1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thoả thuận quân sự Mỹ - Trung có lợi cho Washington

Thực lực quân sự của Bắc Kinh hiện nay chưa đủ sức đối trọng hoặc gây hấn với tất cả các đối thủ lớn, trên mọi phương diện mà nước này đang quan tâm. Đó là đánh giá của tác giả Evghenhi Krutikov trong một bài bình luận đăng trên trang Vz.ru (Nga) ngày 15/6. TG&VN xin lược trích giới thiệu cùng bạn đọc.

Thượng tướng TQ Phạm Trường Long (
Thượng tướng TQ Phạm Trường Long (phải) gặp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter.

Một trong những kết quả của chuyến thăm lịch sử đến Washington tuần trước của Thượng tướng Phạm Trường Long, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, là thoả thuận hợp tác quân sự Mỹ - Trung. Được đánh giá là thỏa thuận đầu tiên theo kiểu này trong những năm gần đây, bước đi nói trên cho phép hai bên giảm thiểu những hiểu lầm và tránh được những xung đột không mong muốn.

Tuy nhiên, sẽ là cách tư duy sai lầm khi gắn thoả thuận mang tính ngoại giao này với những căng thẳng trong quan hệ Trung – Mỹ vừa qua. Bởi lẽ, trong bất cứ bối cảnh chính trị nào, để chuẩn bị cho một thoả thuận tầm cỡ như văn bản vừa ký giữa Trung Quốc và Mỹ, hai bên đều cần đến sự chuẩn bị của nhiều chuyên gia trong vài năm và trải qua nhiều vòng đàm phán.

Bỏ qua yếu tố thần kỳ về kinh tế của Trung Quốc, thực lực quân sự của Bắc Kinh hiện nay chưa đủ sức đối trọng hoặc gây hấn với tất cả các đối thủ lớn, trên mọi phương diện mà nước này đang quan tâm, đặc biệt là hải quân và không quân. Tăng trưởng GDP của Trung Quốc đang được ca ngợi không phải là "cây đũa thần", bởi chỉ số này không phản ánh sự lớn mạnh của tiềm lực quân sự.

Có thể nói, thoả thuận quân sự Mỹ - Trung vừa đạt được chủ yếu có lợi cho Mỹ. Dù có sức mạnh vượt trội, Mỹ vẫn chưa sẵn sàng đối đầu quân sự trực tiếp với Trung Quốc. Thiết lập một kênh liên lạc trực tiếp là hết sức cần thiết cho cả Washington lẫn Bắc Kinh, qua đó cho phép hai bên tránh được các rủi ro hay va chạm không cần thiết. Thậm chí, trong tình huống máy bay của Mỹ bay vào không phận của Trung Quốc (kể cả khi máy bay Trung Quốc cất cánh cảnh báo) thì rủi ro va chạm vẫn có thể được loại bỏ.

Với Mỹ, việc triển khai một số chuyến bay tại khu vực Biển Đông có ý nghĩa tuyên truyền với cộng đồng quốc tế hơn là một hành động nhằm ổn định tình hình. Các chuyến bay vừa qua dường như mang tính biểu trưng cho uy lực của một cường quốc và là công cụ của chính sách toàn cầu mà Mỹ vẫn thường xuyên áp dụng.

Bên cạnh đó, trong thoả thuận Mỹ - Trung nói trên, không có một trách nhiệm nghĩa vụ dài hạn nào được nhắc đến và xem xét. Thoả thuận chỉ phần nào giải toả áp lực cho tất cả các nước trong bối cảnh mỗi chuyến bay quân sự, mỗi sự xuất hiện của tàu chiến trong khu vực đều gây phản ứng mạnh mẽ của các bên liên quan. Dù vậy, thỏa thuận này cũng phản ánh một tính toán chiến thuật của Trung Quốc trong bối cảnh căng thẳng hiện nay.

Theo Đồng Tâm (lược dịch)
Thế giới và Việt Nam