1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tài phiệt Nga thời khủng hoảng: Chống đỡ lệnh trừng phạt

Lọt vào danh sách trừng phạt của phương Tây, một số nhà tài phiệt Nga buộc phải bán tài sản. Trong khi đó, các ngân hàng châu Âu đã từ chối giao dịch với một số tỉ phú Nga khác.

Trong vòng 18 tháng qua, một loạt tài sản ở Nga đã được đem bán ồ ạt khi một số nhà tài phiệt nước này mới lọt vào danh sách trừng phạt của Mỹ đã thay đổi quyền sở hữu các doanh nghiệp của họ. Mặt khác, nhiều tỉ phú Nga phải đem tiền về nước do bị các ngân hàng châu Âu từ chối.

Chuyển đổi quyền sở hữu

Tỉ phú Gennady Timchenko, đứng thứ chín trong số những người giàu nhất nước Nga theo xếp hạng của tạp chí Forbes, thời gian qua đã bán cổ phần ở Công ty Thương mại Gunvor, Tập đoàn Đánh cá Biển Nga, Tập đoàn Hàng không Airfix, Công ty Sản phẩm Dầu IPP, Tập đoàn Hóa dầu Sibur và bán các công ty xây dựng ARKS, SK Most.

Anh em Arkady và Boris Rotenberg cũng tổ chức lại tài sản của họ. Arkady Rotenberg đã bán cổ phần ở Gazprom Drilling, công ty dịch vụ mỏ dầu lớn và các tập đoàn xây dựng và bất động sản cho con trai ông ta là Igor. Trong khi đó, cậu con trai Roman của Boris Rotenberg được chuyển nhượng Công ty Langvik Capital, chủ sở hữu 1 khách sạn và 1 tiệm spa ở Phần Lan cũng như các tài sản khác ở nước này - gồm sân vận động khúc côn cầu cùng với đội chủ sân.

Dù thừa nhận động thái bán tài sản là chuyện bắt buộc phải làm xuất phát từ hành động của phương Tây, bản thân các nhà tài phiệt này vẫn khăng khăng đó không phải là cách để né tránh lệnh trừng phạt.

Anh em nhà Rotenbergs quả quyết chuyện họ bán tài sản cho các con trai của mình là một phần của chương trình “thay đổi thế hệ” vốn đã được hoạch định từ lâu. Còn phát ngôn viên của Tập đoàn Volga, một doanh nghiệp cổ phần của tỉ phú Timchenko, tuyên bố một số thỏa thuận liên quan đến lệnh trừng phạt nhưng các hợp đồng khác nằm trong chiến lược tái cấu trúc vốn đầu tư của Volga.


Anh em tỉ phú Arkady (trái) và Boris Rotenberg đã chuyển quyền sở hữu nhiều tài sản cho con trai của họ Ảnh: SVOBODA.ORG

Anh em tỉ phú Arkady (trái) và Boris Rotenberg đã chuyển quyền sở hữu nhiều tài sản cho con trai của họ Ảnh: SVOBODA.ORG

Tuy nhiên, theo báo Financial Times, dư luận nghi ngờ liệu những nhà tài phiệt nêu trên có thực sự từ bỏ quyền kiểm soát các doanh nghiệp từng thuộc quyền sở hữu của họ hay không?

Cũng trong bối cảnh lệnh trừng phạt của phương Tây được kéo dài thời gian hiệu lực, các ngân hàng châu Âu đã từ chối giao dịch với một số tỉ phú Nga. Thế là họ gom góp tiền gửi và tìm cách cho chúng hồi hương giữa lúc hiện tượng gia nhập thị trường Nga đối với những người có vốn ngoại tệ đã giảm mạnh.

Đầu năm 2016, các ngân hàng châu Âu đã khước từ một số tỉ phú ở St. Petersburg. Thực tế, những công dân Nga gửi tiền ở ngoài nước không muốn công khai lịch sử mối quan hệ của họ với các ngân hàng nước ngoài.

Tuy nhiên, những tỉ phú St. Petersburg được báo DP thăm dò đều khẳng định rằng vấn đề đã phát sinh khi một số doanh nhân Nga giao dịch với ngân hàng nước ngoài. Họ gặp khó khăn không chỉ khi mở tài khoản ở nước ngoài mà cả khi nhận khoản tín dụng, tiến hành giao dịch giữa công ty ở nước ngoài với công ty con ở Nga cũng như chi trả qua ngân hàng số tài sản ở ngoài nước của nhà đầu tư Nga.

