1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thổ Nhĩ Kỳ triệu hồi đại biện ở Anh về cáo buộc do thám

(Dân trí) - Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã triệu Đại biện lâm thời Anh tại nước này để yêu cầu làm rõ những cáo buộc nói rằng Anh đã do thám thư điện tử và cuộc điện của Bộ trưởng Tài chính Mehmet Simsek trong thời gian diễn ra Thượng đỉnh G-20 ở London năm 2009.

Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại London năm 2009.
Lãnh đạo các nước tham dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 tại London năm 2009.  

Một nhà ngoại giao giấu tên của nước này cho biết Bộ Ngoại giao đã triệu Đại biện lâm thời Anh để bày tỏ “quan ngại về những cáo buộc trên".

“Nếu báo cáo về việc chính phủ Anh đã nghe lén Bộ trưởng Tài chính Mehmet Simsek và phái đoàn của ông ấy tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 ở London năm 2009 là đúng sự thật, thì đây sẽ là vụ bê bối không thể chấp nhận được đối với Thổ Nhĩ Kỳ”, tuyên bố của Bộ Ngoại giao viết.

Cũng theo tuyên bố trên, “thực tế này đang đòi hỏi phải có phản ứng ngoại giao rõ ràng” và Ankara sẽ chờ "giải thích chính thức và thỏa đáng" từ London.

Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Simsek cho biết Thổ Nhĩ Kỳ sẽ lên án bằng “những ngôn từ mạnh mẽ nhất” và “có cá bước đi cần thiết” nếu những cáo buộc này được chứng minh.

Cùng ngày, Nam Phi cũng đề nghị chính phủ Anh "hành động rõ ràng và cương quyết" đối với những cáo buộc vi phạm này.

Thổ Nhĩ Kỳ và Nam Phi là hai nước đầu tiên đưa ra phản ứng chính thức về vấn đề này sau khi tờ Guardian của Anh số ra ngày 17/6 đưa tin London gián điệp nhiều đại biểu tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) năm 2009. Trong số những đại biểu bị nghe lén điện thoại và theo dõi thư điện tử có quan chức đến từ các nước Nam Phi, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.

Guardian cho biết thông tin trên được trích ra từ tài liệu do cựu điệp viên Cơ quan Tình báoTrung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden cung cấp. Trong đó có nêu chi tiết về cách thức giám sát bí mật của tình báo Anh đối với các quan chức dự Hội nghị thượng đỉnh G-20 cũng như Hội nghị Bộ trưởng Tài chính của nhóm này năm 2009. Việc giám sát được tiến hành theo chấp thuận của chính phủ Thủ tướng Gordon Brown.  

Tờ báo của Anh cũng nêu rõ việc giám sát được thực hiện một cách dễ dàng vì một số đại biểu G-20 đã vô tình sử dụng mạng Internet tại các quán cafe do các cơ quan tình báo Anh dựng lên.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Anh từ chối bình luận khi được hỏi về cáo buộc này, trong khi Công Đảng Anh vốn cầm quyền thời kỳ đó cũng chưa đưa ra bình luận chính thức.

Tin tức trên được đưa ra chỉ vài tiếng trước khi các nhà lãnh đạo Nhóm các nước phát triển (G-8), cũng đều là thành viên của G-20, bắt đầu cuộc gặp cấp cao kéo dài hai ngày ở Bắc Iceland thuộc Vương quốc Anh.

Vũ Anh
Theo AFP, Xinhua