1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024
  4. Chiến sự Israel - Hamas

Tàu chiến Mỹ, Nhật Bản dồn dập cập cảng Philippines

(Dân trí) - Đến cuối tuần này, dự kiến có 7 tàu hải quân Mỹ và 3 tàu hải quân Nhật Bản sẽ cập cảng tại vịnh Subic của Philippines để chuẩn bị cho cuộc tập trận Balikatan 2016.


Tàu của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản.(Ảnh minh họa: Wikipedia)

Tàu của Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản.(Ảnh minh họa: Wikipedia)

Theo trang tin Inquirer của Philippines, trong hai ngày hôm qua và hôm nay, tàu tiếp liệu USNS Rappahannock, tàu đổ bộ USS Harpers Ferry, tàu hàng USNS Matthew Perry, tàu tiếp tế USNS Sacagawea, tàu hàng USNS Maj. Stephen W. Pless, tàu chở dầu USNS Walter S. Diehl và tàu khu trục USS Fitzgerald lớp Arleigh Burke của hải quân Mỹ đã cập cảng vịnh Subic của Philippines. Các lính thủy đánh bộ của Mỹ cũng bắt đầu di chuyển tới Philippines từ đầu tuần này để chuẩn bị cho cuộc tập trận chung thường niên có tên Balikatan giữa hai nước.

Trong khi đó, 3 tàu khác của hải quân Nhật Bản, trong đó có 1 tàu ngầm và 2 tàu khu trục, dự kiến sẽ cập cảng Subic vào ngày mai 3/4. Các tàu này sẽ lưu lại vịnh Subic đến ngày 6/4. Hải quân Nhật Bản sẽ tham gia Balikatan với tư cách quan sát viên. Đây là lần đầu tiên trong 15 năm, tàu ngầm Nhật Bản có chuyến cập cảng Philippines.

Balikatan là cuộc tập trận thường niên giữa Philippines và Mỹ với nhiều nội dung diễn tập khác nhau như cứu trợ nhân đạo, thực thi luật lệ hàng hải và bảo vệ môi trường.

Cuộc tập trận Balikatan năm nay sẽ diễn ra từ 4/4 đến 16/4 ở nhiều địa điểm khác nhau của Philippines.

Cuộc tập trận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng tranh chấp ở Biển Đông gần đây có xu hướng leo thang do Trung Quốc ngang nhiên bồi đắp, cải tạo trái phép các đảo nhân tạo ở đây. Tháng trước, Mỹ đã phát hiện một số tàu của Trung Quốc đang ngang nhiên tiến hành hoạt động khảo sát ở khu vực bãi cạn Scarborough mà nước này chiếm đóng trái phép của Philippines. Động thái này được cho là chuẩn bị cho việc Trung Quốc có thể trắng trợn lập Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) để đáp lại phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế về vụ kiện mà Philippines nhằm vào nước này.

Minh Phương

Theo Inquirer