùng trung tâm Ba Lan, từ Kaliningrad – tiêu diệt các mục tiêu ở Đức.

Tên lửa Iskander từ lãnh thổ Nga không bắn được tới Romania, nơi Mỹ vừa kích hoạt lá chắn tên lửa với thành phần là các tên lửa đánh chặn SM3. Muốn làm điều đó phải sử dụng tàu mang tên lửa hoặc không quân. Tuy nhiên, Moskva không có nhu cầu đó bởi vì đằng nào lá chắn tên lửa của Mỹ cũng sẽ không thể đánh chặn các tên lửa này.

Patriot áp sát Nga

Trong khi phản đối Iskander-M và yêu cầu Nga rút lên lửa này khỏi Kaliningrad, phương Tây cũng đồng thời công bố kế hoạch đưa hệ thống tên lửa phòng không Patriot đến Baltic.

Theo AP, Mỹ đang cân nhắc triển khai một khẩu đội tên lửa Patriot tới khu vực Baltic nhằm phục vụ các cuộc tập trận của NATO vào mùa Hè này, mặc dù động thái đó sẽ chỉ là tạm thời.

Phát biểu với các phóng viên tại Vilnius tối 9/5, Tổng thống Litva Dalia Grybauskaite, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis từ chối bình luận về khả năng triển khai thường trực tên lửa Patriot tại Litva.

Ông chủ Lầu Năm Góc tuyên bố mọi quyết định liên quan sẽ được thực hiện trên cơ sở tham vấn với Chính phủ Litva, đồng thời nhấn mạnh sự triển khai quân sự của NATO trong khu vực chỉ mang mục đích phòng thủ.

Về phần mình, Tổng thống Grybauskaite cho hay Vilnius cần "tất cả các phương tiện phòng thủ và đánh chặn cần thiết" và Litva cần thảo luận cụ thể hơn để quyết định các phương tiện cụ thể đó là gì. Bộ trưởng Mattis đang có mặt ở Litva để thăm một nhóm binh sỹ Đức, Hà Lan và Bỉ đang huấn luyện tại một cơ sở huấn luyện gần thủ đô Vilnius.

Động thái trên diễn ra trong bối cảnh căng thẳng không ngừng leo thang với Nga, nước sẽ tổ chức các cuộc tập trận quy mô lớn tại Belarus và tỉnh Kaliningrad của Nga vào tháng 9 tới.

Moskva chưa công bố số lượng binh sĩ sẽ tham gia vào cuộc tập trận, song truyền thông phương Tây đồn đoán con số có thể lên tới 100.000 quân và chương trình diễn tập sẽ bao gồm cả huấn luyện vũ khí hạt nhân.

NATO cho rằng các cuộc tập trận của Nga là mối đe dọa đối với khối này, trong khi Moskva bác bỏ mọi cáo buộc và tuyên bố chính sự hiện diện của liên minh do Mỹ dẫn đầu tại khu vực mới đang đe dọa ổn định ở Đông Âu.

Theo Ngoại trưởng Sergei Lavrov, việc Nga chuyển giao các hệ thống tên lửa Iskander tới Kaliningrad chỉ nhằm mục đích tự vệ trước hành động gây hấn của phương Tây.

Theo Tuấn Vũ

Đất Việt