Tại sao Đức "ngưỡng mộ" Putin, "ghét" Mỹ?
Liệu có đang phát triển một trục quyền lực mới Berlin- Moskva ở châu Âu? Cách đây vài tuần, cựu thủ tướng Đức Gerhard Schroeder đã có một bữa tiệc sinh nhật "ầm ĩ" với những lời chỉ trích cùng những tiếng nói ủng hộ.
Tuy nhiên, có thể ông có lý và có mục đích của mình khi tổ chức sinh nhật muộn vào giữa lúc "nước sôi lửa bỏng" liên quan đến tình hình Ukraine mà theo lời một cựu Thủ tướng Đức khác thuộc Đảng Xã hội, Helmut Schmidt: "Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu".
Đó chỉ là một trong những vấn đề đang tạo ra sự tranh luận sôi nổi ở cả bên trong và ngoài nước Đức. Ví dụ, gần đây nhất, trên tờ New York Times ngày 7/5, Clemens Wergin - biên tập viên của nhật báo Welt Die tại Berlin – cho rằng đang có một sự phát triển mạnh mẽ trong mối quan hệ giữa Đức và Nga.
Tổng thống Nga Putin và Thủ tướng Đức Merkel.
Vài ngày trước, John Vinocur, một nhà báo làm việc cho hãng tin quốc tế Herald Tribune, có trụ sở tại Paris, bình luận trên tờ Wall Street Journal với kết luận tương tự: "Chúng ta có một thủ tướng - bất kể sự tham gia của Đức trong lệnh trừng phạt mới, hoặc một số nhân viên người Đức thuộc Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) bị bắt ở Đông Ukraine - đã dành nhiều thời gian của mình chờ đợi trên điện thoại để nhận được tín hiệu tích cực từ Tổng thống Putin kể từ khi Crimea sáp nhập vào Nga".
Ngụ ý của các tuyên bố trên dường như nói về việc Đức đang quay trở lại với cách làm trước đây. Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Berlin chủ động hướng về phía đông thay vì phía tây, giống như đã từng làm trong những năm 1920, sau khi Hòa ước Rapallo được ký kết. Vinocur lưu ý rằng nhà sử học Heinrich Winkler gần đây đã viết trong một bài bình luận trên tờ Der Spiegel của Đức phát hiện ra sự dịch chuyển và “có những nghi ngờ mới về tính toán” của Đức. Wergin đồng ý với quan điểm này và nói: "Chúng ta nghĩ rằng Đức là một quốc gia Tây Âu, nhưng đó là thời Chiến tranh Lạnh. Trước đó nước này bấp bênh giữa đông và tây. Giờ đây, Đức cũng có thể rời xa phương Tây một lần nữa".
Gốc rễ của vấn đề này chính là sự ác cảm, chủ yếu từ lực lượng cánh tả đối với Washington. Chủ nghĩa yêu hòa bình đã nổi lên mạnh mẽ ở Đức trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Trong chiến tranh Việt Nam, Mỹ đã được xem như là kẻ xấu ở Đức. Nhiều học sinh, sinh viên đã xuống đường biểu tình chống lại cuộc chiến tranh phi nghĩa của Mỹ ở miền Nam Việt Nam. Người Đức coi chiến tranh Việt Nam giống như tội diệt chủng mà Mỹ tiến hành với người da đỏ. Ngoài ra, lúc đó, Mỹ được coi là người bảo trợ cho chế độ “khó chịu” ở Iran.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh: DPA
Sau đó, phong trào hòa bình nổ ra trong những năm 1980 và chính quyền của Tổng thống Mỹ Reagan được xem là mối đe dọa thực sự đối với hòa bình ở châu Âu. Đức với mơ ước trở thành một Thụy Sĩ mới, đã kiên quyết phản đối quan điểm cho rằng nước này sẽ trở thành chiến trường cho một cuộc đối đầu giữa hai siêu cường. Thủ tướng Schroeder, vào đêm trước của cuộc chiến tranh Iraq năm 2001 đã quyết định nước này không ủng hộ cuộc chiến tranh và nhờ đó, ông đã tái đắc cử chức vụ này vào mùa thu năm 2002.
Trớ trêu thay, tình cảm đó hiện nay đang ngày một tăng lên do những chính sách của chính quyền Mỹ. Ông Obama, một ứng cử viên từng được chào đón và ca ngợi của những “fan" cuồng nhiệt người Đức và được cho là vị tổng thống sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của hòa bình toàn cầu, đã biến mất. Thay vào đó, ông trở thành vị tổng thống cho phép Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) thực hiện các vụ theo dõi đa số công chúng Đức và cả vị thủ tướng của họ. Giờ đây, nhắc đến Mỹ, rất nhiều người Đức gọi với biệt danh “bẩn” (Mud).
Ngược lại, với Tổng thống Nga Putin, đa số người Đức bày tỏ sự ủng hộ, chẳng hạn như nhà hoạt động vì hòa bình 87 tuổi, Erhard Eppler, từng là Bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Đức Willy Brandt (1969–1974). Viết trên tờ Der Spiegel, ông Eppler hoàn toàn phản đối quan điểm cho rằng Tổng thống Putin là người duy nhất vi phạm luật pháp quốc tế khi sáp nhập Crimea vào Nga, đồng thời thông cảm với những hành động của Putin.
Theo ông Eppler, Tổng thống Nga có rất ít sự lựa chọn nhưng phải hành động và trên thực tế, chính quyền lâm thời tại Kiev đang "chống Nga một cách cứng nhắc, nhưng lại không hiểu rằng họ không thể ngay lập tức bãi bỏ ngôn ngữ Nga trong dân chúng để gia nhập NATO. Một vị tổng thống ủng hộ Nga sẽ được bầu lên chỉ sớm hay muộn mà thôi”.
Tất nhiên, sự ủng hộ đối với ông Putin từ Đức, một mặt xuất phát từ cảm giác tội lỗi mang tính lịch sử trong Chiến tranh Thế giới 2. Mặt khác, quan hệ kinh tế hiện nay cũng đóng vai trò quan trọng. Các công ty của Đức, từ Siemens trở xuống khó có thể từ bỏ những hợp đồng béo bở của họ với Moskva. Họ có thể sẽ rất vui mừng nếu các công ty Mỹ, theo lệnh của ông Obama, tẩy chay hội nghị thượng đỉnh về kinh tế do Tổng thống Putin chủ trì tại St Petersburg (Nga) thời gian tới.
Cuối cùng, không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức, nhiều thập kỷ sau khi thống nhất đất nước, bắt đầu xác định lợi ích của mình khác với Washington. Điều này là không tránh khỏi. Không thể phủ nhận rằng, nguyên nhân của việc Đức đang rời xa Mỹ là sự pha trộn bởi một chính sách ngoại giao không khôn khéo của Mỹ và chính sách đối ngoại kể từ sau sự sụp đổ của Bức tường Berlin.
Thật vậy, Đức không phải là đồng minh duy nhất có mâu thuẫn với Washington. Israel cũng vậy và dường như đang ủng hộ ông Putin vì một loạt các lý do. Chẳng bao lâu, Đức, Israel và Nga có thể nhận ra rằng họ có nhiều điểm chung với nhau hơn với Mỹ. Tất cả đều nhắc chúng ta nhớ đến một câu châm ngôn nổi tiếng: “Không có đồng minh vĩnh viễn, không có kẻ thù vĩnh viễn, chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”.