1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tầng lớp “thìa đất” hé lộ góc khuất trong xã hội Hàn Quốc

(Dân trí) - Nhóm thanh niên thuộc tầng lớp “thìa đất” tại Hàn Quốc vẫn luôn khát khao về một xã hội công bằng với những cơ hội bình đẳng như những người “ngậm thìa vàng”.

Tầng lớp “thìa đất” hé lộ góc khuất trong xã hội Hàn Quốc - 1

Kim Jae-hoon sống trong căn phòng chật hẹp của mình tại Suwon, Hàn Quốc (Ảnh: Reuters)

Hwang Hyeon-dong sống trong một căn phòng chỉ rộng 6,6 m2 gần khuôn viên trường đại học của anh tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Hwang phải dùng chung nhà tắm, nhà bếp và trả tiền thuê nhà 350.000 won (khoảng 302 USD)/tháng.

Những căn phòng với rất ít đồ đạc như vậy trước đây thường được các sinh viên nhà nghèo thuê tạm để giúp họ tách biệt với thế giới bên ngoài trong thời gian ôn thi vào các cơ quan nhà nước.

Bây giờ, ngày càng nhiều thanh niên như Hwang, những người tự nhận mình thuộc tầng lớp “thìa đất”, sinh ra trong những gia đình thu nhập thấp và gần như bị bỏ lại phía sau tốc độ phát triển của xã hội, chọn những căn phòng như vậy làm nơi ở thường xuyên.

“Nếu tôi cố gắng và có một công việc tốt, liệu tôi có thể mua một căn nhà hay không? Liệu tôi có thể thu hẹp được khoảng cách vốn đã quá lớn hay không?”, Hwang nói.

Ở tuổi 25, Hwang sống trong một căn phòng chật hẹp, bừa bộn với những bộ quần áo được xếp ngay trên giường.

Khái niệm “thìa đất” và “thìa vàng” đã xuất hiện từ lâu trong xã hội Hàn Quốc, nhưng bắt đầu bùng nổ trong bối cảnh chính trị những năm gần đây và làm sụt giảm sự ủng hộ dành cho Tổng thống Moon Jae-in.

Một bộ phận giới trẻ Hàn Quốc cho rằng họ đang sống trong một xã hội có sự phân biệt giữa những người được ăn bằng “thìa vàng”, sinh ra trong gia đình giàu có, học tại các trường danh tiếng và có công việc ổn định, với những người phải ăn bằng “thìa đất”, sinh ra trong những gia đình nghèo khó, không có công việc ổn định với tương lai mờ mịt.

Cam kết của Tổng thống

Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền hồi năm 2017 với cam kết đảm bảo công bằng cả về kinh tế và xã hội. Mặc dù chặng đường nửa nhiệm kỳ 5 năm đã đi qua, song ông Moon vẫn chưa làm được nhiều để chứng minh những cam kết của ông cho giới trẻ Hàn Quốc, những người vẫn đang chịu gánh nặng bởi tình trạng bất bình đẳng ngày càng sâu sắc trong xã hội.

Khoảng cách về thu nhập tại Hàn Quốc ngày càng nới rộng kể từ khi Tổng thống Moon Jae-in lên nắm quyền. Những người nằm trong nhóm có thu nhập top đầu kiếm được số tiền cao gấp 5,5 lần so với những người ở nhóm cuối. Trước khi ông Moon nhậm chức, con số này chỉ là 4,9 lần.

Là sinh viên năm 3 chuyên ngành truyền thông, Hwang cho rằng bê bối tham nhũng liên quan tới cựu Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk là lời cảnh tỉnh với những người thuộc tầng lớp “thìa đất” như anh - những người từng tin rằng chỉ cần làm việc chăm chỉ sẽ tạo ra sự khác biệt.

Ông Cho và người vợ là giáo sư đại học của ông này bị cáo buộc lợi dụng chức vụ để giúp con gái họ giành được một “suất” vào trường y hồi năm 2015. Cho thừa nhận rằng ông thuộc tầng lớp “thìa vàng” nhưng muốn thúc đẩy công bằng xã hội. Tuy vậy, cách tiếp cận của ông đã phản tác dụng và cựu Bộ trưởng Tư pháp đã từ chức hồi tháng 10 chỉ sau một tháng tại nhiệm. Vợ ông cũng phải đối mặt với cáo buộc giả mạo và gian lận tài chính.

