1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Thế giới tăng tốc “cuộc đua” tìm thuốc trị Covid-19

(Dân trí) - Phát triển thuốc mới thông thường mất nhiều năm, nhưng giới khoa học đang chạy đua thời gian để nghiên cứu cách trị Covid-19 từ các chất hoặc loại thuốc sẵn có, giữa lúc dịch bệnh hoành hành khắp nơi.

Thế giới tăng tốc “cuộc đua” tìm thuốc trị Covid-19  - 1

Các lọ thuốc remdesivir trong một bệnh viện ở Vũ Hán, Hồ Bắc, Trung Quốc hôm 12/3 (Ảnh: Feature China)

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang lây lan trên phạm vi toàn cầu với số ca tử vong tăng nhanh mỗi ngày, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hồi cuối tuần qua đã liệt kê các phương án điều trị căn bệnh do virus corona mới (SARS-CoV-2) gây ra.

Các phương án trên bao gồm thuốc trị Ebola remdesivir, thuốc trị sốt rét chloroquine, hỗn hợp thuốc trị HIV lopinavir và ritonavir, hỗn hợp lopinavir và ritonavir cộng với interferon beta.

Hiện chưa có bất cứ loại thuốc kháng virus có sẵn nào được chỉ định dùng để điều trị Covid-19.

Trong các phương án trên, remdesivir sản xuất bởi công ty Gilead Sciences (Mỹ) đang được xem là một trong những loại thuốc tiềm năng để trị Covid-19. Có khoảng 5 thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn đang được tiến hành liên quan tới thuốc này. Kết quả của 2 thử nghiệm sẽ được công bố vào đầu tháng sau.

Remdesivir lần đầu được đưa vào phác đồ điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch ở Trung Quốc hồi đầu tháng 2 dưới dạng “cứu trợ khẩn cấp”. Sau đó, một số nước cũng đưa remdesivir vào điều trị bệnh nhân Covid-19. Nhu cầu sử dụng thuốc nói trên để “cứu trợ khẩn cấp” cao tới mức nhà sản xuất Gilead Sciences đã quyết định sẽ tạm dừng việc cho phép sử dụng thuốc trên các bệnh nhân mới.

Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ cho biết, thuốc remdesivir tiêm vào tĩnh mạch đã ức chế sự nhân lên của virus. 

Tuy nhiên, đó mới chỉ là kết quả khảo sát bước đầu. Việc thử nghiệm lâm sàng là cần thiết để khẳng định được sự hiệu quả và an toàn của remdesivir với bệnh nhân Covid-19. Chính vì vậy, Gilead Sciences không để thuốc được sử dụng quá rộng rãi trong các phác đồ điều trị hiện tại.

Theo thông tin đăng tải trên trang web của WHO, các thử nghiệm trước đây của remdesivir khi điều trị Ebola cho thấy có khả năng làm bệnh nhân bị nhiễm độc gan.

“Remidesivir có tiềm năng trị bệnh, nhưng còn quá sớm để biết được nó có phải là phương pháp điều trị hiệu quả có thể dùng rộng rãi hay không”, nhà virus học Jeremy Rossman của Đại học Kent (Anh), cho hay.

Thế giới tăng tốc “cuộc đua” tìm thuốc trị Covid-19  - 2

Một y tá chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân tại một bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc (Ảnh: Getty)

Một loại thuốc khác, chloroquine, thu hút sự chú ý sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ đạo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) xem xét khả năng sử dụng thuốc chống sốt rét để điều trị virus corona chủng mới.

Hồi tháng 2, một nhóm nghiên cứu do ông Wang Manli của Học viện khoa học Trung Quốc dẫn đầu cho biết họ phát hiện chloroquine đã thành công trong việc ngăn chặn sự sao chép của virus SARS-CoV-2 trong tế báo người được nuôi cấy.

Thuốc trên đã được đưa vào hướng dẫn trị bệnh của Trung Quốc và chuyên gia bệnh truyền nhiễm nước này Zhong Nanshan nói rằng chloroquine an toàn hơn vì nó đã được cấp phép sử dụng để chữa sốt rét.

Tuy nhiên, FDA tuyên bố rằng họ chưa thông qua việc đưa chloroquine vào điều trị Covid-19, nhấn mạnh nhiều thử nghiệm cần phải được thực hiện để xem xét tính an toàn và hiệu quả của thuốc.

Chuyên gia Rossman cũng tỏ ra chưa chắc chắn về ứng dụng của chloroquine trong điều trị Covid-19.

“Trên người, choloroquine hoạt động tốt trong việc chống sốt rét, nhưng đó là cơ chế khác so với cơ chế chống virus. Cần nhiều nghiên cứu hơn để tìm ra bằng chứng về việc dùng chloroquine như một loại thuốc chống virus trên người. Trong một số thử nghiệm chống virus, chloroquine đã từng làm cho bệnh nặng hơn trên một số động vật”, ông Rossman nhấn mạnh.

Lopinavir ritonavir là nhóm thuốc được sử dụng để điều trị HIV/AIDS. Tuy 2 thuốc này đang nằm trong thử nghiệm, tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy nó dường như không hiệu quả, theo nghiên cứu dẫn đầu bởi phó chủ tịch bệnh viện hữu nghị Trung Quốc - Nhật Bản Cao Bin đăng tải trên tạp chí y khoa New England Journal hôm 18/3.

Cuối cùng, một ứng cử viên khác trị Covid-19 đang được giới khoa học nhắc tới là loại thuốc trị cảm cúm của Nhật Bản mang tên favipiravir do công ty hóa chất Fujifilm Toyama phát triển.

340 công dân Vũ Hán và Thâm Quyến ở Trung Quốc đã tham gia thử nghiệm loại thuốc trên. Kết quả cho thấy nó có độ an toàn cao và “có hiệu quả trong việc điều trị”, quan chức Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc Zhang Xinmin cho hay.

Tuy nhiên, vẫn cần có thêm nhiều thử nghiệm khác được thực hiện với loại thuốc kể trên trên quy mô lớn hơn để xem xét tính hiệu quả trong trị liệu. Favipiravir hiện không nằm trong danh sách thuốc thử nghiệm trị Covid-19 do WHO công bố.

Đức Hoàng

Theo SCMP