1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thứ trưởng Ngoại giao kể chuyện Phó Tổng thống Mỹ "lẩy" Kiều

(Dân trí) - "Lãnh đạo cấp cao Mỹ thường đề cập đến thành tố văn hóa Việt khi nói về quan hệ hai nước, vì vậy, mỗi lần nghe họ phát biểu, tôi thường chờ đợi xem điều gì sẽ được nhắc tới. Lần này, khi nghe Phó Tổng thống Biden đọc thơ Kiều, cả khán phòng đều rất hồ hởi...".

Chia sẻ với phóng viên Dân trí về những ấn tượng sâu sắc đối với chuyến thăm Hoa Kỳ của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc cho biết, một trong những điều đọng lại trong ông chính là thái độ trân trọng của phía Hoa Kỳ với Tổng Bí thư và đoàn cấp cao Việt Nam. Việc Phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đọc thơ Kiều tại bữa tiệc trưa chào đón Tổng Bí thư là một sự kiện vô cùng thú vị, tăng thêm nét đặc sắc trong giao thoa văn hóa giữa hai quốc gia.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim
Ngọc trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí (Ảnh:

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim Ngọc trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí (Ảnh: Nam Hằng)

Là một thành viên trực tiếp tham gia phục vụ Đoàn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ vừa qua, xin Thứ trưởng có thể chia sẻ những ấn tượng sâu sắc nhất của ông về các hoạt động của chuyến thăm?

Cái đọng lại với tôi là thái độ trân trọng của phía Hoa Kỳ, từ chính quyền, quốc hội, các doanh nghiệp, học giả, các tầng lớp xã hội và cả cộng đồng người Việt tại đây dành cho Tổng Bí thư.

Tôi nghĩ rằng điều này hoàn toàn không thể có được nếu không có những nỗ lực rất lớn từ hai phía để vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, xây dựng cơ sở nền tảng cho phát triển quan hệ. Tổng thống Obama đã tiếp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng, đây là một là một biệt lệ, thể hiện sự tôn trọng với phía Việt Nam.

Tôi cũng rất ấn tượng trước sự đón tiếp của cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ và Canada với Tổng Bí thư và đoàn đại biểu cấp cao. Khoảng 200 kiều bào đã tham dự cuộc gặp mặt ở New York. Gặp nhau, những người con đất Việt đã cùng hòa chung bài hát “Nối vòng tay lớn”.

Cuộc trò chuyện với kiều bào của Tổng Bí thư rất nhiều lần bị ngắt quãng bởi các tràng vỗ tay tán thưởng hồi lâu từ phía bà con. Thông điệp lớn nhất mà Tổng Bí thư truyền tải với bà con kiều bào là đoàn kết hòa hợp dân tộc giữa người Việt Nam ở trong nước và với người Việt Nam ở nước ngoài nói chung và ở Hoa Kỳ nói riêng.

Nhiều bà con chia sẻ tình cảm, niềm xúc động trước sự quan tâm mà lãnh đạo đảng và nhà nước dành cho cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ, cũng như bày tỏ sự phấn khởi vì trong tuyên bố chung lần này đánh giá cao đóng góp của họ.

Các kiều bào tại Hoa Kỳ cũng rất quan tâm đến tình hình Biển Đông và tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của đảng và nhà nước ta trong việc xử lý vấn đề này để góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định, duy trì quan hệ với các nước liên quan.

Ấn tượng nữa của tôi là hình ảnh của Tổng Bí thư trong chuyến thăm lần đầu tiên tới Hoa Kỳ. Đó là một hình ảnh đẹp, đàng hoàng, đĩnh đạc, nhưng bình dị, gần gũi nhân văn và sâu sắc. Tôi nghĩ là đó là hình ảnh tiêu biểu cho một đất nước Việt Nam đổi mới, hội nhập với tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm.

Với quá trình làm việc lâu năm liên quan đến quan hệ hai nước, nên tôi hay nhìn ngược lại lịch sử. Tôi thấy chuyến thăm này là sự tiếp nối hành trình mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi. Tháng 12/1912 khi Bác Hồ bắt đầu đặt chân trên đất Hoa Kỳ trên hành trình tìm đường cứu nước và sau đó khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Bác luôn đau đáu suy nghĩ có tầm chiến lược là làm sao để Việt Nam-Hoa Kỳ là bạn bè có quan hệ hợp tác đầy đủ.

Theo tôi, chuyến đi của Tổng Bí thư là sự tiếp nối con đường này và đánh dấu một chương sử bình thường hóa quan hệ hai nước theo hướng hợp tác đầy đủ cũng như mở ra chặng đường mới trong hợp tác Việt Nam-Hoa Kỳ như Bác Hồ mong đợi.

Tại bữa tiệc chiêu đãi ở Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 7/7, Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ngẫu hứng đọc hai câu thơ trong Truyện Kiều để nói về quan hệ Việt-Mỹ. Ông có cảm tưởng gì khi nghe một quan chức cấp cao của Mỹ đọc thơ Việt Nam như vậy?

Việc Phó Tổng thống Biden tổ chức bữa tiệc trưa hôm đó thực chất là một cuộc gặp rộng rãi của mọi tầng lớp ở Hoa Kỳ, những con người hàng chục năm qua đã đóng góp vào tiến trình bình thường hóa. Đối với tôi đó là một cuộc gặp hết sức xúc động. Tôi đã gặp lại những gương mặt mà mình đã từng hợp tác và làm việc trong mấy chục làm qua, kể cả những lúc chúng tôi tranh luận gắt, trong đó có nhiều nghị sĩ quốc hội, quan chức chính quyền, học giả, doanh nghiệp và nhiều người Việt Nam.