Vụ bê bối của Bộ trưởng Cho đã châm ngòi cho những cuộc biểu tình lớn nhất trong nhiệm kỳ của Tổng thống Moon. Đối với nhiều thanh niên đang phải vật lộn với cuộc sống khó khăn tại Hàn Quốc, vụ bê bối này đã phơi bày cách những người thuộc tầng lớp “thìa vàng” tiến xa như thế nào nhờ sự hậu thuẫn về địa vị cũng như tài sản của cha mẹ.

Trong cuộc khảo sát được tiến hành đối với 3.289 người hồi tháng 9, 3/4 số người được hỏi nói rằng bệ phóng của cha mẹ là chìa khóa cho sự thành công của con cái.

Tầng lớp “thìa đất” hé lộ góc khuất trong xã hội Hàn Quốc - 2

Bữa tối đạm bạc của Kim Jae-hoon trước khi đi làm (Ảnh: Reuters)

“Tôi không thể phàn nàn về việc chúng tôi có những xuất phát điểm khác nhau. Nhưng tôi tức giận vì có những người được nâng đỡ một cách không phù hợp. Nếu ai đó được đi học, còn tôi phải đi làm, thì chuyện đó cũng ổn thôi, nhưng việc họ được nâng đỡ một cách không phù hợp khiến tôi tức giận”, Kim Jae-hoon, 26 tuổi, một người cũng đang sống trong căn phòng chật hẹp, cho biết.

Kim làm công việc bồi bàn bán thời gian tại một quán bar gần trường. Anh phải xoay sở để trả 400.000 won/tháng tiền thuê nhà, thực phẩm và các chi phí khác. Hầu hết bữa ăn do Kim chuẩn bị trong căn bếp chung chỉ có cơm trộn với trứng, nửa củ hành và nước sốt.

Chính những cử tri trẻ và có thu nhập thấp như Kim khiến tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Moon Jae-in giảm xuống thấp kỷ lục.  

Theo kết quả cuộc thăm dò của Gallup Korea, tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Moon của cử tri trong độ tuổi từ 19 - 29 đã giảm từ 90% vào tháng 6/2017 xuống còn 44% vào tháng 10 năm nay. Trong khi đó, tỷ lệ ủng hộ tổng thống từ các cử tri có thu nhập thấp đã giảm 44% kể từ giữa năm 2017.

“Tổng thống Moon luôn nói về cơ hội công bằng, về sân chơi bình đẳng và công lý. Nhưng tôi cảm thấy bị phản bội vì tình hình hiện tại khác xa so với những gì ông ấy đã hứa”, Hwang, một người từng bỏ phiếu cho Tổng thống Moon, cho biết.

Trong khi đó, những lao động lớn tuổi hơn cũng cảm thấy không hài lòng khi tổng thống tìm cách cải thiện cơ hội việc làm và bình đẳng xã hội cho các lao động trẻ.

Trong bài phát biểu được phát sóng trực tiếp tuần trước, Tổng thống Moon thừa nhận ông đã không thực hiện được lời hứa của mình và tỷ lệ ủng hộ sụt giảm từ người trẻ là bằng chứng cho thấy ông đã khiến họ thất vọng.

Quan niệm “thìa vàng” và “thìa đất” đã hồi sinh trở lại trong văn hóa Hàn Quốc những năm gần đây. Thậm chí, các bộ phim “ăn khách” của Hàn Quốc cũng đề cập tới chủ đề này.

Những chiếc thìa bằng vàng đã trở thành món quà phổ biến tại Hàn Quốc. Thay vì tặng nhẫn vàng như truyền thống, các bậc cha mẹ tại Hàn Quốc đã trao cho con họ những chiếc thìa vàng trong lần sinh nhật đầu tiên, với mong ước con cái họ sẽ có một cuộc sống sung túc về sau.

Thành Đạt

Theo Reuters