1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Thực dụng thắng thế

Với 5 triệu công dân và hàng tỉ USD tiền đầu tư ở nước ngoài cần được bảo vệ, Trung Quốc đang xem xét lại chính sách không can thiệp vào chuyện xảy ra tại quốc gia khác.

Bắc Kinh lâu nay thường cho nước ngoài vay tiền kèm theo điều kiện công ty của mình được ký hợp đồng làm ăn ở đó. Những năm gần đây, nhiều công dân Trung Quốc tham gia các dự án xây đê đập, đường ống dẫn dầu khí, đường sá... tại những điểm nóng như Nam Sudan, Yemen, Pakistan...

Vì thế, khi những nơi này có chuyện, Trung Quốc buộc phải can thiệp để bảo vệ hoặc giải cứu họ, đi ngược lại chính sách “không can thiệp vào công việc nội bộ quốc gia khác” mà nước này theo đuổi 60 năm qua và từng lấy làm lý do để từ chối ủng hộ các biện pháp trừng phạt Nga hoặc Syria của cộng đồng quốc tế.

Ông Jonas Parello-Plesner, một nhà ngoại giao tại Đại sứ quán Đan Mạch ở Washington, cho rằng một số nước hiện có quá nhiều công dân Trung Quốc sinh sống và làm việc nên Bắc Kinh buộc phải có những tính toán chiến lược rộng lớn hơn. Nói như tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (Hồng Kông) thì chủ nghĩa thực dụng đang “thắng thế” so với những gì được xem là tư tưởng lâu nay trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.

Đơn cử, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần rồi đã tiếp thủ lĩnh đối lập Myanmar Aung San Suu Kyi ở Bắc Kinh để đặt nền tảng cho việc cải thiện quan hệ song phương trước thềm cuộc bầu cử ở nước láng giềng này vào tháng 11 tới. Ngoài ra, có tin Trung Quốc tổ chức các cuộc hòa đàm giữa đại diện chính phủ Afghanistan và Taliban. Hồi tháng 4 vừa qua, tàu hải quân Trung Quốc còn đến Yemen để giải cứu công dân mình và người nước ngoài.

 

Tàu Trung Quốc cập cảng Aden hồi tháng 4 để sơ tán công dân mình và người nước ngoài khỏi Yemen.

Tàu Trung Quốc cập cảng Aden hồi tháng 4 để sơ tán công dân mình và người nước ngoài khỏi Yemen.

Trong bối cảnh dự án “Con đường tơ lụa” đang được Bắc Kinh tích cực xúc tiến, sự hiện diện của công ty Trung Quốc ở nước ngoài sẽ còn được mở rộng nhiều hơn trước. Điều này buộc quốc gia đông dân nhất thế giới phải có cách tiếp cận chủ động hơn, bất chấp nguy cơ bị lôi kéo vào những cuộc xung đột hoặc thế đối đầu với Mỹ.

“Chính sách đối ngoại của Trung Quốc đang đảm nhận vai trò lớn hơn trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. “Con đường tơ lụa” về bản chất đem lại rất nhiều thay đổi về chính sách đối ngoại nhưng chúng tôi vẫn biết rất ít về những triển vọng của nó” - ông Bàng Trung Anh, Viện trưởng Học viện Các vấn đề quốc tế tại Trường ĐH Tôn Dật Tiên ở TP Quảng Châu, nói.

Tuy nhiên, đây cũng là cớ để Bắc Kinh tăng cường tiềm lực quân sự nhằm phô trương sức mạnh ở nước ngoài, đồng thời thách thức sự thống trị trật tự kinh tế, chiến lược toàn cầu của Mỹ trong nhiều thập kỷ qua. Vì thế, theo hãng tin Bloomberg, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đang tranh luận xem nên đối phó sự trỗi dậy này như thế nào.

“Trung Quốc có thể không công khai từ bỏ nguyên tắc không can thiệp nhưng họ sẽ linh hoạt hơn trong việc áp dụng - hoặc không áp dụng - nguyên tắc này” - ông Alexander Sullivan, một chuyên gia tại Trung tâm An ninh Mỹ mới ở Washington, nhận định.
Theo Phương Võ
Người Lao động