Trong không khí ấm cúng và hữu nghị, câu thơ Kiều của Phó Tổng thống Biden đã gây tượng rất đặc biệt: "Trời còn để có hôm nay; Tan sương đầu ngõ vén mây giữa trời”.

Nguyễn Du và Truyện Kiều là cái gì đó đã ăn sâu vào máu thịt người Việt Nam. Khi nghe Phó Tổng thống Biden đọc Kiều, mọi người trong khán phòng đều rất hồ hởi bởi sự thú vị, và sâu xa hơn cả là sự giao thoa văn hóa sâu sắc giữa hai quốc gia.

Theo như tôi thấy, trong nhiều bài phát biểu về quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, các lãnh đạo Hoa Kỳ từ tổng thống Clinton, Bush hay trong các nội dung hội đàm, bao giờ các cố vấn tham mưu cũng đề cập đến thành tố văn hóa Việt, giúp tạo một sự gần gũi tương đồng giữa hai nước.

Trong chuyến thăm đầu tiên đến Việt Nam vào tháng 11/2000, tại bữa tiệc khoản đãi quốc khách ở Phủ Chủ tịch, Tổng thống Bill Clinton đã dùng hai câu thơ của Nguyễn Du trong Đoạn Trường Tân Thanh (Truyện Kiều) để diễn tả về sự thay đổi của vạn vật qua bốn mùa rồi từ đó chuyển sang ý tưởng thời cuộc và quan hệ bang giao giữa hai nước: “Sen tàn cúc lại nở hoa; Sầu dài ngày ngắn, đông đà sang xuân.

Mỗi lần nghe các lãnh đạo cấp cao Hoa Kỳ phát biểu về quan hệ hai nước, tôi thường chờ đợi xem thành tố văn hóa Việt Nam nào sẽ được đề cập và lần này cũng là thơ Kiều.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hà Kim
Ngọc trả lời phỏng vấn phóng viên Dân trí (Ảnh:

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden nâng ly cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong tiệc chiêu đãi ngày 7/7 (Ảnh: Getty)

Ông có cho rằng việc đề cập đến yếu tố văn hóa trong bài phát biểu của các lãnh đạo cấp cao Hoa Kỳ là nét đặc biệt hơn so với các quốc gia khác?

Trong quan hệ với các nước khác, yếu tố văn hóa cũng rất quan trọng và được thể hiện trên nhiều phương diện khác nhau, còn riêng với Hoa Kỳ, đó là nét đặc sắc. Việc đưa các yếu tố văn hóa, đặc biệt là thơ trong Truyện Kiều, thể hiện một nét tương đồng trong suy nghĩ tình cảm của hai dân tộc.

Chúng ta có 2 triệu người Việt ở Hoa Kỳ và lãnh đạo Hoa Kỳ cũng có nhiều trợ lý là người Việt, đó cũng tạo điều kiện thuận lợi cho sự giao thoa và tương tác văn hóa giữa hai quốc gia.

Phát biểu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng dẫn một câu của cựu Tổng thống Mỹ Theodore Roosevel rằng, "Khi bạn nghĩ điều đó có thể đã đạt được 50%".

Nhìn lại chặng đường phát triển của quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ sau 20 năm bình thường hóa quan hệ? Theo thứ trưởng, đâu là thành tựu đáng mừng nhất và điều gì hai nước đã đặt ra, mong muốn mà chưa thực hiện được?

Sự tiến triển trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ thực sự là rất nhanh chóng, vượt qua cả sự tưởng tượng khi hai nước từ cựu thù trở thành bạn bè và rồi đến đối tác toàn diện.

Theo tôi, việc hai nước xác lập được quan hệ đối tác toàn diện năm 7/2013 là thành tựu quan trọng nhất trong chặng đường vừa qua và đang hướng tới đưa quan hệ song phương lên tầng nấc cao hơn, lâu dài hơn với phương châm "Gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai".

Đây là niềm vui và tự hào của những người đã chứng kiến và quan tâm đến quá trình bình thường hóa hai nước cho đến nay.

Tôi nghĩ rằng bất cứ mối quan hệ song phương nào giữa hai quốc gia cũng luôn xuất hiện những trở ngại. Với Hoa Kỳ đó là những khác biệt về dân chủ nhân quyền, tôn giáo; hay một số vấn đề khác liên quan đến kinh tế thương mại như việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường hay còn chưa dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam cũng như vẫn áp dụng một số rào cản thương mại với hàng xuất khẩu của chúng ta.

Vấn đề hội chứng Việt Nam ở Mỹ và hội chứng Mỹ ở Việt Nam vẫn còn tồn tại. Theo tôi, điều này là tất yếu của lịch sử khi hai nước đã trải qua một quá khứ rất khắc nghiệt và đau thương. Để khắc phục điều này cần nỗ lực rất lớn của lãnh đạo và nhân dân hai nước.

Chúng ta có thể vui mừng và tự hào về những bước tiến mạnh mẽ trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nhưng chặng đường phía trước luôn có những thách thức, chúng ta không được hài lòng, thỏa mãn với những gì đang có mà phải nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy hơn quan hệ phục vụ công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Xin trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Nam Hằng (thực hiện)