1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sức ép buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược ở Trung Đông

Sức công phá của quả bom tại quảng trường Zanbaq, Kabul không đơn giản chỉ là số người thương vong, mà sức ép buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược mới là sức công phá dữ dội nhất...

Đánh bom kinh hoàng tại Afghanistan sau khi Mỹ ném siêu bom

Theo BBC, ngày 31/5 một vụ đánh bom tự sát xảy ra gần đại sứ quán Đức ở Kabul, tại quảng trường Zanbaq, khiến ít nhất 93 người thiệt mạng và khoảng 350 người bị thương. Thời điểm đánh bom vào lúc 8h30 sáng (giờ địa phương) trong giờ cao điểm nên mức độ sát thương cao.

"Con số này có thể sẽ còn tăng lên do những nạn nhân đang tiếp tục được chuyển đến các bệnh viện", người phát ngôn Bộ Y tế Afghanistan Ismael Kawoosi cho biết.

Vụ đánh bom xảy ra ở khu vực đặt nhiều trụ sở cơ quan ngoại giao và cả dinh tổng thống. Đây được xem là khu vực an toàn nhất ở Afghanistan. Theo người phát ngôn cảnh sát Kabul, Basir Mujahid, chính quyền chưa thể xác định mục tiêu thực sự của vụ tấn công là gì.

Đánh bom kinh hoàng tại Kabul ngày 31/5/2017
Đánh bom kinh hoàng tại Kabul ngày 31/5/2017

Thứ trưởng Nội vụ Afghanistan, ông Murad Ali cho biết: “Nhiều nhóm khủng bố đã nhận trách nhiệm vụ đánh bom nhưng tình báo Afghanistan đang truy tìm xem ai là kẻ đứng đằng sau vụ đánh bom này”.

Trước đó, ngày 27/5 một vụ đánh bom xe đã xảy tại khu vực đông người ở thành phố Khost, phía đông Afghanistan, làm ít nhất 18 người thiệt mạng. Một số hãng thông tấn quốc tế đưa tin, mục tiêu các vụ tấn công là nhằm vào lực lượng cảnh vệ địa phương.

Trong cùng ngày, phiến quân cũng đã tấn công lực lượng an ninh tại huyện Qadis, tại tỉnh Badghis, tây bắc Afghanistan, làm 6 nhân viên an ninh và 8 dân thường thiệt mạng.

Như vậy, chỉ trong tháng 5/2017, các vụ tấn công khủng bố tại Afghanistan đã giết chết ít nhất 125 người và làm bị thương hơn 350 người khác.

Điều đáng nói là các vụ tấn công khủng bố liên tiếp xảy ra tại "xứ A-phú-hãn" (Afghanistan) sau khi quân đội Mỹ ném siêu bom GBU-43/B - mẹ của các loại bom – xuống cứ địa của IS tại tỉnh Nangarhar, miền Đông Afghanistan, được cho là đã giết chết gần 100 nghi phạm là những chiến binh IS.

Cũng nên nhắc lại rằng, trong 3 tháng đầu năm 2017, các cuộc tấn công khủng bố cũng liên tiếp xảy ra tại Aghanistan, gây nhiều thương vong cho Afghanistan và cho quân đội nước ngoài.

Cụ thể, ngày 10/1/2017 vụ đánh bom liều chết xảy ra tại tỉnh Helmand, miền Nam Afghanistan làm 13 người thương vong, ngày 7/2/2017 vụ đánh bom liều chết tại Tòa án tối cao ở trung tâm thủ đô Kabul làm 60 người thương vong.

Siêu bom không làm gia tăng uy lực Mỹ, dù sức công phá được cho là khủng khiếp nhất mọi thời đại
Siêu bom không làm gia tăng uy lực Mỹ, dù sức công phá được cho là khủng khiếp nhất mọi thời đại

Tiếp đến ngày 11/2/2017 vụ đánh bom liều chết xảy ra tại thủ phủ tỉnh Helmand làm 27 người thương vong và ngày 8/3/2017 IS đã tấn công vào bệnh viện quân đội lớn nhất tại Afghanistan làm 80 người thương vong.

