1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Sự kiên quyết “kỳ lạ” của Trung Quốc khi chỉ nhận là nước đang phát triển trong WTO

(Dân trí) - Trung Quốc vẫn muốn tiếp tục được hưởng những quyền lợi đặc biệt dành cho nước đang phát triển trong WTO dù đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Điều này khiến Mỹ không hài lòng.

Sự kiên quyết “kỳ lạ” của Trung Quốc khi chỉ nhận là nước đang phát triển trong WTO - 1

Chủ tịch Tập Cận Bình và phái đoàn Trung Quốc ăn tối cùng Tổng thống Donald Trump trong cuộc gặp bên lề hội nghị G20 tại Argentina năm 2018. (Ảnh: Reuters)

Trung Quốc tuần trước tuyên bố sẽ không từ bỏ “quyền đối xử đặc biệt và khác biệt” mà nước này đang được hưởng với tư cách là một nước đang phát triển tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).  Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 4/4, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Gao Feng cho biết Bắc Kinh vẫn giữ nguyên lập trường của nước này.

“Lập trường của Trung Quốc về việc cải tổ WTO rất rõ ràng. Trung Quốc là nước đang phát triển lớn nhất thế giới”, ông Feng khẳng định.

Theo bảng xếp loại hiện tại của WTO, tổ chức có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ, Trung Quốc nằm trong nhóm các nước đang phát triển và được hưởng những đặc quyền riêng dành cho nhóm này. Theo đó, Trung Quốc được phép trợ giá nông nghiệp và đặt hàng rào thuế quan cao hơn đối với hàng hóa dịch vụ nhập khẩu từ các nền kinh tế phát triển hơn.

Việc Trung Quốc tự nhận là nền kinh tế đang phát triển khiến Mỹ không hài lòng. Washington đề xuất đưa Trung Quốc ra khỏi nhóm này nhằm giảm bớt những đặc quyền mà Bắc Kinh và các nước đang phát triển khác được hưởng về thương mại trong khuôn khổ WTO.

Những tranh cãi trên đã phản ánh sự chia rẽ về căn bản trong nội bộ WTO và đe dọa tới tương lai của tổ chức thương mại đa phương toàn cầu này. Trong khi đó, Trung Quốc vẫn khẳng định nước này không trốn tránh trách nhiệm.

“Chúng tôi không trốn tránh trách nhiệm quốc tế và sẵn sàng thực hiện các nghĩa vụ tại WTO nếu chúng phù hợp với năng lực và trình độ phát triển kinh tế của chúng tôi. Chúng tôi sẽ phối hợp với các nước đang phát triển khác để củng cố vững chắc các quyền cơ bản của chúng tôi và nói lên tiếng nói chung của chúng tôi cũng như bảo vệ các lợi ích phát triển của chúng tôi”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết.

Mỹ từ lâu đã than phiền rằng có quá nhiều nước thành viên WTO (chiếm khoảng 2/3 tổ chức) tự cho mình là nước đang phát triển để được hưởng những đặc quyền có lợi trong giao dịch thương mại. Tổng thống Mỹ Donald Trump từng lên tiếng công kích WTO, thậm chí gọi tổ chức này là “thảm họa”.

Tổng thống Trump từ lâu đã cho rằng WTO có xu hướng thiên vị Trung Quốc kể từ khi nước này gia nhập tổ chức vào năm 2001. Ông Trump cảnh báo nếu WTO không đảm bảo được sự công bằng, ông có thể rút Mỹ khỏi tổ chức này.

Tuy vậy, những nước có nền kinh tế lớn mạnh như Trung Quốc và Ấn Độ vẫn khẳng định quyền ưu đãi đặc biệt mà họ được hưởng là hòn đá tảng quan trọng trong hệ thống thương mại toàn cầu. Trung Quốc vẫn tự coi mình là quốc gia đang phát triển dù nước này là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước xuất khẩu lớn nhất thế giới.

Sự kiên quyết “kỳ lạ” của Trung Quốc khi chỉ nhận là nước đang phát triển trong WTO - 2

Một phiên họp của tổ chức WTO (Ảnh: WTO)

Khác với Trung Quốc, Brazil gần đây đã đồng ý từ bỏ vị trí quốc gia đang phát triển để đổi lấy sự hậu thuẫn của Mỹ trong việc gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), một tổ chức kinh tế liên chính phủ có tầm ảnh hưởng lớn với 36 nước thành viên.

Theo lập luận của Mỹ, các quy tắc hiện hành của WTO đã đi quá xa trong việc cho phép Trung Quốc trợ cấp cho các ngành công nghiệp của nước này, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước và phân biệt đối xử với các nhà đầu tư nước ngoài. Washington cho rằng chính những đặc quyền mà Bắc Kinh đang được hưởng đã góp phần thúc đẩy những vấn đề như cưỡng ép các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc nếu muốn đầu tư vào nước này, hay đánh cắp sở hữu trí tuệ.

Tại Diễn đàn châu Á Bác Ngao ở Hải Nam Trung Quốc cách đây 2 tuần, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan đã thừa nhận một số chỉ trích của Mỹ là đúng. Tuy nhiên, ông Zhou cũng nói thêm rằng đã có một số hiểu lầm giữa các thành viên WTO liên quan tới hành vi thương mại của Trung Quốc.

“Chúng tôi đã giảm đáng kể việc làm thay đổi thị trường cũng như các khoản trợ cấp vô lý (trong quá trình chuyển đổi từ nền kinh tế tập trung sang nền kinh tế thị trường), nhưng bởi vì đây vẫn đang là quá trình chuyển đổi nên có thể sẽ mất nhiều năm”, ông Zhou nói trong một phiên thảo luận về cải tổ WTO.

“Chúng tôi cần làm rõ một số vấn đề. Trung Quốc là một nước lớn. Trong quá trình chuyển đổi sẽ không tránh khỏi sự thiếu đồng nhất. Việc triển khai ở cấp địa phương có thể chưa đồng nhất và các chính quyền địa phương đã hành xử chưa phù hợp. Tuy nhiên, điều này không đại diện cho lập trường của chính phủ Trung Quốc”, cựu thống đốc ngân hàng trung ương Trung Quốc giải thích.

Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi và Venezuela cũng phản đối đề xuất của Mỹ về việc cải tổ quyền ưu đãi dành cho các nước đang phát triển của WTO. Cả 4 nước này đều đệ trình bản đề nghị lên WTO, trong đó nói rằng việc phân loại nhóm các nước đang phát triển là chuẩn mực lâu đời và phục vụ tốt nhất cho các mục tiêu của WTO.

Bức thư của 4 nước còn cho rằng nhiều quy định của WTO thực sự có lợi cho Mỹ và các nước phát triển khác, đặc biệt trong những vấn đề như hỗ trợ nông nghiệp, hạn ngạch dệt may và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Thành Đạt

Theo SCMP