1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu ngầm Trung Quốc đưa Hawaii, Alaska vào tầm ngắm

(Dân trí) - Trung Quốc đang chuẩn bị triển khai các tàu ngầm được trang bị tên lửa hạt nhân, vốn sẽ tuần tra vùng biển phía bắc Thái Bình Dương và đặt ít nhất 2 bang của Mỹ trong tầm ngắm, theo một báo cáo mới từ hải quân Mỹ.

Tàu ngầm Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Tàu ngầm Trung Quốc. (Ảnh minh họa)

Viện hải quân Mỹ (USNI) cho hay, hải quân Trung Quốc đã lên kế hoạch cho các tàu ngầm đạn đạo hạt nhân lớp Jin bắt đầu thực hiện các cuộc tuần tra vào năm 2014. Các tàu ngầm này sẽ mang tên lửa liên lục địa, được tin là có tầm xa không dưới 14.000 km và có thể phóng một hoặc nhiều đầu đạn.

"Với tầm xa trên 4.000 hải lý, tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm JL-2 sẽ cho phép Jin tấn công Hawaii, Alaska, và thậm chí các khu vực phía tây của lục địa Mỹ từ vùng biển Đông Á", quan chức tình báo hải quân Jesse Karotkin cho biết trong báo cáo gửi Ủy ban xem xét an ninh kinh tế Mỹ-Trung hồi tháng trước.

Các tàu ngầm Type 094 lớp Jin là một thành tựu công nghệ nếu đem so sánh với tàu ngầm lớp Type 092 mà hải quân Trung Quốc đã sử dụng. Với trọng tải 11.000 tấn khi lặn hoàn toàn, hải quân Trung Quốc coi sự phát triển này là bằng chứng cho thấy Bắc Kinh muốn bắt kịp với các quốc gia phương Tây.

"3 tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Jin hiện đang phục vụ sẽ không đủ để duy trì sự hiện diện liên tục trên biển trong thời gian dài, nhưng nếu hải quân Trung Quốc chế tạo thêm 5 tàu khác như một số nguồn tin tiết lộ, sự hiện diện liên tục trong thời bình là một lựa chọn hoàn toàn có thể với hải quân Trung Quốc", ông Karotkin viết.

Ông Karotkin cho hay, có một loạt nhân tố khiến Trung Quốc phải hiện đại hóa hải quân, vốn đang sở hữu hơn 60 tàu ngầm, 55 tàu đổ bộ loại lớn và tầm trung, 77 tàu nổi, cùng gần 100 tàu loại nhỏ khác.

"Ở đầu thế kỷ 21, hải quân Trung Quốc phần lớn còn là một lực lượng ven biển. Mặc dù các lợi ích hàng hải của Trung Quốc đã thay đổi nhanh chóng, phần lớn các hoạt động hải quân của Trung Quốc có khả năng và sức bền rất hạn chế, đặc biệt ở vùng nước sâu. Nhưng trong 15 năm qua, hải quân Trung Quốc đã thực hiện một nỗ lực hiện đại hóa đầy tham vọng, tạo ra một lực lượng linh họat và tiên tiến về công nghệ", ông Karotkin viết.

"Sự thay đổi này được nhìn thấy rõ không chỉ ở sự hiện diện của hải quân Trung Quốc ở tại vịnh Aden trong nỗ lực chống cướp biển, hiện đã bước sang năm thứ 6, mà còn ở các cuộc tập trận và các hoạt động khác trong khu vực.

Đối lập với trọng tâm nhỏ hẹp 10 năm trước, hải quân Trung Quốc giờ đây đang tham gia vào một loạt các sứ mệnh, trong đó có cuộc xung đột với Đài Loan, thực thi các tuyên bố chủ quyền biển đảo, bảo vệ các lợi ích kinh tế, cũng như các sứ mệnh nhân đạo và chống cướp biển".

Trung Quốc cũng đã chứng minh khả năng nâng cấp các lực lượng quân đội khác, khi quân đội nước này thử nghiệm một vũ khí siêu thanh có khả năng xâm nhập bất kỳ hệ thống phòng thủ hiện thời nào với các đầu đạn hạt nhân. Các chuyên gia đã gọi vũ khí này là kẻ thay đổi cuộc chơi nhờ khả năng tấn công mục tiêu bằng đầu đạn hạt nhân trước khi các hệ thống phòng thủ kịp phản ứng.

Lầu Năm Góc xác nhận với trang Washington Free Beacon rằng cuộc thử nghiệm trên đã diễn ra nhưng không giải thích gì thêm. Mỹ hiện được biết đến là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu loại vũ khí tối tân như vậy.

"Chúng tôi thường xuyên giám sát các hoạt động quốc phòng của nước ngoài và chúng tôi biết rõ về vụ thử nghiệm (của Trung Quốc)", một phát ngôn viên Lầu Năm Góc cho biết.

An Bình
Theo RT