1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tại sao Mỹ không "phản pháo" được Nga?

Tại hội nghị Geneva hôm 17/4, Mỹ và EU gần như không thể đáp trả lại lý lẽ của Nga khi mà thực sự họ cũng đã vi phạm những nguyên tắc tương tự.

Mỹ và EU "mở nắp bình"

Có thể thấy rằng, trong suốt những năm gần đây, Mỹ và EU đã liên tục tiến hành những hoạt động quân sự bên ngoài lãnh thổ của mình, bất chấp việc không có sự cho phép từ một Nghị quyết của Hội đồng bảo an hay sự ủng hộ của Liên hiệp quốc. Việc này đã vi phạm nghiêm trọng Hiến chương Liên hiệp quốc, cụ thể là điều 2(4) về việc cấm sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế để chống lại sự toàn vẹn lãnh thổ hay nền độc lập của một quốc gia khác.

Năm 1999, Mỹ và đồng minh tiến hành đánh bom Serbia. Nghị quyết 1244 của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc cho phép các quốc gia thành viên "sử dụng các biện pháp cần thiết" để giải quyết tình hình bất ổn tại đây. Tuy nhiên, hành động của Mỹ và đồng minh đã bị đa số các thành viên trong Đại hội đồng lên án với lý do chúng vi phạm tính "cấp thiết và cân đối" (necessity and proportionality) trong việc sử dụng vũ lực.

Năm 2001, với lý do chống khủng bố, NATO đưa quân vào Afghanistan. Năm 2003 Mỹ tiếp tục cùng các đồng minh châu Âu của mình (điển hình nhất là Anh) đã tiến hành tấn công Iraq. Hai hành động trên đều được thực hiện dựa trên sự giải thích rất mù mờ về các điều khoản được nêu trong Nghị quyết của Hội đồng bảo an.

Năm 2011, thế giới lại tiếp tục chứng kiến Mỹ và đồng minh đổ quân vào Lybia với danh nghĩa bảo vệ các quyền con người cơ bản của người dân Lybia trước nhà độc tài Muammar el-Qaddafi. Tương tự, năm 2013 với lý do bảo vệ người dân Syria và trừng phạt chính phủ nước này sử dụng vũ khí hóa học, Mỹ đã lên kế hoạch cho quân vào đây. Lúc này, gần như Mỹ cùng đồng minh đã lờ đi vai trò của Hội đồng bảo an Liên hiệp quốc.

Bên cạnh đó, sự kiện Mỹ và đồng minh châu Âu thả bom Serbia, ủng hộ và công nhận Kosovo tách ra khỏi Serbia trở thành một quốc gia độc lập được xem là một minh chứng điển hình cho việc phạm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia khác.

Đối với các hành động trên, Nga từng liên tục lên tiếng phản đối rất quyết liệt và lên án Mỹ cùng đồng minh vi phạm nghiêm trọng luật quốc tế, tạo ra tiền lệ xấu kéo theo các vi phạm pháp luật quốc tế về sau.

Từ các trường hợp trên có thể thấy, hai trong số những nguyên tắc pháp lý bị vi phạm thường xuyên và nghiêm trọng nhất là nguyên tắc tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và nguyên tắc cấm đe dọa dùng vũ lực hay sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Hệ quả dẫn đến luật quốc tế bị tổn hại nghiêm trọng, phá vỡ những trật tự và ổn định mà hệ thống pháp luật này xây dựng nên. Trong bài phát biểu của mình, nghị sỹ Guci của Đảng cánh tả Đức đã ẩn dụ việc vi phạm này của Mỹ và EU đã mở nắp cho chiếc bình Pandora. Và chiếc bình mở ra câu chuyện Ukraina và Nga.

Những người biểu tình thân Nga tại Donetsk. Ảnh: Reuters

Những người biểu tình thân Nga tại Donetsk. Ảnh: Reuters
Trước và sau Genava

Một cuộc hội nghị 4 bên giữa Nga, Ukriane, Mỹ và EU với nỗ lực tìm giải pháp cho tình hình khủng hoảng tại nước Đông Âu này vừa diễn ra tại Geneva (17/4). Nhưng, theo nhận định chung, các nước này khó có thể tìm được tiếng nói chung, nhất là về mặt luật pháp quốc tế.

