1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tận dụng Mỹ sơ hở, Trung Quốc nuôi mộng bá chủ thế giới về công nghệ (1)

(Dân trí) - Mỹ dường như không thể kiểm soát một cách chặt chẽ những thỏa thuận giao dịch quốc tế trong lĩnh vực công nghệ và đang dần đánh mất ngôi vị số 1 trong lĩnh vực này vào tay Trung Quốc.

(Ảnh minh họa: RMB)
(Ảnh minh họa: RMB)

Chính phủ Mỹ biết rõ Trung Quốc đang đẩy mạnh chiến lược khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân mua lại các công nghệ tiên tiến nhất của Mỹ. Đầu năm ngoái, một công ty phần mềm có tên gọi Avatar Integrated Systems đã mua lại ATop Tech - một hãng chuyên sản xuất con chip ở California.

ATop Tech được biết đến là hãng chuyên sản xuất vi mạch, sử dụng trong hầu hết các thiết bị điện tử, từ điện thoại thông minh tới các hệ thống vũ khí công nghệ cao. Chính phủ Mỹ từng coi những sản phẩm này là “con át chủ bài” đối với sức mạnh quân đội và hệ thống quốc phòng của Mỹ. Điều đáng nói ở đây là công ty Avatar Integrated Systems mua lại ATop Tech lại do một ông trùm ngành thép Trung Quốc đứng sau.

Bên cạnh đó, thương vụ mua bán này lại diễn ra mà không có bất kì sự đánh giá nào của chính phủ Mỹ. Trên thực tế có một cơ quan gọi là Ủy ban Đầu tư nước ngoài (CFIUS) chịu trách nhiệm bảo vệ các sản phẩm công nghệ của Mỹ khỏi các đối thủ nước ngoài. Cơ quan này sẽ phải kiểm tra, giám sát việc mua bán, sáp nhập liên quan đến công nghệ nhạy cảm có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên trên thực tế, CFIUS rất lỏng lẻo trong việc kiểm soát những thực thể Trung Quốc có ý định tiếp cận công nghệ Mỹ hay những doanh nghiệp Trung Quốc chuyên cấp vốn cho các startup của Mỹ trong lĩnh vực công nghệ.

Thiếu công cụ giám sát

Điều tra của Politico chỉ ra rằng CFIUS chủ yếu dựa vào các cơ quan chính phủ khác để có thông tin về các thương vụ mua bán, sáp nhập hay đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài. Hơn nữa, CFIUS cũng không có đủ nguồn lực để giải quyết những vụ việc ngày càng gia tăng về mức độ phức tạp.

Hiện nay, nhiều công nghệ tiên tiến được coi là lợi thế của Mỹ đang nằm trong tay những doanh nghiệp nhỏ, hay những công ty khởi nghiệp, bao gồm cả các công ty tại Thung lũng công nghệ Silicon. Những doanh nghiệp này luôn cần các nhà đầu tư cung cấp vốn.

Sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi Trung Quốc công bố chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”, trong đó khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân trong nước mua lại các công ty công nghệ nước ngoài.

Thống kê của CB Insights chỉ ra rằng trong năm 2014, Trung Quốc đã đầu tư 2,3 tỉ USD vào các công ty khởi nghiệp công nghệ Mỹ. Chỉ một năm sau, con số này đã tăng vọt lên gần 10 tỉ USD sau khi Trung Quốc công bố chiến dịch “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”.

Kể từ khi lên nắm quyền năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trương áp mức thuế cao hơn đối với các hàng hóa Trung Quốc nhằm đảm bảo công bằng thương mại. Tuy nhiên hồi tuần trước, Washington và Bắc Kinh đã đạt được một thỏa thuận ngừng áp thuế lẫn nhau, tạm thời gỡ bỏ nguy cơ xảy ra cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

Nhìn bên ngoài thì động thái này là một tín hiệu tốt. Tuy nhiên, giới chức Mỹ lại cho rằng đây là một thất bại của Washington và chỉ có Bắc Kinh thu được lợi ích từ thỏa thuận này.