“Các doanh nhân Nga gặp vấn đề khi giao dịch với các ngân hàng châu Âu và Mỹ. Chúng tôi chỉ làm việc với các ngân hàng quốc nội nên không đụng phải vấn đề như họ” - ông Vagiph Mamishev, nhà sáng lập và chủ tịch Tập đoàn Petrovsky Stroytel, cho biết.

Các ngân hàng Nga đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu mới của doanh nhân nước này. “Ngân hàng Sberbank đã hình thành một dịch vụ đặc biệt để giúp khách hàng đem tiền từ châu Âu về nước” - một doanh nhân Nga khẳng định.

Trong khi đó, để tránh rắc rối, một số tỉ phú Nga đã tích cực kiếm cho mình quốc tịch khác, chẳng hạn Luxembourg - một lựa chọn rất phổ biến.

Mua cổ phần nhà nước

Một khía cạnh khác, những nhà tài phiệt Nga là khách hàng tiềm năng nhất có thể mua cổ phần các công ty lớn nhất nước này trong kế hoạch tư nhân hóa của Tổng thống Vladimir Putin. Nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần hối thúc giới doanh nhân Nga siêu giàu đem về nước số tiền mà họ đã mang ra nước ngoài khi giá trị đồng rúp sụt giảm thảm hại.

“Điều này nhiều khả năng có mối liên kết với chiến dịch phi hải ngoại hóa nhằm vận động mang tiền trở về Nga và đổi lại, họ sẽ được mua tài sản trong nước với giá bằng một nửa” - một nguồn tin thị trường tài chính Nga nhận định.

Tuy nhiên, một nhà hoạt động ngân hàng đầu tư tiết lộ để tránh bị chỉ trích, nhà chức trách Nga phải bảo đảm rằng số tài sản đem bán sẽ không quá rẻ. Lâu nay, Tổng thống Putin vẫn tuyên bố các công ty Nga có tài khoản ở hải ngoại sẽ không đủ tư cánh để mua cổ phần những công ty nhà nước và các ngân hàng nhà nước sẽ không được phép cho họ vay.

Kế hoạch vừa nêu - nhằm ngăn chặn tình trạng thâm hụt ngân sách nhà nước gia tăng - được công bố khi nước Nga bước vào năm thứ hai suy thoái kinh tế, giá cổ phiếu trượt dốc cùng với giá dầu thô.

Điện Kremlin cho biết Nga hoan nghênh các nhà đầu tư nước ngoài tham gia chương trình tư nhân hóa - được phát động để đối phó cuộc khủng hoảng kinh tế vốn đã nảy sinh do giá dầu giảm mạnh. Tuy nhiên, các nhà hoạt động ngân hàng và nhà phân tích nhận định các nguy cơ (có thể nhận thức được) của một đất nước bị phương Tây trừng phạt sẽ hạn chế sự tham gia của doanh nhân nước ngoài.

Nhiều nguồn tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng Điện Kremlin đang xem xét giảm số cổ phần nhà nước tại các công ty dầu mỏ Rosneft và Bashneft, hãng vận tải đường thủy Sovkomflot, khu mỏ kim cương Alrosa và Ngân hàng VTB. Lệnh trừng phạt không cấm nhà nước đem bán cổ phần của Rosneft nhưng nhiều khách hàng tiềm năng sẽ thận trọng khi giá dầu chưa có dấu hiệu lạc quan.

Tỉ phú thành triệu phú

Doanh nhân Nga Filaret Galchev - 53 tuổi, ông trùm vật liệu xây dựng - đã trở thành nhà tỉ phú Nga mới nhất chịu tác động của tình trạng giá cả hàng hóa lao dốc và tính bất ổn trên thị trường tài chính. Tài sản của tỉ phú Galchev, chủ sở hữu Công ty Eurocement Holding AG (Thụy Sĩ) - 1 trong 5 công ty xi măng lớn nhất thế giới, từ tháng 12-2015 đến đầu tháng 2-2016 đã giảm 70%, còn 305 triệu USD - theo dữ liệu của trang Bloomberg. Trước đó, vào giữa năm 2014, tài sản của ông này được đánh giá là 5,6 tỉ USD.

(Kỳ tới: Tiêu tiền như nhà giàu Nga)

Theo NGÔ SINH

Người Lao động