1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Thủ tướng Singapore dự đoán các viễn cảnh của châu Á trong 20 năm tới

(Dân trí) - Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã dự đoán 2 viễn cảnh mà châu Á có thể đối mặt trong 2 năm tới: một là hòa bình và thịnh vượng khi các quốc gia hợp tác cùng nhau để thúc đẩy lợi ích chung, và hai là một châu Á bị chia rẽ bởi các căng thẳng và tranh chấp lãnh thổ.

Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
 
Phát biểu tại Hội nghị Nikkei ở Tokyo (Nhật Bản) ngày 22/5, ông Lý Hiển Long đã nhấn mạnh tới việc mối tương tác giữa 3 nước lớn - Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc - sẽ định hình tương lai khu vực châu Á-Thái Bình Dương như thế nào trong 20 năm tới.

Theo ông Lý, Mỹ sẽ vẫn là siêu cường của thế giới vào năm 2034, trong khi Nhật Bản “sẽ vẫn là một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, với sức mạnh to lớn trong lĩnh vực khoa học và giáo dục”. Nhưng “thay đổi lớn nhất tại châu Á trong 20 năm tới sẽ là sự gia tăng sức mạnh và ảnh hưởng của Trung Quốc”.

Viễn cảnh 1: Một châu Á hòa bình, đoàn kết

Thủ tướng Singapore cho rằng bối cảnh chiến lược mới tại châu Á sẽ phụ thuộc vào việc 3 cường quốc Mỹ-Trung-Nhật tương tác với nhau như thế nào. Nếu quan hệ Mỹ-Trung mạnh lên và nền kinh tế Nhật phục hồi, khu vực sẽ được hưởng lợi từ hòa bình và sự ổn định.

“Một viễn cảnh là châu Á vẫn hòa bình, và các quốc gia hợp tác cùng nhau để thúc đẩy các lợi ích chung, trong khi cạnh tranh hòa bình với nhau”, ông Lý Hiển Long nói.

“Một môi trường chiến lược ổn định sẽ giúp thúc đẩy hợp tác kinh tế khu vực. Sự phụ thuộc lẫn nhau lớn hơn về kinh tế sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của tất cả mọi người và đóng góp vào một khu vực hòa bình trong một vòng quay hạnh phúc”, ông Lý dự đoán.

Ở viễn cảnh này, các thành viên của ASEAN sẽ “tăng cường sự hợp tác và liên kết” và vẫn là "một khối trung lập hiệu quả để các cường quốc hợp tác với nhau".

Viễn cảnh 2: Một châu Á bất đồng, chia rẽ

Nếu sự phát triển nhanh chóng của Trung Quốc tạo ra sự mất căng bằng trong khu vực và trục Mỹ-Trung, châu Á “sẽ chứng kiến một viễn cảnh kém tốt đẹp hơn”, mà nổi bật là các tranh chấp lãnh thổ và tinh thần dân tộc chủ nghĩa, Thủ tướng Singapore nhận định, viện dẫn các tranh chấp biển ở Hoa Đông và Biển Đông làm ví dụ.

Trong viễn cảnh này các quốc gia ASEAN sẽ buộc phải lựa chọn các bên và Đông Nam Á sẽ trở thành “chiến trường” cho những mâu thuẫn giữa các cường quốc.

“Một môi trường chiến lược như vậy chắc chắn sẽ kéo lùi hợp tác kinh tế. Sẽ có nhiều tranh chấp thương mại, cuộc chiến tiền tệ và chủ nghĩa bảo hộ ăn miếng trả miếng. Kết quả là có ít sự quan tâm chia sẻ trong thành công của người khác, mâu thuẫn và tranh chấp nhiều hơn và ít sự kiềm chế đối với các quốc gia nếu mọi thứ đi lệch hướng”, ông Lý phát biểu tại Tokyo.

“Các bên đều tổn thất trong một viễn cảnh như vậy”.

Các nhân tố chính

Theo ông Lý, có 2 nhân tố quan trọng sẽ đóng phần lớn trong việc xác định tương lai của khu vực trong 2 thập tiên tới. Trước hết là quan hệ Mỹ-Trung - mối quan hệ song phương quan trọng nhất thế giới nhưng cũng có thể dễ dàng vượt qua khỏi sự kiểm soát nếu một mâu thuẫn leo thang thành bạo lực.

Thứ hai là tình trạng bất ổn trên bán đảo Triều Tiên.

“Hiện trạng nhiều khả năng sẽ không thay đổi, với các căng thẳng thỉnh thoảng vẫn xảy ra nhưng hi vọng không có chiến tranh. Nhưng dù là không có thiến tranh, sự thất bại trong việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn gây ra một nguy cơ không ngừng".

Kết thúc bài phát biểu, ông Lý đã gọi 20 năm tới là một "cơ hội lịch sử" cho châu Á.

“Tôi miêu tả những viễn cảnh này để giúp chúng ta nhìn thấy mọi việc có thể tiến triển như thế nào. Tôi không dự đoán những điều sẽ xảy ra nhưng miêu tả những điều có thể xảy ra.

Bất kể động lực nào quyết định nền chính trị và các chính sách của các quốc gia, chúng ta đều chia sẻ một lợi ích chung trong hòa bình và sự thịnh vượng tại châu Á. Tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều phải có nghĩa vụ biến viễn cảnh này thành hiện thực”, ông Lee nhấn mạnh.

An Bình
Theo CNA