1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Thế khó của Mỹ ở Syria: Đi cũng dở, ở không xong

Mỹ rơi vào cảnh “đi cũng dở, ở không xong” tại Syria khi tình hình thực địa trở nên phức tạp và IS đang thừa cơ trỗi dậy tại quốc gia Trung Đông này.

Thế khó của Mỹ ở Syria: Đi cũng dở, ở không xong - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters

Tổng thống Mỹ Donald Trump muốn chấm dứt cái mà ông gọi là "những cuộc chiến bất tận" nhưng ông đang phải đối mặt với những chướng ngại không dễ vượt qua ở Syria bởi Mỹ đang trong tình thế "đi thì cũng dở mà ở không xong". Liên minh do Mỹ dẫn đầu và đồng minh của Washington tại Syria là lực lượng SDF tuyên bố đánh bại IS vào tháng 3/2019 song mối đe dọa từ tổ chức khủng bố này vẫn còn hiện hữu.

Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ cho biết nước này sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự vào phía đông Syria - nơi mà Mỹ và lực lượng người Kurd vẫn còn hiện diện - một động thái có nguy cơ gây bất ổn khu vực và kéo theo một làn sóng tị nạn mới.

Mỹ hiện diện ở Syria là để đánh bại IS. Tuy nhiên, dù IS đã bị đánh bại song Mỹ vẫn còn nhiều thách thức ở Syria từ Nga, Iran, Chính phủ Tổng thống Assad và cả Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh NATO của Washington. Đó còn chưa kể, Lầu Năm Góc gần đây đã cảnh báo, việc Mỹ rục rịch rút quân khỏi Syria đã khiến IS đang thừa cơ trỗi dậy.

“Đi cũng dở...

Mỹ đang rơi vào một tình thế "chênh vênh" bởi Washington hiểu nếu bỏ lại lực lượng SDF và giao lại phần phía đông Syria cho Thổ Nhĩ Kỳ, lực lượng SDF sẽ tìm kiếm sự ủng hộ từ chính phủ Syria để ngăn các thành phố mà họ giành được từ IS rơi vào tay Thổ Nhĩ Kỳ hay các lực lượng nổi dậy khác. Điều này sẽ tạo nên một cuộc khủng hoảng ở phía đông Syria khi mà lực lượng của Tổng thống Assad gấp rút giành lại các khu vực này để thống nhất đất nước, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ tìm kiếm sự hợp tác với Nga để có thể tiến hành một chiến dịch kiểu như Chiến dịch Afrin hồi năm 2018. Cuối cùng, điều đó khiến sự hiện diện của Mỹ ở đây trở nên thừa thãi, rút toàn bộ về nước thì chẳng khác nào đặt dấu chấm hết cho chính sách của Mỹ ở Syria mà ở lại thì "danh không chính, ngôn không thuận".

Mỹ cũng hiểu kế hoạch ổn định tình hình phía đông Syria mà nước này đưa ra sẽ không diễn biến như kỳ vọng. Washington xử trí tình hình bằng cách kêu gọi sự hỗ trợ từ các đồng minh. Cho tới nay, trong khi Anh và Pháp dường như chỉ cử quân đi cho "có lệ" thì Đức đã thẳng thừng từ chối yêu cầu của Mỹ.

Cuối tuần trước, Tổng thống Trump đã cảnh báo các nước EU rằng các nước này cần phải nhận hàng nghìn công dân của họ từng tham gia vào IS hiện đang bị giam giữ ở phía đông Syria về nước. Nhà lãnh đạo Mỹ cho rằng, ai đó cần đứng ra nhận trách nhiệm. Nếu xung đột nổ ra, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiến vào phía đông Syria, chính phủ Syria với sự ủng hộ từ Nga và các bên khác sẽ không dễ gì “để yên” khu vực này. Trong khi đó, những mầm mống của IS và hàng nghìn kẻ từng là thành viên của tổ chức khủng bố này sẽ trỗi dậy và trở thành mối đe dọa thực sự với khu vực. IS có thể đã mất hết lãnh thổ nhưng những kẻ ủng hộ tư tưởng cực đoan của chúng vẫn như những quả bom hẹn giờ chờ ngày phát nổ.

Trên thực tế, thậm chí sau khi Tổng thống Trump tuyên bố chiến thắng hồi tháng 12/2018, cuộc chiến chống IS vẫn tiếp diễn cho tới tháng 3/2019 khi lực lượng SDF chính thức giành lại được thành trì cuối cùng của tổ chức khủng bố này ở Baghouz.

Mới đây, báo cáo hôm 6/8 của Lầu Năm Góc cảnh báo: "Bất chấp việc Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mất đi lãnh thổ, tổ chức này vẫn củng cố khả năng trỗi dậy ở Iraq và đang trỗi dậy ở Syria".

Việc Mỹ rút một phần binh lính khỏi Syria có tác động không nhỏ đến cuộc chiến chống lại tàn dư của IS khi khiến việc thuyết phục các đồng minh địa phương trên thực địa trở nên khó khăn hơn và cản trở khả năng kiểm soát của Mỹ đối với những khu vực có nguy cơ trở thành địa điểm tuyển quân của những kẻ khủng bố.