Bình thản trước những đe dọa và trừng phạt từ phía Mỹ và EU, Nga vẫn giữ nguyên lập luận bảo vệ cho hành động của mình tại Crưm bằng cách xoáy sâu vào các vi phạm pháp luật quốc tế trong thời gian gần đây của các nước này, đặc biệt là về vấn đề Kosovo.

Một sự vi phạm pháp luật quốc tế được viện dẫn như một lý lẽ để biện minh cho một sự vi phạm pháp luật quốc tế khác. Và tại hội nghị Geneva này Mỹ và các đồng minh EU gần như không thể đáp trả lại lý lẽ đó của Nga khi mà thực sự họ cũng đã vi phạm những nguyên tắc tương tự. Theo các giới qian sát, rất nhiều khả năng hội nghị Geneva sẽ thất bại trong việc tìm một giải pháp mang tính pháp lý cho khủng hoảng tại Ukraina khi mà tại đây những nguyên tắc cơ bản nhất của luật quốc tế đã không được các bên tôn trọng.

Trước hội nghị Genava là sự trỗi dậy của xu hướng sức mạnh và tiền lệ xem luật quốc tế như trò chơi bỏ ra, rút vào trong túi áo. Hệ quả của nó là một sự vi phạm pháp luật quốc tế được viện dẫn như một lý lẽ để biện minh cho một sự vi phạm pháp luật quốc tế khác. Trên cơ bản, không thể giải quyết một vấn đề mà ở đó là một chuỗi kéo dài những hành vi vi phạm pháp luật. Dù dưới bất cứ lý lẽ nào đi nữa thì vi phạm pháp luật là sai căn bản về mặt pháp lý.

Việc 4 bên Nga, Ukraina, Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cho hay đã thống nhất tại Genava về các bước khắc phục khủng hoảng ở miền Đông Ukraina đang là một giải pháp tình thế để ngăn chặn cho cả hai bên "lưỡng bại câu thương". Như vậy, để tìm ra giải pháp về mặt pháp lý cho tình hình tại Ukraina phải dựa trên một góc nhìn dài hạn, mà trên hết phải tìm trong những biện pháp pháp luật đúng đắn, được hệ thống pháp luật này thừa nhận và sự đồng thuận từ các chủ thể khác của nó.

Trong bối cảnh đó, vai trò của Liên hiệp quốc là tối quan trọng. Thứ nhất, Liên hiệp quốc có thể phát huy tác dụng của Đại hội đồng khi hoạt động của Hội đồng bảo an rơi vào bế tắc. Một nghị quyết được thông qua bởi Đại hội đồng Liên hiệp quốc tuy về mặt giá trị pháp lý là yếu hơn so với một nghị quyết được ban hành bởi Hội đồng bảo an, nhưng nó sẽ phản ánh được ý kiến của đại đa số các quốc gia thành viên, và tiếng nói của số đông đôi khi có thể có một trọng lượng nhất định ảnh hưởng đến hành vi của các quốc gia đơn phương khác.

Thứ hai, vận dụng triệt để chương XIV của Hiến chương Liên hiệp quốc và nâng cao vai trò pháp lý của Tòa án công lý quốc tế, Đại hội đồng Liên hiệp quốc có thể trình sự việc lên Tòa án và xin ý kiến của Tòa về vấn đề đang gây tranh cãi này. Phán quyết của Tòa án quốc tế sẽ là một bằng chứng pháp lý hữu hiệu cho việc giải thích hành vi của các quốc gia trong sự kiện trên dưới góc độ pháp luật, và là cơ sở pháp lý để soi chiếu các hành vi tương tự có thể được lặp lại bởi các quốc gia khác trong tương lai.

Theo Trang Phạm
Vietnamnet