1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Ấn Độ: Nhật-Ấn sẽ định hình châu Á thế kỷ 21

(Dân trí) - Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và người đồng cấp Nhật Shinzo Abe ngày 1/9 đã nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng và an ninh, trong bối cảnh nền kinh tế lớn thứ 2 và thứ 3 châu Á đề phòng một Trung Quốc đang mạnh lên.

Lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản hội đàm thượng đỉnh tại Tokyo ngày 1/9.
Lãnh đạo Ấn Độ, Nhật Bản hội đàm thượng đỉnh tại Tokyo ngày 1/9.
 
Ông Modi và ông Abe hôm qua đã có cuộc hội đàm thượng đỉnh tại thủ đô Tokyo trong khuôn khổ chuyến công du Nhật Bản kéo dài 5 ngày của Thủ tướng Ấn Độ.
 
Hai nhà lãnh đạo đã cam kết đưa quan hệ song phương lên "cấp độ mới", trong một cuộc gặp thượng đỉnh tràn đầy cam kết về một mối quan hệ mà hi vọng có thể làm đối trọng với Trung Quốc.

"Thế giới biết rằng thế kỷ 21 là thế kỷ của châu Á", ông Modi nói trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Abe. "Nhưng hình thù và chất lượng của nó vẫn chưa rõ. Điều đó sẽ được quyết định bởi cách thức Ấn Độ và Nhật Bản hợp tác ra sao. Tôi nghĩ mối quan hệ của chúng ta đang tiến tới một cấp độ mới".

Về phần mình, ông Abe cũng ca ngợi mối quan hệ mà ông nói là "tiềm năng nhất thế giới".

"Từ hôm nay trở đi, Thủ tướng Modi và tôi sẽ hợp tác chặt chẽ để thúc đẩy mạnh mẽ mối quan hệ trên tất cả các lĩnh vực và nâng quan hệ giữa hai nước lên đối tác toàn cầu và chiến lược đặc biệt", Thủ tướng Nhật nói.

Trong cuộc hội đàm, ông Abe và người đồng cấp Modi đã nhất trí đẩy nhanh các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân, hoan nghênh điều mà họ gọi là "tiến bộ quan trọng" trong các cuộc đàm phán.

Hai nhà lãnh đạo còn nhất trí đẩy nhanh đàm phán về khả năng Tokyo bán các thủy phi cơ cho hải quân Ấn Độ. Đây có thể là vụ bán thiết bị quân sự ra nước ngoài đầu tiên của Nhật trong gần 50 năm qua.

Ông Abe và ông Modi cũng nhất trí tăng cường quan hệ quốc phòng, an ninh và ông Modi hoan nghênh việc Nhật Bản nới lỏng các giới hạn về xuất khẩu công nghệ và thiết bị quốc phòng.

Hai nhà lãnh đạo đã nhất trí tổ chức các cuộc tập trận hải quân thường niên, và rằng Nhật sẽ tiếp tục tham gia các cuộc tập trận Mỹ-Ấn.

Về kinh tế, ông Abe và ông Modi cũng đặt mục tiêu tăng gấp đôi đầu tư trực tiếp của Nhật vào Ấn Độ trong vòng 5 năm.

Chuyến thăm Nhật Bản là chuyến công du nước ngoài quan trọng đầu tiên của ông Modi kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 5.

Chuyến thăm được xem là một nỗ lực của 2 nền dân chủ nhằm đối trọng với sức nặng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên khắp châu Á.

An Bình
Theo AFP