Thống kê sơ bộ, từ đầu năm đến nay đã xảy ra ít nhất 6 cuộc tấn công khủng bố tại Kabul và các khu vực khác trên đất nước Afghanistan, làm gần 700 người thương vong. Đặc biệt sau khi siêu bom của Mỹ được ném xuống Afghanistan thì khủng bố tại quốc gia Trung Nam Á này lại càng ác liệt hơn.

Khủng bố tại Afghanistan - một thách thức lớn, buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược

Vụ đánh bom tự sát kinh hoàng ngày 31/5 xảy ra tại khu vực được cho là an toàn nhất tại Kabul cũng như trên toàn Afghanistan được xem là một lời cảnh báo nghiêm trọng đối với Mỹ - chủ thể thực sự của bàn cờ chính trị tại Aghanistan thời hậu Taliban và là quốc gia bảo trợ an ninh của Afghanistan.

Hậu quả đó là sự thách thức với uy lực Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan và khu vực Trung Á nói riêng, trên toàn thế giới nói chung. Việc xác định thủ phạm vụ đánh bom xe tại Kabul ngày 31/5 không còn quan trọng nữa, mà nguyên nhân khiến bất ổn gia tăng tại "xứ A-phú-hãn" và khu vực Trung Á, sau khi Mỹ thể hiện uy lực mới là điều đáng lưu tâm.

Trước bối cảnh khủng bố liên tiếp xảy ra tại Afghanisan, ngày 13/4 vừa qua, quân đội Mỹ đã sử dụng siêu bom GBU-43/B để tấn công khủng bố. Giới phân tích từng cho rằng GBU-43/B có thể có sức công phá “mạnh nhất mọi thời đại”, nhưng nó không đủ khả năng tiêu diệt khủng bố.

Còn ở khía cạnh Mỹ xem việc “thả GBU-43/B” để dằn các mặt đối thủ cứng đầu thì ngược lại chính Washington đã chọn tăng cường sức mạnh cho những kẻ khủng bố tấn công vào nước Mỹ, vào lợi ích Mỹ và vào đồng minh của Mỹ. Dường như khủng bố đang chứng minh điều đó.

Khi đồng minh phê phán Mỹ thì chứng tỏ lỗ hổng chiến lược của Washington rất lớn
Khi đồng minh phê phán Mỹ thì chứng tỏ lỗ hổng chiến lược của Washington rất lớn

Không những vậy, dư luận nhìn nhận việc dùng siêu bom GBU-43/B để đánh IS thì ít, mà nhằm thể hiện niềm kiêu hãnh của quân lực Mỹ thì nhiều, song nguy hại là Washington bị chỉ trích đã xem thường chủ quyền quốc gia của Afghanistan qua vụ việc này.

Chính cựu Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai – một người từng là đồng minh của Mỹ - đã lên án việc chính phủ Kabul cho phép Mỹ ném siêu bom xuống đất nước mình là hành động phản bội Tổ quốc và đã tuyên bố sẽ đứng lên chống lại Mỹ, theo Reuters.

Còn tướng Mirza Mohammed Yarmand, nguyên Thứ trưởng Nội vụ từng cho cho rằng bất kể Mỹ gửi bao nhiêu quân tới Afghanistan thì cũng sẽ không có hòa bình ở quốc gia Trung Nam Á này, nghĩa là uy lực của Mỹ đã không còn nhiều công lực, theo The Washington Post.

Gần đây, cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho rằng người Mỹ phải tìm hiểu về người Nga, về văn hóa Nga thông qua ngôn ngữ và đó được xem là phương cách tốt nhất trong việc đối phó với tác động tiêu cực từ xứ sở bạch dương tới đời sống chính trị Mỹ.

