1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long xúc động tại lễ tang cha

(Dân trí) - Phát biểu mở đầu lễ tang cấp nhà nước của cha mình, ông Lý Quang Diệu, thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã không khỏi xúc động khi nói đến sự quan tâm mà cha mình dành cho 3 anh em, ngay cả khi họ đã trưởng thành.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long xúc động khi phát biểu tại lễ tang cha (Ảnh: Strait Times)
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long xúc động khi phát biểu tại lễ tang cha (Ảnh: Strait Times)

Mở đầu bài điếu văn, ông Lý Hiển Long khẳng định “đây là một tuần đen tối với Singapore”.

“Ánh sáng đã dẫn dắt chúng ta suốt bao năm qua đã tắt. Chúng ta đã mất người cha sáng lập đất nước ông Lý Quang Diệu, người đã sống và hít thở Singapore suốt cả đời mình. Ông và các đồng chí của mình đã dẫn dắt thế hệ tiên phong của chúng ta tạo ra quốc đảo này, Singapore”, vị thủ tướng Singapore khẳng định.

Ông Lý khẳng định, cha mình từ nhỏ không được định hướng theo con đường chính trị, bởi thực ra ông nội của ông Lý Quang Diệu đã muốn ông trở thành một quý ông tại Anh. Tuy nhiên, hoàn cảnh thời cuộc đã khiến ông Lý và các bạn bè mình quyết định “không ai dù là người Nhật hay người Anh có quyền xô đẩy, đá chúng ta từ chỗ này sang chỗ khác”.

Nhắc lại việc phải chia tách khỏi Malaysia là “khoảnh khắc đau đớn” với cha mình, ông Lý Hiển Long khẳng định đây chính là điểm mấu chốt thay đổi vận mệnh Singapore.

Thay vì ngả theo cộng đồng người Hoa chiếm số đông, nhà lãnh đạo Singapore khi đó đã quyết định đi theo “một giấc mơ cao quý hơn về một đất nước đa sắc tộc, đa tôn giáo”. “Đây không phải một đất nước thuộc về bất kỳ cộng đồng nào; nó thuộc về toàn thể chúng ta”, ông Lý Hiển Long nhắc lại lời cha mình.

Từ tro tàn của cuộc chia tách, ông Lý đã xây dựng quân đội Singapore, từ một lực lượng gồm vỏn vẹn 2 tiểu đoàn bộ binh và một con tàu gỗ nhỏ, thành một lực lượng được đào tạo bài bản, trang bị tốt và được nể trọng. Ông thuyết phục người Singapore đưa con mình gia nhập quân đội bằng cách nêu gương, khi đưa hai con trai mình nhập ngũ.

“Trên hết, Lý Quang Diệu là một chiến binh. Trong các cuộc khủng hoảng, khi mọi điều đều có vẻ vô vọng, ông vẫn dữ dội, đầy nhiệt huyết, vững vàng trong các quyết định và kiên định đi theo lập trường của mình”, ông Lý khẳng định.

Ông Lý Hiển Long cũng cung cấp thêm những ví dụ rất cụ thể, cho thấy cha mình là người luôn nghĩ cho những người dân bình thường nhất, như tài xế taxi, khi thúc ép chính phủ quan tâm đến đời sống của họ khi dịch SARS bùng phát năm 2003, vốn khiến khách du lịch ít đi lại hơn.

Sự quan tâm dành cho người dân Singapore lớn đến mức, khi ông Lý Quang Diệu tham gia một buổi học thiền, và được giáo viên đề nghị tĩnh tâm, thả lỏng cơ thể, vị cố thủ tướng lập tức hỏi: “Vậy điều gì sẽ xảy ra với Singapore nếu tôi thả lỏng?”, ông Lý Hiển Long nhớ lại.

Theo vị thủ tướng, một trong những di sản lớn nhất mà cha mình để lại đó là chuẩn bị cho Singapore sẵn sàng tiến lên dù không có mình. “Ông tin rằng nhiệm vụ khó khăn nhất của một nhà lãnh đạo là tìm được người kế nhiệm”.

“Chúng ta đều đã mất đi một người cha. Cùng nhau, chúng ta chịu một nỗi đau như thể một con người, một quốc gia. Chúng ta đều đau buồn. Nhưng trong sự đau buồn, chúng ta đã cho thấy mặt tốt đẹp nhất của đất nước Singapore mà ông Lý sáng lập”, ông Lý Hiển Long nói.

“Chúng ta tụ tập lại không chỉ để than khóc. Cùng nhau, chúng ta ăn mừng cuộc sống vẹn trọn và trường thọ của ông Lý Quang Diệu, và những gì ông đã gặt hái được cùng chúng ta, những người dân của ông tại Singapore. Hãy cùng nhau tiếp tục xây dựng đất nước tuyệt vời này.

Hãy cũng nhau biến quốc đảo này thành một đô thị vĩ đại phản ánh những ý tưởng ông ấy đã vì nó mà chiến đấu, hiện thực hóa những giấc mơ được ông truyền cảm hứng và sự đáng giá của đời sống những người đã khiến Singapore trở thành nhà và đất nước của chúng ta”, vị thủ tướng Singapore chốt lại.

Xem clip


Thanh Tùng
Theo CNA