1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thủ tướng Abe: ngày vui ngắn chẳng tày gang?

(Dân trí) - Với hình thức bảnh bao và dòng dõi chính trị tuyệt hảo, mùa thu 2006, ông Shinzo Abe đã được chọn làm thủ tướng Nhật Bản, trở thành vị thủ tướng đầu tiên sinh sau Thế chiến II tại đất nước mặt trời mọc. Mọi sự tưởng như sẽ xuôi chèo mát mái với ông Abe, nhưng…

…ngày vui ngắn chẳng tày gang. Chưa đầy một năm sau khi lên lãnh đạo Nhật Bản, tỷ lệ ủng hộ ông Abe đã tụt từ trên 60% xuống chỉ còn 28%.

 

 Họa vô đơn chí

 

Việc Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Fumio Kyuma từ chức hôm 3/7 vừa rồi do "xảy miệng" làm một cú đấm bồi nặng nề đối với uy tín của ông Abe, đẩy ông này vào một tình thế vô cùng khó khăn và đặt tương lại chính trị của ông vào thế chông chênh hơn bao giờ hết.

 

Bởi ngay trước khi nổ ra vụ huyên náo này, ông Abe cũng đã phải "ăn đòn đủ" vì các cộng sự của mình. Chưa hết vụ Bộ trưởng Cải cách và trưởng ban Chính sách Thuế phải từ chức vì liên quan tới bê bối tài chính, lại đến vụ Bộ trưởng Nông nghiệp treo cổ tự vẫn sau khi khi bị cáo buộc liên quan trong các vụ biển thủ tiền tài trợ và gian lận phiếu, rồi đến việc Bộ trưởng Y tế buột miệng gọi phụ nữ Nhật là "máy đẻ".

 

Tương lai mờ mịt

 

Tất cả những vụ việc này đang khiến giới phân tích đặt dấu hỏi về việc ông Abe còn thể cầm quyền được trong bao lâu, đặt biệt trong bối cảnh khi cuộc bầu cử Thượng viện Nhật Bản đang đến gần và kết quả các cuộc thăm dò dư luận gần đây cho thấy đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền của ông có nguy cơ bị thất bại trong cuộc bầu cử này.

 

Học giả Tetsuro Kato, giáo sư môn chính trị tại trường Đại học Hitotsubashi ở Tokyo, nói: "Trọng tâm lúc này đã đổi thành việc liên minh cầm quyền sẽ bị thất bại nặng nề như thế nào trong cuộc bầu cử Thượng viện. Chính quyền của ông Abe đã bị dồn vào tận chân tường và bị mất lòng tin, đặc biệt sau khi chính quyền này thừa nhận đã sai lầm trong vấn đề đánh mất 50 triệu hồ sơ tiền đóng góp lương hưu của người dân".

 

Liệu có phải ông Abe sắp phải ra đi, quay lại truyền thống thay thủ tướng như thay áo ở Nhật, và nếu mất kiểm soát tại Thượng viện thì ông có buộc phải từ chức hay không?

 

Thất bại trong cuộc bầu cử Thượng viện vào ngày 29/7 tới dĩ nhiên chưa phải khiến ông Abe trả giá bằng sự nghiệp của mình vì liên minh do LDP đứng đầu hiện vẫn chiếm một đa số áp đảo tại Hạ viện có nhiều quyền hành hơn.

 

Thế nhưng trong quá khứ, lãnh đạo LDP sau khi thua trận tại bầu cử Thượng viện cũng chịu thất bại nặng nề ở các mặt khác.

 

Bởi việc mất quyền kiểm soát tại Thượng viện sẽ không chỉ gây khó khăn cho thủ tướng mà còn gây khó khăn cho Quốc hội trong việc thông qua các điều luật cần thiết. Điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới lòng tin của mọi người dành cho thủ tướng. Nói nôm na, nó có thể sẽ dẫn đến tình trạng ngừng trệ về luật pháp và gây thiệt hại cho chính LDP vì đảng này sẽ khó mà thúc đẩy nghị trình chính trị của mình.

 

Giáo sư Kato của trường Đại học Hitotsubashi nói: "Nếu liên minh do LDP đứng đầu bị thua đậm trong cuộc bầu cử Thượng viện tới, chức vụ thủ tướng của ông Abe có thể bị đe dọa".

 

Theo các nhà phân tích, trong trường hợp ông Abe phải từ chức, người có khả năng lên thay ông có thể là Ngoại trưởng Taro Aso, người bị thất cử trong cuộc chạy đua vào cương vị lãnh đạo LDP trong năm 2006.

 

Kiến Văn