1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế

Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của đế quốc Mỹ là cuộc chiến tranh cục bộ lớn nhất thế kỷ XX. Xét về quy mô lực lượng tham gia, phương tiện chiến tranh hiện đại thì đây là cuộc đụng đầu không cân sức...

...Nhưng với tinh thần quyết tâm kháng chiến đến cùng, nhân dân Việt Nam đã làm cho cả thế giới phải kinh ngạc. Chúng ta đã đánh thắng đế quốc Mỹ, hoàn thành sự nghiệp giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến công vang dội đó của nhân dân Việt Nam bắt nguồn từ sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó có sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của bạn bè quốc tế.
 
Sức mạnh của tình đoàn kết quốc tế
Chủ tịch Cuba Fidel Castro thăm các chiến sĩ Quân giải phóng tại chiến trường Quảng Trị năm 1973. (Ảnh: Tư liệu)

Đầu tiên phải kể đến tình đoàn kết quốc tế của nhân dân ba nước Đông Dương. Chính sự ủng hộ, giúp đỡ của nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia đã cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Đặc biệt, trên tinh thần Đông Dương là một chiến trường, sự phối hợp nhịp nhàng giữa ba chiến trường Lào, Cam-pu-chia, miền Nam Việt Nam đã buộc địch phải phân tán lực lượng đối phó, tạo điều kiện cho mỗi nước, cho chiến trường miền Nam Việt Nam đánh Mỹ.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước gian khó ác liệt, Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã trở thành huyền thoại, là một biểu tượng sáng ngời về tình đoàn kết thủy chung, trong sáng, trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, thực sự tin cậy, gắn bó, chân thành hợp tác, giúp đỡ nhau vì lợi ích chung của nhân dân mỗi nước. Bởi những nơi Đường Trường Sơn đi qua, nhân dân các bộ tộc Lào, nhân dân Cam-pu-chia đã tích cực góp công, góp sức xây dựng, bảo vệ con đường, luôn chở che và giúp đỡ hết lòng Bộ đội Trường Sơn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẳng định: “Quyết định xây dựng tuyến chi viện chiến lược Đường Hồ Chí Minh... là biểu hiện tình đoàn kết quốc tế đặc biệt Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia… là một trong những yếu tố chiến lược có ý nghĩa quyết định đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi cuối cùng”.

Không chỉ đối với Lào và Cam-pu-chia, ngay sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bắt đầu, Đảng và Nhà nước Việt Nam đã xác định Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa là chỗ dựa, là hậu phương quốc tế, sự hậu thuẫn vững chắc đối với sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bên cạnh kinh tế, quân sự là một trong những lĩnh vực Việt Nam nhận được sự giúp đỡ lớn nhất. Vốn là nước có nền công nghiệp quốc phòng hùng mạnh, ngoài một số vũ khí thông thường, sự viện trợ của Liên Xô cho Việt Nam phần lớn là vũ khí hiện đại như: Máy bay, xe tăng, xe bọc thép, tên lửa, pháo phòng không, pháo binh… Không những vậy, Liên Xô còn cử nhiều chuyên gia quân sự giúp đỡ QĐND Việt Nam cải tiến các đài trinh sát, hiện đại hóa các bộ khí tài tên lửa phòng không, mở rộng đáng kể các tính năng chiến đấu của tên lửa, mở rộng tầm tiêu diệt và khả năng đối phó với các máy bay có sử dụng biện pháp cơ động tránh tên lửa. Trong khốc liệt chiến tranh, sát cánh cùng nhân dân chiến đấu cho hòa bình, không ít người con Liên Xô đã vĩnh viễn nằm lại mảnh đất Việt Nam. Họ để lại nơi đây những kỳ tích và góp phần xây đắp nên tình đoàn kết hữu nghị thủy chung giữa hai dân tộc.

