1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế sự rối ren trên bán đảo Triều Tiên

(Dân trí) - Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên đang tăng nhiệt từng giờ với những diễn biến nóng đe dọa đẩy hai miền đến “miệng hố chiến tranh” bất cứ lúc nào. Nỗ lực đàm phán cũng đã được gấp rút tiến hành, song vẫn chưa thể tháo gỡ thế sự rối ren đang buộc chặt các bên.

 

 

Thế sự rối ren trên bán đảo Triều Tiên - 1

Bán đảo Triều Tiên đang cận kề miệng hố chiến tranh với những động thái căng thẳng từ cả Hàn Quốc và Triều Tiên (Ảnh: AP)

Sau các cuộc đàm phán marathon kéo dài suốt hai ngày cuối tuần, có lúc diễn ra thâu đêm, các nhà đàm phán Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn chưa thể thu hẹp bất đồng về cách thức giải quyết căng thẳng đang gia tăng, cũng như tương lai phát triển quan hệ liên Triều.

Sự bế tắc trên bàn đàm phán càng phủ bóng đen lên bán đảo Triều Tiên, khiến tình hình tại đây càng thêm đặc quánh không khí ngột ngạt, nhất là sau hàng loạt động thái “nắn gân” và điều chuyển quân của hai bên.

Cụ thể, với lý do ngăn chặn một cuộc xung đột tiềm tàng, Bình Nhưỡng đã tiến hành đợt điều động quân lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Triều Tiên (1950 - 1953) với việc triển khai 10 tàu đổ bộ chở lực lượng đặc nhiệm tới giới tuyến trên biển, tăng gấp đôi số các đơn vị pháo binh tại khu vực biên giới trên bộ và điều 50 trong tổng số 77 tàu ngầm rời khỏi các căn cứ quân sự trên biển Hoàng Hải và biển Nhật Bản.

Nhà lãnh đạo trẻ Triều Tiên Kim Jong-un còn ra lệnh cho quân đội sẵn sàng trước mọi cuộc tấn công. Hãng thông tấn Triều Tiên đe dọa Bình Nhưỡng sẽ “tiêu diệt kẻ thù chỉ trong một trận chiến”.

Về phần mình, phía Hàn Quốc cũng ra lệnh rút khẩn cấp 6 máy bay chiến đấu F-16D đang tham gia tập tập ở bang Alaska (Mỹ) để sẵn sàng ứng chiến nếu xảy ra chiến tranh.

Giới phân tích cho rằng tình thế “nước sôi, lửa bỏng” hiện nay đang đặt các nhà đàm phán cũng như lãnh đạo hai miền vào thế “đi trên dây”, và việc đạt được thỏa hiệp không khác nào “đưa voi qua khe cửa”.

“Đạt được thỏa hiệp thực sự là một điều rất khó khăn”, Giáo sư Yang Moo-Jin thuộc trường Đại học Nghiên cứu Triều Tiên nhận định.

Đây cũng là đánh giá của Dan Pinkston, một chuyên gia về Triều Tiên của Nhóm khủng hoảng quốc tế ở thủ đô Seoul.

Lý do mà các nhà phân tích đưa ra là không bên nào muốn “mất mặt” vào thời điểm hiện tại, khi Triều Tiên kiên quyết muốn nhân dịp này gây sức ép lên cuộc tập trận chung Mỹ - Hàn, còn Seoul thì cũng muốn qua đây để buộc Bắc Kinh lên tiếng trước chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Tổng thống Park Geun-hye.

“Hàn Quốc đang buộc Trung Quốc phải gây áp lực lên Triều Tiên. Phải nói rằng đây là một chiến thuật nguy hiểm bởi nó đẩy bán đảo Triều Tiên đến bờ vực chiến tranh”, ông Georgy Toloraya, người phụ trách chương trình Triều Tiên của Viện Kinh tế, đánh giá.

Tất nhiên, nếu xảy ra một cuộc xung đột trên bán đảo Triều Tiên, nó sẽ là thảm họa cho toàn khu vực.

“Nếu giữa Triều Tiên và Hàn Quốc xảy ra cuộc xung đột lớn thì đây sẽ là thảm họa đối với toàn bộ khu vực, kể cả khu vực Viễn Đông của Nga”, chuyên gia quân sự nổi tiếng của Nga Vasily Kashin nhận định.

Theo ông Kashin, mặc dù Triều Tiên không có lực lượng không quân, các đơn vị lục quân cũng không trong tình trạng tốt nhất, nhưng họ lại có lượng lớn pháo binh ở phía Bắc khu phi quân sự, cùng cơ số không nhỏ các loại tên lửa đạn đạo.

Ngoài ra, Triều Tiên còn có lực lượng bộ binh lớn, được đào tạo hoạt động rất tốt ở địa hình đồi núi và trong các công trình ngầm được bí mật xây dựng lâu nay.

“Triều Tiên có thể giáng một đòn nghiêm trọng vào các mục tiêu dân sự ở Hàn Quốc và Nhật Bản”, chuyên gia quân sự Nga mường tượng.

Tất nhiên sau đó, Mỹ, Hàn Quốc và cả Nhật Bản sẽ tấn công Triều Tiên. Họ sẽ nhanh chóng tiêu diệt được lực lượng không quân và hải quân của đối phương, đồng thời gây thiệt hại nặng nề cho phía Bình Nhưỡng, song các lực lượng của ba nước cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi phải di chuyển ở địa hình hiểm trở, thậm chí cả thương vong, khi vấp phải sự phản kháng của lực lượng bộ binh Triều Tiên vốn được đào tạo khá bài bản.

Cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên, khi đó, sẽ khó có thể kết thúc một cách chóng vánh, đặc biệt khi nó có thể sẽ cuốn theo cả Nga và Trung Quốc cùng can dự với những lý do địa chính trị khác nhau. Là hai nước láng giềng của Triều Tiên và cùng có những hiềm khích với Mỹ và Nhật Bản, Bắc Kinh và Mátxcơva không thể “khoanh tay đứng nhìn” các lực lượng và khí tài của Washington và Tokyo di chuyển đến sát đường biên giới của mình.

Đó là chưa kể, nếu chiến tranh bùng nổ, miền Bắc Trung Quốc và khu vực Primorye của Nga sẽ phải đối mặt với làn sóng tị nạn khổng lồ, châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng nhân đạo bao trùm toàn bộ Bắc Đông Á kéo dài trong nhiều năm.

Nghiêm trọng nhất là trong quá trình xung đột, nếu vũ khí hạt nhân và hóa học được sử dụng, hậu quả sẽ cực kỳ bi thảm.

Với những kịch bản tồi tệ được vẽ ra ở trên, có lẽ không một nhà lãnh đạo nào - dù là Triều Tiên, Hàn Quốc hay các bên liên quan - muốn đẩy tình hình đi quá xa. Có lẽ cũng bởi vậy, dù đã có hơn hai ngày đàm phán marathon và cánh cửa thỏa hiệp được cho là khá hẹp, song các nhà thương thuyết của Hàn Quốc và Triều Tiên vẫn sẵn sàng tham gia các trận “cân não” kế tiếp.

Người dân trên bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực và thế giới đang rất cần những trái tim nóng sưởi ấm cho những chiếc đầu lạnh để thế giới sẽ không phải chứng kiến một cuộc chiến tranh tương tàn tiếp theo vào thời điểm cả thế giới đang kỷ niệm 70 kết thúc Thế chiến II.

Đức Vũ