1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thực tế hỗn loạn, tương lai "vùng an toàn" Syria ra sao?

Sự đồng thuận giữa Nga và Mỹ cùng các bên liên quan giúp mang lại cơ hội để thỏa thuận về các "vùng an toàn" được hiệu quả sau khi khá hỗn loạn trong mấy ngày qua.

Thỏa thuận về các "vùng an toàn" tại Syria chính thức có hiệu lực từ ngày 6/5, được đánh giá là cơ hội để giúp giảm tình trạng bạo lực kéo dài ở Syria.

Thỏa thuận lần này nhận được sự đồng thuận của hầu hết các nước tham chiến ở khu vực, theo đó trong khu vực “vùng an toàn” sẽ tạm ngừng các hoạt động chiến đấu. Phía Nga, Mỹ, Syria cùng các lực lượng khác tập trung duy trì thỏa thuận mới này.

Tình hình xấu đi trong “vùng an toàn” ở Syria
Tình hình xấu đi trong “vùng an toàn” ở Syria

Tuy nhiên thực tế trong những ngày qua tình hình trong “vùng an toàn” khá hỗn loạn và thậm chí tiếp tục xấu đi. Phần lớn các cuộc chiến giữa các lực lượng không những không dừng lại mà thậm chí còn căng thẳng hơn, thỏa thuận ngừng bắn với các nhóm lực lượng, đa số không được thực hiện triệt để.

Đặc biệt trong khi các lực lượng khác ngừng bắn thì liên minh khủng bố Hayat Tahrir al-Sham vốn không được chú ý tới đã kiểm soát phần lớn các mặt trận quân sự của lực lượng đối lập.

Theo thỏa thuận duy trì “vùng an toàn”, trong khu vực này cần có các lực lượng quốc tế để bảo đảm ổn định tình hình. Và thực tế ở tỉnh Deraa trong khu vực do khủng bố kiểm soát đã xuất hiện các cố vấn quân sự, các đội thuộc lực lượng đặc biệt của Mỹ được chuyển đến từ hướng Jordan.

Trên khu vực biên giới giữa Syria và Jordan tập trung lực lượng lớn với khoảng 8.000 binh sĩ cùng với 300-400 xe tăng và xe bọc thép.

Trong khi đó ở tỉnh Idlib trong khu vực kiểm soát bởi các chiến binh, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ được tăng cường. Ở phía nam tỉnh Aleppo tiếp tục diễn ra các trận chiến giữa lực lượng liên minh Thổ Nhĩ Kỳ với lực lượng người Kurd.

Hành động này của Thổ Nhĩ Kỳ khiến Hoa Kỳ không hài lòng nhưng trong tình hình hiện nay họ không thể làm được gì. Chính quyền Donald Trump đã tuyên bố rằng, lực lượng người Kurd thuộc lực lượng dân chủ Syria có thể tấn công vào Raqqa.

Trong khi đó chiến sự ở các tỉnh Deraa, Homs và Latakia đã giảm bớt, đối lập lại với tình hình ở các khu vực khác có các cuộc tấn công tiếp tục diễn ra, có thể do quân đội Syria, cũng có thể do khủng bố IS. Những hành động này hoàn toàn đi trái với các thỏa thuận trong “vùng an toàn”.

Đặc biệt ở tỉnh Hama kể từ sau khi thỏa thuận về “vùng an toàn” có hiệu lực, từ 7/5 đến 9/5 pháo binh và không quân quân đội chính phủ Syria đã tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công vào vị trí các chiến binh khủng bố Hayat Tahrir al-Sham ở khu vực thị trấn Latamna, Kafr Zita, Morek, Kafr Naboodah.

Đáng chú ý các cuộc tấn công chỉ có không quân Syria tham gia, còn Lực lượng Hàng không vũ trụ Nga rất ít thực hiện các cuộc không kích vì tương lai của “vùng an toàn”.

Việc Nga thực hiện các thỏa thuận giảm cường độ không kích đã cho phép khủng bố IS tiến hành phản công tấn công vào làng Zelakiyat thuộc quyền kiểm soát của lực lượng đối lập.

Ở phía đông Guta thuộc tỉnh Damascus các tay súng thuộc nhóm “quân đội Hồi giáo” đã tấn công lực lượng quân đội chính phủ ở Beit Nae vào ngày 9/5. Trong khi đó các chiến binh lữ đoàn Quân đội tự do Syria (FSA) đã bắt đầu cuộc tấn công lớn ở phía đông nam của Damascus, tấn công cùng một lúc quận Bir al-Saba, Zaza và trạm kiểm soát Baghdad. Ngoài ra ở phía nam Damascus quân đội phong tỏa khu vực Kabun và Tishrin.

Ở phía tây Aleppo cũng không hề yên tĩnh. Ban ngày gần như không có tiếng súng, nhưng tối và đêm các cuộc đọ súng diễn ra liên tục. Ở khu vực này gần như chưa có sự xuất hiện của lực lượng quốc tế duy trì thỏa thuận “vùng an toàn”, khu vực này hiện phần lớn được kiểm soát bởi các lực lượng khủng bố Hayat Tahrir al-Sham.

Trước đó thỏa thuận thành lập “vùng an toàn” là kết quả sau hai ngày họp của các bên liên quan tại thủ đô Astana, Kazakhstan dưới sự bảo trợ của Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

“Vùng an toàn” ở Syria đóng cửa đối với các máy bay của liên quân do Mỹ đứng đầu, quân đội Nga cũng ngừng ném bom các khu vực được xác định là vùng an toàn theo thỏa thuận với Iran và Thổ Nhĩ Kỳ.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cũng có cuộc điện đàm, thảo luận về các nỗ lực cần thiết nhằm giảm căng thẳng tại Syria, thực hiện nghiêm túc lệnh ngừng bắn, tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống khủng bố, thúc đẩy hoạt động phối hợp của các nước trong tiến trình đàm phán giữa các bên tại Syria.

Sự đồng thuận lớn giữa Nga và Mỹ cùng các bên liên quan như Thổ Nhĩ Kỳ hay Iran giúp mang lại cơ hội lớn để thỏa thuận được thực thi một cách hiệu quả.

Thỏa thuận lần này cũng có sự khác biệt so với một số lệnh ngừng bắn đã đạt được trước đó, là các bên nhất trí về khả năng có các lực lượng bên ngoài giám sát lệnh ngừng bắn. Phía Nga cho biết nước này có thể cử quan sát viên và hợp tác với các nước khác để đảm bảo thỏa thuận được thực thi.

Theo Nguyễn Giang

Đất Việt