Cùng với Liên Xô, Việt Nam đã nhận được một khối lượng vũ khí, đạn dược, trang thiết bị kỹ thuật và hậu cần tương đối lớn từ Trung Quốc. Tổng trọng lượng trang, thiết bị quân sự và vật tư hậu cần mà Trung Quốc viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam lên tới 58.953 tấn, trị giá 382 triệu nhân dân tệ. Ngoài giúp đỡ vật chất, vũ khí, phương tiện chiến tranh, Trung Quốc còn đảm nhận việc vận chuyển quá cảnh số lượng hàng hóa, vũ khí, đạn dược mà các nước khác viện trợ cho Việt Nam đánh Mỹ.

Nguồn vũ khí trang thiết bị chiến tranh viện trợ từ Liên Xô và Trung Quốc được khẩn trương bổ sung cho các đơn vị, góp phần phục vụ trực tiếp công tác huấn luyện và nâng cao sức mạnh sẵn sàng chiến đấu của QĐND Việt Nam. Đánh giá về kết quả viện trợ, Báo cáo về quan hệ giữa nước ta và các nước anh em của Việt Nam ghi nhận: Cùng với sự giúp đỡ của Liên Xô, sự giúp đỡ của Trung Quốc đã có tác dụng rất quan trọng đối với việc cải tiến và tăng cường trang bị của Quân đội ta, làm cho Quân đội ta tiến thêm một bước trên con đường hiện đại hóa.

Đi cùng sự ủng hộ của các nước xã hội chủ nghĩa, nhân dân Việt Nam luôn giành được sự đồng tình ủng hộ và sự đoàn kết của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới. Trong những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, sự ủng hộ, giúp đỡ của bè bạn quốc tế đối với Việt Nam được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Ngày 3-1-1975, Đảng Cộng sản ấn Độ cực lực lên án chính quyền Nguyễn Văn Thiệu được Mỹ dung túng đã phá hoại Hiệp định Pa-ri. Đoàn Chủ tịch Đảng Cộng sản Đức cũng ra tuyên bố lên án Mỹ và chính quyền Sài Gòn vi phạm, phá hoại Hiệp định Pa-ri, đồng thời “kêu gọi tất cả các lực lượng dân chủ và tiến bộ trong nước giờ đây càng tăng cường đoàn kết với những người dân chủ ở miền Nam Việt Nam, càng nhất trí ủng hộ việc tôn trọng Hiệp định Pa-ri và đấu tranh đòi chấm dứt sự dính líu nguy hiểm của Mỹ ở miền Nam Việt Nam”.

Khi quân dân Việt Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, ngày 27-3-1975, Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Phần Lan ra tuyên bố khẳng định sự ủng hộ đối với cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam; đòi Mỹ phải chấm dứt can thiệp vào công việc nội bộ của nhân dân các nước Đông Dương. Chính phủ An-ba-ni cũng ra tuyên bố: “Trong bất kỳ tình huống nào, nhân dân, Đảng Lao động và Chính phủ Cộng hòa An-ba-ni cũng ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam anh hùng đến thắng lợi hoàn toàn”.

Ngày 30-4-1975, khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc dinh Độc Lập, đánh dấu thời khắc sụp đổ hoàn toàn của chế độ Việt Nam Cộng hòa, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, tại thủ đô Xô-phi-a, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hòa nhân dân Bun-ga-ri đã ký Hiệp định viện trợ kinh tế không hoàn lại cho nhân dân miền Nam để khôi phục đời sống và kinh tế.

Có thể nói, với đường lối đối ngoại đúng đắn; đồng thời, phát huy tính chính nghĩa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước lâu dài gian khổ, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ hết sức to lớn của bè bạn quốc tế cả về vật chất lẫn tinh thần. Sự giúp đỡ đó đã trở thành nguồn sức mạnh to lớn, là một trong những nhân tố góp phần quyết định vào thắng lợi của sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và để lại nhiều bài học kinh nhiệm quý báu cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc hôm nay và mai sau.

Theo Lê Văn Phong (Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam)
Quân đội Nhân dân