1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Lãnh đạo vướng bê bối, Huawei vẫn nuôi tham vọng phủ sóng toàn cầu

(Dân trí) - Huawei đang đầu tư nguồn lực khổng lồ cho tham vọng “phủ sóng” toàn cầu về công nghệ viễn thông, bất chấp những trở ngại từ vụ giám đốc tài chính bị bắt giữ gần đây.


Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Ảnh: Huawei)

Giám đốc Tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu (Ảnh: Huawei)

Vụ Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu, giám đốc tài chính tập đoàn viễn thông Huawei, hôm 1/12 đã đẩy Huawei vào “vòng xoáy” chính trị và đối mặt với một mối đe dọa lớn, đó là ngày càng nhiều quốc gia sẽ liệt các sản phẩm của Huawei vào “danh sách đen” do lo ngại nguy cơ bị theo dõi. Tuy vậy, bên trong trụ sở của Huawei ở thành phố Thâm Quyến, Trung Quốc, một nhóm bí mật gồm các kỹ sư vẫn miệt mài làm việc, bất chấp mối đe dọa này.

Họ làm việc để chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây và chip - những công nghệ sống còn nằm trong ưu tiên quốc gia của Trung Quốc và tương lai của chính tập đoàn Huawei. Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, chính quyền Trung Quốc đang đẩy mạnh việc xây dựng một nền công nghiệp bớt phụ thuộc vào chất bán dẫn cũng như phần mềm công nghệ cao của Mỹ.

Nhà phân tích Gus Richard của hãng Northland Capital Markets cho rằng thay vì cản trở tham vọng của Huawei và Trung Quốc, vụ bắt giữ bà Mạnh Vãn Chu càng đẩy nhanh tốc độ phát triển của công nghệ Bắc Kinh, nhất là khi Mỹ và Trung Quốc không còn bán chip cho nhau nữa.

“Huawei là biểu tượng cho sự trỗi dậy của sức mạnh công nghiệp Trung Quốc”, ông Richard nhận định.

Huawei đã đầu tư nguồn lực khổng lồ vào việc phát triển công nghệ thế hệ mới với mục tiêu lặp lại những thành công mà tập đoàn này đã đạt được trong các lĩnh vực khác trước đây. Trong vòng 10 năm qua, Huawei đã âm thầm vươn lên và trở thành “gã khổng lồ” trong thị trường thiết bị viễn thông và kết nối mạng toàn cầu. Hiện tập đoàn này chỉ đứng sau tập đoàn Cisco có trụ sở tại California, Mỹ.

Sau khi gặt hái được thành công bước đầu, Huawei tiếp tục chạm ngõ thị trường điện thoại di động. Và điều khiến giới quan sát bất ngờ là Huawei đã đánh bật “ông lớn” Apple trong thị phần điện thoại di động hồi đầu năm. Theo dữ liệu của hãng nghiên cứu công nghệ IDC, Huawei chiếm 15% thị phần điện thoại di động trong quý 3 năm nay và chỉ xếp sau Samsung. 2 năm trước đây, Huawei chỉ chỉ chiếm 9% thị phần.

Tham vọng của Huawei hoàn toàn phù hợp với mục tiêu phát triển của chính phủ Trung Quốc. Chủ tịch Tập Cận Bình muốn Trung Quốc trở thành nước đi đầu về chất bán dẫn - Huawei cho thấy họ có đủ khả năng. Ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc ghi dấu ấn toàn cầu - Huawei đã làm thành công. Ông Tập Cận Bình muốn Trung Quốc chuyển từ nền công nghiệp sản xuất đại trà sang sinh lời nhiều hơn - Huawei cũng làm được điều này.

Tham vọng toàn cầu


Bên trong một cửa hàng của Huawei (Ảnh: Nikkei)

Bên trong một cửa hàng của Huawei (Ảnh: Nikkei)

Bên trong trụ sở của Huawei ở Thâm Quyến là một căn phòng được dùng làm nơi thiết lập các mô hình kỹ thuật số để xem cách thức các ngân hàng, cửa hàng bán lẻ và các tuyến phố vận hành nếu đồng loạt sử dụng công nghệ của Huawei. Chúng được đặt bên trong một phòng nghiên cứu có biệt danh “Nhà Trắng”. Mặc dù khách tham quan rất ít, song căn phòng mô hình này vẫn chào đón các vị khách tới đây để hình dung về một viễn cảnh khi các công ty và chính phủ sử dụng công nghệ “đám mây” cũng như trí tuệ nhân tạo của Huawei để xử lý dữ liệu, thúc đẩy doanh số và biến các thành phố thành nơi có thể nghe nhìn tất cả mọi thứ.