... ở không xong”

Thực tế là cả chính quyền Tổng thống Assad, Nga, Iran hay thậm chí chính đồng minh NATO của Mỹ là Thổ Nhĩ Kỳ đều không hoan nghênh sự hiện diện của Washington ở Syria.

Chính phủ của Tổng thống Assad phản đối Mỹ bởi Damascus không muốn Washington hỗ trợ cho các lực lượng địa phương nổi dậy cũng như lo ngại sẽ bị tổn hại về "chủ quyền". Nga không muốn Mỹ ở Syria bởi Moscow ủng hộ phe chính phủ và muốn ảnh hưởng của Mỹ bị suy yếu. Nga chỉ trích vai trò của Mỹ ở căn cứ al-Tanf, cáo buộc Washington huấn luyện các nhóm phiến quân nổi dậy và gây tổn hại đến cơ sở hạ tầng của Syria, trong đó có cả việc ăn trộm dầu mỏ.

Việc Mỹ là “cái gai trong mắt Iran” thì đã quá rõ ràng. Tehran muốn làm suy yếu vai trò của Washington ở Iraq trong khi không muốn khiêu khích hay xung đột với Mỹ. Iran hiểu việc Mỹ ở Syria sẽ tạo nên một thách thức với tầm ảnh hưởng của nước này tại đây trong kế hoạch tạo một hành lang ảnh hưởng đi qua khu vực Al Bukamal nằm ở biên giới giữa Iraq và Syria. Ngoài ra, những căng thẳng gần đây trên vùng Vịnh cũng khiến quan hệ 2 nước ngày càng xấu đi.

Với Thổ Nhĩ Kỳ, sự ủng hộ của Mỹ với lực lượng SDF do người Kurd lãnh đạo là một điều đáng lo ngại.

Lệnh ngừng bắn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và đảng Công nhân người Kurd (PKK) đã sụp đổ năm 2015. Thổ Nhĩ Kỳ luôn coi lực lượng này là một nhóm khủng bố và tìm cách tiêu diệt họ qua các cuộc không kích ở miền bắc Iraq và chiến dịch Afrin ở tây bắc Syria hồi tháng 1/2018.

Ankara muốn tiêu diệt không chỉ PKK mà còn cả các nhánh liên quan của nó, trong đó có lực lượng người Kurd ở Syria hay chính là lực lượng SDF. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ lại bị Mỹ "ngáng đường". Trong những năm qua, Ankara không ít lần đe dọa mở một chiến dịch tấn công lực lượng người Kurd. Ngày 4/8, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố nước này sẽ tiến hành một chiến dịch quân sự vào khu vực người Kurd kiểm soát ở phía bắc Syria. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã gọi đây là "động thái đơn phương không thể chấp nhận được" hôm 6/8.

Không phải ngẫu nhiên Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố tiến hành chiến dịch tấn công lực lượng SDF - đồng minh của Mỹ ở Syria trong cuộc chiến chống IS vào thời điểm này, ngay sau khi Ankara tiếp nhận hệ thống phòng thủ S-400 từ Nga và Washington thì liên tục cảnh báo trừng phạt nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục thương vụ này.

Làm "nóng" chiến trường Syria, kéo sự chú ý của Mỹ vào cuộc chiến này là một cách để Thổ Nhĩ Kỳ "đánh lạc hướng" những căng thẳng xoay quanh hợp đồng mua bán S-400 với Nga. Hoặc ngay cả khi không đủ khiến Mỹ xao lãng, Ankara vẫn có một quân bài để mặc cả với Washington.

Cho tới nay, Mỹ vẫn chưa có kế hoạch xử trí với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Syria. Nếu Mỹ "dọn đường" cho Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát phía đông Syria, điều này chẳng khác nào một sự phản bội với lực lượng SDF từng “kề vai sát cánh” với Washington trong cuộc chiến chống IS.

Nếu Mỹ tiếp tục "trấn an" Thổ Nhĩ Kỳ như những gì đã thực hiện ở Manbij, đó là những cuộc tuần tra chung song lại không có bất kỳ sự thay đổi thực sự nào thì tình hình lần này có thể sẽ khác bởi Ankara không đời nào chấp nhận một giải pháp như vậy.

Tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã nhất trí thành lập một trung tâm điều hành chung nhằm hợp tác và dàn xếp tình hình tại khu vực an toàn ở phía bắc Syria bất chấp sự phản đối từ chính phủ Tổng thống Assad. Thỏa thuận này đưa ra hôm 6/8, 3 ngày sau các cuộc đàm phán căng thẳng giữa các quan chức của 2 quốc gia tại thủ đô Ankara. Tuy nhiên tuyên bố của 2 bên không nêu cụ thể thời gian và cách thức xây dựng khu vực này.

Tình hình ở Syria ngày càng diễn biến phức tạp và trở nên bế tắc khi mà các bên liên quan tiến một bước thì có thể gây ra những hậu quả khó lường mà lùi một bước thì không có bên nào sẵn sàng nhượng bộ.

Theo Kiều Anh

VOV.VN