1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tiết lộ 3 vấn đề Ngoại trưởng Mỹ đưa lên bàn đàm phán với Triều Tiên

(Dân trí) - Trong cuộc đàm phán gần đây nhất về tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân với Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã đưa ra 3 vấn đề để đàm phán với Triều Tiên. Tuy nhiên, nhà ngoại giao Mỹ đã không nhận được phản hồi từ Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters)

Korea Times trích lời nghị sĩ Roh Hoe-chan thuộc đảng Công lý Hàn Quốc cho biết, trong cuộc gặp với phía Triều Tiên hồi tháng 7 tại Bình Nhưỡng, ông Pompeo đã đưa lên bàn đàm phán 3 vấn đề cho phía Triều Tiên bao gồm văn bản về toàn bộ kho vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng, lịch trình giải trừ chương trình hạt nhân và lời hứa chưa được thực hiện của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều hôm 12/6.

Tuy nhiên, theo ông Roh, phía Triều Tiên đã không có phản hồi về những nội dung mà Ngoại trưởng Pompeo đặt ra. Nghị sĩ này cho biết ông được quyền Thứ trưởng phụ trách các vấn đề chính trị Mỹ Stephen Mull thông báo về thông tin trên.

“Tôi cho rằng Triều Tiên đã trả lời rằng họ muốn các bên nên thực hiện các bước tiến nhằm giúp xây dựng niềm tin lẫn nhau, ví dụ như việc tuyên bố chấm dứt cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953”, ông Roh nhận định.

Theo ông Pompeo, cuộc thương lượng mới nhất với Triều Tiên khá hiệu quả, nhưng 2 bên còn nhiều việc phải làm nhằm đi đến mục tiêu phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

“Lời hứa chưa được thực hiện của ông Kim” trong phát biểu của ông Roh có thể là cam kết mà nhà lãnh đạo Triều Tiên đã đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh rằng Bình Nhưỡng sẽ phá hủy bãi thử động cơ tên lửa ở phía Bắc nước này. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã từng đề cập tới vấn đề trên trước đó.

Cuộc chiến tranh Triều Tiên đã tạm dừng năm 1953 với hiệp định ngừng bắn, không phải là hiệp ước hòa bình, khiến 2 miền bán đảo vẫn đang trong tình trạng chiến tranh về mặt kỹ thuật.

Cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo Triều Tiên hồi tháng 6 đã đi đến cam kết của 2 bên về việc cùng nỗ lực nhằm phi hạt nhân hóa hoàn toàn khu vực và Mỹ phải đảm bảo an ninh cho Triều Tiên.

Sau hội nghị thượng đỉnh, ông Trump tuyên bố mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên đã không còn nữa. Tuy nhiên, giới truyền thông đã trích một số nguồn tin tình báo Mỹ nghi ngờ Triều Tiên vẫn đang có dấu hiệu mở rộng các cơ sở tên lửa và hạt nhân.

Đức Hoàng

Theo Korea Herald