Huawei có một khởi đầu thuận lợi. Cách đây 2 năm, các công ty internet lớn nhất mới thành lập các đơn vị bán dẫn để cải thiện công nghệ “đám mây” và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong việc nhận diện hình ảnh và hỗ trợ giọng nói. Trong khi đó, HiSilicon, đơn vị thiết kế chip của Huawei, đã hoạt động từ năm 2004. Huawei bắt đầu phát triển chip để xử lý các thuật toán phức tạp trên phần mềm từ trước khi các công ty điện toán đám mây thực hiện. Hãng nghiên cứu Alliance Bernstein ước tính HiSilicon đang trên đà đạt được 7,6 tỷ USD doanh thu trong năm nay, gấp đôi so với quy mô năm 2015.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh “đám mây” của Huawei vẫn lép vế so với các đối thủ lớn hơn. Huawei chi khoảng 13 tỷ USD cho việc nghiên cứu và phát triển trong năm 2017, tăng hơn 17% so với năm trước đó.

“Huawei tính toán rằng nếu họ không cung cấp các giải pháp tương lai thông qua “đám mây”, nơi các khách hàng của họ đang tham gia, thì đơn vị khác sẽ làm việc này”, Siow Meng Soh, nhà quản lý nghiên cứu tại GlobalData cho biết.

Ngoài ra, Huawei vẫn theo sau các đối thủ về phần mềm. Trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, Huawei đang dốc sức để theo kịp các “ông lớn” tại Mỹ. Oren Etzioni, lãnh đạo Viện Trí tuệ nhân tạo Allen, nhận định Huawei có dữ liệu và sự hỗ trợ của chính phủ, nhưng vẫn gặp nhiều bất lợi trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, nếu có bất kỳ công ty nào có thể xóa bỏ các rào cản một cách nhanh chóng thì đó sẽ là Huawei.

Cuộc nghiên cứu gần đây của các nhà khoa học máy tính tại Zurich, Thụy Sĩ đã phân tích bộ xử lý của các điện thoại dùng hệ điều hành Android và xếp chip của HiSilicon lên vị trí cao nhất. Tương tự các đối thủ, Huawei cũng đang đầu tư mọi thứ vào điện toán đám mây. Huawei gần đây cũng trình làng bộ công cụ phần mềm trí tuệ nhân tạo và hồi tháng 10 đã cho ra mắt một chip đặc biệt mới mang tên Ascend.

Huawei được cho là sẽ đáp ứng kỳ vọng của chính quyền Trung Quốc trong việc đặt tất cả các tuyến đường trong thành phố, camera và cơ sở hạ tầng vào một hệ thống kỹ thuật số. Mục tiêu của Huawei là trở thành “trung tâm đầu não” của các thành phố thông minh. Cảnh sát ở Thâm Quyến đang sử dụng chip của Huawei cho các camera giao thông.

Huawei nói rằng các sản phẩm của tập đoàn này đều tuân thủ Quy định về Bảo vệ Dữ liệu chung của châu Âu, đồng nghĩa với việc chính các khách hàng, chứ không phải Huawei, sở hữu và lưu trữ dữ liệu sử dụng trong các ứng dụng. Vài tháng trước khi xảy ra vụ bắt giữ giám đốc tài chính Huawei, giới chức Mỹ từng cảnh báo các đối tác ở Đức và một số nước châu Âu không nên sử dụng thiết bị của Huawei cho mạng lưới 5G tại các nước này vì lo ngại vấn đề an ninh. Tuy vây, thông báo của người phát ngôn Huawei khẳng định tập đoàn này đã hoạt động ở hơn 170 quốc gia và chỉ trích các động thái của giới chức Mỹ.

Thành Đạt

Theo SCMP