1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tiết lộ kế hoạch dự phòng của Mỹ trong trường hợp xung đột với Trung Quốc

(Dân trí) - Mỹ sẽ tận dụng lại các căn cứ dự phòng ở Thái Bình Dương để đề phòng trường hợp các căn cứ chính ở khu vực trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng tên lửa nếu xảy ra đối đầu với Trung Quốc.

(Ảnh minh họa: National Interest)
(Ảnh minh họa: National Interest)

Các căn cứ không quân của Mỹ ở Thái Bình Dương không còn an toàn trước nguy cơ một cuộc tấn công bằng tên lửa nếu xảy ra xung đột với Trung Quốc. Theo một tài liệu của Tổng công ty RAND (tổ chức cố vấn cho Lầu Năm Góc), trong trường hợp xấu nhất, các cuộc tấn công với độ chính xác ngày càng cao, quy mô ngày càng lớn sẽ gây tổn thất lớn cho các căn cứ không quân của Mỹ”. Căn cứ không quân Kadena của Mỹ ở Okinawa (Nhật Bản) sẽ là mục tiêu thiệt hại lớn nhất do ở cự ly tương đối gần.

Trong khi đó, hồi tháng 9/2015, Trung Quốc đã trình làng tên lửa đạn đạo DF-26 có thể tấn công căn cứ Andersen ở đảo Guam, cách Trung Quốc đại lục gần 4.800km. Andersen và Kadena là 2 trong số các căn cứ quân sự lớn nhất và quan trọng nhất của Mỹ ở nước ngoài.

Tinian, một đảo nhỏ gần đảo Guam, từ đó nổi lên là một trong những vị trí được Không quân Mỹ lựa chọn để đặt căn cứ dự phòng. Hôm 10/2, Không quân Mỹ chính thức tuyên bố lựa chọn Tinian làm địa điểm chuyển hướng trong trường hợp tiếp cận sân bay Andersen, hay các địa điểm khác ở tây Thái Bình Dương bị hạn chế hoặc không thể tiếp cận.

Trong đề xuất ngân sách tài khóa 2017, Lầu Năm Góc đã đề xuất 9 triệu USD để mua hơn 7 hecta đất để phục vụ các hoạt động chuyển hướng và sáng kiến tập trận ở khu vực này, tờ Saipan Tribune cho biết. Trong thời bình, căn cứ không quân Tinian mở rộng có thể cho phép đồn trú 12 máy bay tiếp dầu và các nhân viên hỗ trợ phục vụ hoạt động chuyển hướng, theo Không quân Mỹ. Hiện tại Tinian là một đảo yên bình mặc dù trong giai đoạn Thế chiến thứ hai, sân bay Tinian là một trong những căn cứ quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương.

Ban đầu, Không quân Mỹ muốn chọn Saipan - một khu vực rất gần đảo Tinian nhưng với dân số nhiều hơn gấp 15 lần và có sân bay, cảng biển lớn hơn - để đặt căn cứ không quân. Tuy nhiên, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối của các nhà hoạt động ở địa phương do ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống kinh tế xã hội của cộng đồng xung quanh, trang tin Stars and Stripes cho biết. Hơn nữa, sân bay tại đây đã quá đông đúc, người dân địa phương không muốn mỗi năm có hàng trăm binh sỹ bay tới đây để tập trận.

Trong thời kỳ Chiến tranh lạnh, Mỹ phân bố rải rác các căn cứ không quân để hạn chế rủi ro từ các cuộc tấn công tên lửa từ Liên Xô. Tuy nhiên, đến những năm 1990, khi mối đe dọa này không còn và lại thêm ảnh hưởng do cắt giảm ngân sách, Mỹ chỉ tập trung vào các căn cứ lớn.

Minh Phương

Theo National Interest