“Các nhà đàm phán thương mại Trung Quốc hẳn rất đắc thắng sau thỏa thuận này. Họ sẽ mua các sản phẩm của Mỹ, nhưng đổi lại, họ sẽ tiếp tục đánh cắp những gia tài quý giá của chúng ta, đó là quyền sở hữu trí tuệ và các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao - những điều khiến nước Mỹ trở nên vĩ đại. Thỏa thuận này chẳng có nghĩa lý gì”, lãnh đạo phe Dân chủ thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer cho biết.

Các chuyên gia an ninh quốc gia cho rằng việc chuyển giao các sản phẩm công nghệ Mỹ thông qua hoạt động đầu tư Trung Quốc là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng, chứ không đơn thuần liên quan đến thuế. Có ý kiến cho rằng Bắc Kinh đã “vũ khí hóa” các hoạt động đầu tư của mình, nhằm hạn chế năng lực công nghiệp của các doanh nghiệp Mỹ.

Lầu Năm Góc từng thừa nhận Mỹ không có một công cụ hay chính sách toàn diện nào để đối phó với tình trạng hàng loạt công nghệ của Mỹ được chuyển tới Trung Quốc. Điều này đồng nghĩa với việc Mỹ đã tạo điều kiện cho đối thủ chiến lược Trung Quốc tiếp cận ngôi vị số 1 về công nghệ của mình.

Giới chức Mỹ ngày càng lo ngại Quốc hội nước này đang quá thờ ơ và mất cảnh giác trong việc giám sát các hoạt động chuyển giao công nghệ nhạy cảm sang nước ngoài.

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, Nhà Trắng đã có động thái đầu tiên thể hiện sự quan tâm của mình đến vấn đề này. Văn phòng tổng thống Mỹ yêu cầu Bộ Tài chính Mỹ trong vòng 60 ngày phải đưa ra một danh sách các hạng mục hạn chế nhận đầu tư từ Trung Quốc. Hồi đầu tháng 5, các lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội đã công bố kế hoạch xem xét dự luật này và hy vọng sẽ thông qua trong năm nay.

Chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025”

Chiến lược “Sản xuất tại Trung Quốc 2025” được Trung Quốc công bố từ năm 2015 và một lần nữa được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhấn mạnh tại đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 19 hồi tháng 10 năm ngoái. Kế hoạch này chuyển trọng tâm từ nghiên cứu đầu tư trong nước sang đổ tiền vào các thị trường nước ngoài.

“Chúng ta sẽ cải cách sâu rộng hơn hệ thống tài chính và đầu tư của Trung Quốc, cho phép đầu tư đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hệ thống nguồn cung. Chúng ta sẽ hướng dẫn các doanh nghiệp hội nhập với văn hóa của các nước, hỗ trợ họ trong các hoạt động đầu tư, sáp nhập và đầu tư vốn tại các thị trường nước ngoài”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố.

Đứng đầu trong danh sách ưu tiên đầu tư là các ngành công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, tự động hóa và du hành không gian.

Các chuyên gia nhận định kế hoạch kinh tế mới của Trung Quốc thể hiện tham vọng của ông Tập , không chỉ mong muốn lôi kéo các công ty nước ngoài tới Trung Quốc mà còn muốn Trung Quốc thu được hàng trăm tỉ USD ngoại hối để đầu tư sang các thị trường khác.

Trung Quốc được biết đến là công xưởng của thế giới với nhiều nhà máy sản xuất các sản phẩm có giá thành rẻ. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh nhận ra rằng nước này sẽ sớm phải đối mặt với tình trạng sụt giảm năng suất nếu không áp dụng các biện pháp công nghệ cao. Và tất nhiên Trung Quốc muốn tự động hóa toàn bộ ngành công nghiệp, bao gồm sản xuất ô tô, công nghiệp thực phẩm và đồ điện tử.

Chính vì vậy, chính phủ khuyến khích các nhà đầu tư đang có tiền nhàn rỗi tiếp cận các công ty mới thành lập sở hữu những công nghệ đó, cụ thể là các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tự động hóa, thiết bị năng lượng và công nghệ thông tin thế hệ sau.

Giới chức an ninh Mỹ đặc biệt quan tâm tới ngành công nghiệp sản xuất chất bán dẫn, cụ thể là vi mạch. Đây là mấu chốt của nhiều công nghệ tiên tiến của Mỹ mà Trung Quốc muốn sở hữu.

(Còn tiếp)

Nhật Minh

Theo SCMP, Politico