1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Thái Lan: Ít nguy cơ quân đội “nhúng tay” đảo chính tiếp

(Dân trí) - Thủ tướng Thái Lan hôm nay 11/12 tự tin cho rằng quân đội sẽ không tiến hành một cuộc đảo chính lần nữa nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay tại vương quốc này, mặc dù trong lịch sử họ đã nhiều lần “ra tay”.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.
Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra.

 

Nữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra cho rằng những người đã tiến hành cuộc đảo chính lật đổ anh trai Thaksin của bà 7 năm về trước đã nhận ra rằng đảo chính “không giải quyết được vấn đề”.

 

“Tôi nghĩ quân đội sẽ không làm thế một lần nữa”, bà cho biết với các phóng viên nước ngoài tại Bangkok.

 

Quân đội và tòa án từng "dính" tới đảo chính

 

Cuộc đảo chính năm 2006 đã kéo theo nhiều năm bất ổn chính trị và đôi khi là các cuộc biểu tình bạo lực trên đường phố, với hàng chục người ủng hộ ông Thaksin thiệt mạng trong một cuộc truy quét của quân đội tại trung tâm Bangkok 3 năm về trước, khi Thái Lan nằm dưới sự điều hành của chính phủ tiền nhiệm bà Yingluck.

 

Thái Lan đã trải qua tổng cộng 18 cuộc đảo chính cả thành công lẫn bất thành kể từ khi nước này thành lập chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932.

 

Những người biểu tình phản đối chính phủ hiện nay đã kêu gọi quân đội ra tay giúp họ lật đổ chính phủ được bầu của bà Yingluck.

 

Nhưng ngoài phái một số binh sỹ không vũ trang giúp bảo vệ các tòa nhà chính phủ, các tướng lĩnh Thái Lan cho tới nay vẫn tránh dùng bạo lực với các cuộc biểu tình hiện nay.

 

Tướng quân đội Prayut Chan-O-Cha tuần trước tuyên bố vấn đề hiện nay cần phải được “giải quyết bằng chính trị”.

 

Các tòa án Thái Lan cũng đã có lịch sử can thiệp vào chính trị, giải tán các đảng phái và cấm các lãnh đạo đảng hoạt động. Một số quan sát viên tin rằng những cáo buộc tham nhũng chống đảng cầm quyền hiện nay có thể là cơ sở cho cuộc “đảo chính bằng tư pháp” một lần nữa.

 

Tuy nhiên, bà Yingluck tự tin rằng đảng của bà có thể tự bảo toàn trước bất kỳ cáo buộc nào.

 

Thủ tướng Yingluck đã đối mặt với biểu tình của phe đối lập suốt nhiều tuần qua, nhằm đòi thay thế chính phủ của bà bằng một “hội đồng nhân dân” không cần bầu cử và nhằm đưa Thái Lan thoát khỏi ảnh hưởng của ông Thaksin.

 

Giới phê bình cho rằng ông Thaksin chính là người điều khiển chính phủ của em gái ông từ Dubai, nơi ông đang sống lưu vong.

 

Thủ tướng Yingluck chưa quyết định tái tranh cử

 

Trong nỗ lực làm giảm căng thẳng, bà Yingluck hôm thứ hai vừa qua đã kêu gọi bầu cử sớm và ấn định ngày bầu cử vào 2/2 tới.

 

Hôm nay bà cho biết bà chưa quyết định có chạy đua tranh cử lần nữa hay không.

 

Xung đột chính trị tại Thái Lan chủ yếu là giữa một bên là tầng lớp trung lưu sống ở Bangkok cùng những người giàu có có liên hệ với hoàng gia, được quân đội ủng hộ và một bên là tầng lớp lao động trung thành với ông Thaksin.

 

Các đảng phái đồng minh của ông trùm truyền thông này đã giành chiến thắng trong mọi cuộc bầu cử từ năm 2001, mà gần đây nhất là chiến thắng áp đảo của đảng Puea Thai của bà Yingluck vào năm 2011.

 

Nữ Thủ tướng Thái chỉ trích những người biểu tình chống chính phủ đã phớt lờ tiếng nói của những người ở vùng nông thôn ủng hộ bà. “Tôi đến từ 16 triệu lá phiếu bầu của người dân nhưng không ai lắng nghe họ”, bà tuyên bố.
 
Hôm nay, phe "áo đỏ" ủng hộ ông Thaksin cho biết sẵn sàng xuống đường để bảo vệ chính phủ trong lúc phe đối lập kêu gọi bắt giữ Thủ tướng Yingluck Shinawatra. Ông Jatuporn Promphan, thủ lĩnh phe ủng hộ chính phủ, còn gọi là phe "áo đỏ", tập hợp trong khuôn khổ Mặt trận dân tộc thống nhất vì dân chủ và chống chế độ độc tài – UDD, đã đưa ra lời cảnh cáo là họ sẵn sàng xuống đường.

 

Vũ Quý

Theo AFP