1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Thế giới phản ứng về quyết định rút quân của Nga tại Syria

(Dân trí) - Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đánh giá quyết định của Nga là động thái tích cực, trong khi người đứng đầu Nhà Trắng ngay sau đó đã thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin về “các bước đi tiếp theo” nhằm thúc đẩy hòa binh ở Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama điện đàm. (Ảnh minh họa: Moscow Times)
Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Mỹ Barack Obama điện đàm. (Ảnh minh họa: Moscow Times)

Trong một động thái bất ngờ, tại cuộc họp hôm qua với Bộ trưởng Ngoại giao và Bộ trưởng Quốc phòng, Tổng thống Nga Putin đã chỉ thị rút quân chủ lực khỏi Syria từ hôm nay 15/3 và chỉ giữ lại một lực lượng nhỏ tại cảng Tartous và căn cứ Khmeymim thuộc tỉnh Latakia của Syria.

Động thái này ngay sau đó đã nhận những phản ứng trái chiều từ dư luận quốc tế.

Trả lời phỏng vấn báo giới, Chủ tịch luân phiên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đại sứ Angola Ismael Abraao Gaspar Martins nói: “Chúng tôi cũng đã nhận được thông tin tích cực về việc Nga quyết định bắt đầu rút một phần lực lượng (tại Syria). Khi các lực lượng rút đi, điều đó có nghĩa là cuộc chiến đang có một bước đi khác”.

Từ Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Nga Putin để thảo luận “các bước đi tiếp theo” ở Syria ngay sau quyết định rút quân của Moscow. Nhà Trắng cho biết, ông Obama đã hoan nghênh quyết định của Nga nhưng cũng nhấn mạnh Syria cần một quá trình chuyển tiếp chính trị để chấm dứt nội chiến.

Trong khi đó, hãng tin Reuters dẫn lời quan chức Mỹ giấu tên cho biết, Washington khuyến khích quyết định của Moscow nhưng “còn quá sớm để nói rằng liệu kế hoạch này có diễn ra theo đúng kế hoạch không”. Một quan chức khác cho biết, hiện chưa có dấu hiệu cho thấy Nga đã bắt đầu rút quân khỏi Syria.

Về phía Syria, trong một thông cáo phát đi hôm qua, chính phủ nước này cho rằng quyết định của Nga “là một bước đi đã được tính toán kỹ lưỡng và chính xác”. Damascus cũng bác bỏ ý kiến cho rằng, điều này cho thấy sự rạn nứt trong quan hệ Nga - Syria.

Lực lượng nổi dậy và các nhóm đối lập ở Syria thì lại tỏ ra hoài nghi. “Tôi không hiểu quyết định của Nga. Nó thật sự bất ngờ, cũng giống như cách mà họ tham chiến”, Fadi Ahmad, phát ngôn viên lực lượng Quân giải phóng Syria tại khu vực tây bắc nước này cho biết. Salim al-Muslat, phát ngôn viên phe đối lập ở Syria, trong khi đó yêu cầu Nga phải rút toàn bộ lực lượng khỏi Syria.

“Tôi không nghĩ là Nga sẽ ngừng đánh khủng bố IS và Mặt trận Al-Nusra”, Gerard Bapt, một nghị sỹ Pháp nhận định. Tuy nhiên quan chức này cho rằng, động thái của Nga sẽ góp phần ổn định tình hình ở Syria. Một nghị sỹ khác của Pháp thì cho rằng, rõ ràng Nga đã đạt được các mục tiêu quân sự ở Syria.

Catherine Shakdam, một chuyên gia phân tích chính trị và bình luận về Trung Đông, cho rằng: “Đó không phải là dấu hiệu của thất bại, và không có nghĩa la Nga sẽ từ bỏ Syria. Mà là Nga muốn giúp Syria tự quyết định số phận”.

Nga bắt đầu chiến dịch không kích ở Syria từ ngày 30/9/2015 theo đề nghị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Thông tin do Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Shoigu cung cấp hôm qua cho biết, đến nay, Không quân Nga tại Syria đã tiến hành trên 9.000 cuộc xuất kích, phá hủy 209 cơ sở sản xuất dầu mỏ và 3.000 phương tiện vận chuyển dầu của khủng bố.

Ông Shoigu cho biết thêm, các phần tử khủng bố đã bị đẩy ra khỏi Latakia và Aleppo, trong khi các tỉnh Hama và Homs ở miền trung Syria về cơ bản đã được giải phóng, căn cứ không quân Kuweires được giành lại sau hơn 3 năm bị khủng bố vây hãm.

Minh Phương

Tổng hợp