Có thể nhận diện lời kêu gọi mà chính trị gia kỳ cựu của đảng Dân chủ Mỹ này đưa ra là lời cảnh báo với Washington cần thay đổi căn bản chiến lược của mình, phải thay đổi tương quan trong ưu tiên giữa 4 yếu tố nền tảng cấu thành nên sức mạnh quốc gia là: thể chế chính trị, chủ quyền quốc gia, cộng đồng dân tộc và văn hóa dân tộc.

Cựu Ngoại trưởng John Kerry đã lên tiếng về việc Mỹ cần phải đổi thay nền tảng chiến lược
Cựu Ngoại trưởng John Kerry đã lên tiếng về việc Mỹ cần phải đổi thay nền tảng chiến lược

Từ trước đến nay người Mỹ được cho là chỉ chú ý đến hai yếu tố gắn liền với sức mạnh cứng - quyền lực nhà nước - là thể chế chính trị và chủ quyền quốc gia. Khi tác động tới những thực thể khác điều đó được biến hóa thành “cây gậy Mỹ” và “củ cà rốt của Washington”.

Washington khai thác công hiệu của “cây gậy và củ cà rốt”, qua đó tạo sự phụ thuộc của đối phương vào lợi ích Mỹ, từ đó đưa đối phương lệ thuộc vào sức mạnh Mỹ. Hàng loạt những bàn cờ chính trị mới được người Mỹ sắp đặt lại nhờ hiệu quả trong khai thác “hai loại công cụ” này.

Có thể nhận diện người Mỹ đã xem nhẹ các yếu tố gắn liền với sức mạnh mềm là cộng đồng dân tộc và văn hóa dân tộc. Bàn cờ chính trị mà Mỹ sắp đặt lại tại Afghanistan thời hậu Taliban đã cho thấy dường như Washington chỉ chú trọng đến sức mạnh nhà nước.

Nhưng làm sao có một nhà nước có sức mạnh, làm sao có một chính thể ổn định và vững mạnh được xây dựng trên nền tảng một xã hội bất ổn, một cộng đồng dân tộc xâu xé, một nền văn hóa không bản sắc. Đó được xem là lỗ hổng lớn trong chiến lược của nước Mỹ.

Afghanistan mang tính chất một nhà nước trung ương phân quyền rõ nét nhất hiện nay. Dù không hoàn toàn bị phân chia bởi tính cát cứ nhưng quyền uy và sức mạnh của chính quyền trung ương tại quốc gia này đối với các bộ tộc rất hạn chế.

Chính sách của Kabul sẽ không được thực thi tại một khu vực nếu không được phép của bộ tộc tại đó. Vì vậy, chính quyền trung ương tại Afghanistan thường không có sức mạnh thật sự.

Chính quyền Taliban bị lật đổ nhưng lực lượng Taliban không thể bị tiêu diệt là lời nhắc nhở Mỹ về sức mạnh mềm
Chính quyền Taliban bị lật đổ nhưng lực lượng Taliban không thể bị tiêu diệt là lời nhắc nhở Mỹ về sức mạnh mềm

Bất cứ chính phủ nào tại Kabul muốn khẳng định sức mạnh của mình mà bỏ qua sức mạnh của của các bộ tộc đều không thể thành công, thể chế luôn trong sự chông chênh và chế độ có thể sụp đổ hoặc bị lật đổ bất cứ lúc nào, theo Le Monde ngày 24/10/2001.

Chính quyền Taliban bị xóa sổ bởi bom đạn của Mỹ và NATO nhưng lực lượng Taliban không thể bị tiêu diệt bằng những thứ vũ khí ấy, bởi chúng có một thứ lá chắn rất lợi hại – đó là sự ủng hộ, che chở của các bộ tộc tại Afghanistan. Đây là lời nhắc nhở quan trọng với Washington.

Sức công phá của quả bom tại quảng trường Zanbaq, Kabul không đơn giản chỉ là số người chết và bị thương cùng những tài sản, vật dụng và không gian xung quanh bị tàn phá, hư hại, mà sức ép buộc Mỹ phải thay đổi chiến lược mới là sức công phá dữ dội nhất sau tiếng nổ của quả bom.

Theo Ngọc Việt

Đất Việt